Ngôi nhà đơn sơ, giản dị của bà vân
Những câu thơ chắp cánh tình yêu
Trong sân miếu của thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội), một người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn đang dọn dẹp cùng những người trung niên khác. Đó là cô giáo Vân năm xưa.
Năm nay bà giáo Vân đã 75 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát vô cùng. Bỏ chiếc nón nhuốm màu nắng mưa xuống tay, bà giáo Vân kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình cảm động của mình.
Ngày ấy, khi vừa tốt nghiệp sư phạm, cô gái trẻ Lê Thị Hồng Vân được phân công về dạy ở một trường cấp 1 cách xa nhà vài chục km. Ở nơi công tác, lạ nước, lạ cái, cô giáo Vân cảm thấy buồn tủi vì nhớ nhà.
Nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết, cồn cào hơn khi cô Vân nhìn thấy khói lam chiều bốc lên từ những căn bếp nhỏ của người dân sống gần trường nấu cơm tối.
Cảm được nỗi buồn, nỗi tủi của người đồng nghiệp nữ, thầy giáo trẻ Phạm Văn Quý đã dành thời gian nghỉ ngơi của mình để nói chuyện với cô Vân, giúp cô quên đi nỗi nhớ nhà đang bủa vây.
Những câu chuyện không đầu, không cuối của thầy Quý khiến cô Vân thấy bớt cô đơn và nỗi nhớ nhà cũng vợi bớt đi phần nào. Rồi những lúc rảnh rỗi ngoài thời gian làm việc, thầy Quý còn đàn hát cho cô Vân nghe. Chất giọng ngọt ngào khi cất tiếng hát những bài ca ngợi Tổ quốc, những bài tình ca… khiến cô giáo Vân cảm động. Thi thoảng, cô cũng vui vẻ hòa cùng tiếng hát của người đồng nghiệp mà cô yêu mến. Để rồi dần dần, hai tâm hồn đồng điệu đã xích lại gần nhau.
Yêu nhau được một thời gian, vào năm 1963, thầy Quý có giấy gọi nhập ngũ. “Ngày tiễn người yêu lên đường, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài mấy lời dặn “anh hãy yên tâm làm nhiệm vụ, em sẽ đợi anh về”. Đáp lại, ông ấy bảo tôi “hãy cố đợi anh, hết chiến tranh anh sẽ trở về, sau đó mình làm đám cưới”, bà Vân chia sẻ.
Từ đó, sợi dây nối yêu thương giữa hai người là những cánh thư chứa chan tình cảm. Ngoài những lời động viên, thăm hỏi người yêu, ông Quý còn làm thơ tặng bà Vân. Những lời thơ mộc mạc nhưng chứa đựng tình yêu mãnh liệt ông dành cho bà.
“Bức thư đầu tiên ông ấy viết có câu thơ: Anh đi bảo vệ nước non/Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ. Bức thư khác lại viết: Em ơi anh chỉ ước mong/Bao giờ thống nhất non sông nước nhà/toàn dân ta khải hoàn ca/Mai anh còn sống về nhà bên em… Chữ ông ấy đẹp lắm, thơ cũng hay nữa”, bà Vân nói với chúng tôi mà như nói với chính mình.
Bà giáo Vân và những tấm ảnh kỷ niệm được bà nâng niu, gìn giữ như báu vật.
Và đáp lại những vần thơ mộc mạc, chân tình ấy bà Vân cũng làm thơ gửi lại cho ông Quý: “Hoa đào chờ đợi gió đông/Ba năm nghĩa vụ thành công huy hoàng/Bấy giờ phượng mới cùng loan/Chung xây tổ ấm dưới ngàn trời xuân…”.
Những cánh thư ông Quý gửi từ chiến trường ra cho bà Vân luôn được bà giữ gìn cẩn thận, nâng niu như báu vật. Đến nay đã hơn 50 năm, những cánh thư ngày nào giờ đã ố vàng vì những giọt nước mắt nhớ nhung, sự tàn phai của thời gian nhưng nhìn đôi tay bà lật giở từng cánh thư vẫn run run, chúng tôi phần nào cảm nhận được tình yêu bà dành cho ông vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Và chính những cánh thư ấy giúp bà nuôi dưỡng tình yêu, lòng thủy chung dành cho ông đến tận bây giờ.
Giữ vẹn lời hẹn ước
Ba năm sau ngày nhập ngũ, ông Quý hi sinh trong một trận đánh oanh liệt. Lúc gia đình ông Quý nhận được giấy báo tử, nghe tin, cô giáo Vân như chết nửa con người. Không thể đến nhà người yêu đường đường chính chính để chịu tang (khi yêu nhau hai người không cho gia đình hai bên biết), cô giáo Vân chỉ biết ôm chặt những bức ảnh hai người chụp chung với nhau khóc lặng.
Sau trận ốm thập thử nhất sinh vì nhớ thương người yêu, cô giáo Vân gượng dậy với niềm tin “chắc có sự nhầm lẫn, người yêu của mình không thể hi sinh được”. Bởi ngày ấy, có những gia đình nhận được giấy báo tử của con nhưng một thời gian sau người lính ấy trở về vẹn nguyên…
“Lúc đó tôi có niềm tin như vậy vì trong gia đình tôi có sự kiện hy hữu đó. Số là người chú ruột của tôi đi bộ đội, 16 năm trời, gia đình tôi không nhận được một thông tin nào của ông, ai cũng nghĩ ông đã hy sinh. Không ai còn hi vọng gì nữa, chỉ đợi giấy báo tử về muộn thì một ngày đẹp trời, chú ấy trở về nhà, khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, niềm tin người yêu của mình còn sống, sẽ trở về vào ngày đất nước im bặt tiếng súng của bà Vân vụn vỡ khi giải phóng miền Nam, đất nước được thống nhất ông Quý vẫn không về. Hiểu và thương cô con gái lận đận tình duyên, mẹ cô giáo Vân khuyên con hãy chọn một người đàn ông tốt trong số những người đến hỏi cô để có một gia đình như bao người nhưng cô từ chối.
Nghe mẹ nói, cô giáo Vân chỉ biết xin phép mẹ cho mình giữ vẹn lời thề thủy chung với người lính đã hy sinh cho dân, cho nước.
Tấm ảnh liệt sỹ Quý được bà Vân nâng niu, giữ gìn.
“Là phụ nữ, ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, tôi không được diễm phúc ấy nhưng tôi đã giữ được trọn vẹn mối tình của mình. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn được yêu và được giữ vẹn lời thề của mình với ông ấy”, bà Vân tâm sự.
Từ ngày biết có người con gái một lòng một dạ thờ con trai mình, gia đình ông Quý mời bà Vân tới nhà chơi, coi như con cái trong nhà. Thậm chí các cháu của ông Quý còn gọi yêu cô giáo Vân là thím.
“Giờ ông Quý vẫn còn một người anh năm nay đã ngoài 80 tuổi. Mỗi khi gia đình ông ấy có việc hoặc tôi rảnh rỗi, tôi ghé qua nhà thăm họ”, bà Vân nói.
Tiếp lời, bà Vân kể cho chúng tôi nghe cuộc “trùng phùng” sau mấy chục năm xa cách, đó là ngày gia đình ông Quý đưa hài cốt ông về yên nghỉ ở nghĩa trang quê nhà.
“Hôm ấy tôi đi xa, nhận được điện thoại của chị dâu bảo người nhà chú Quý sang tìm, gọi cô sang “đón” chú ấy về. Tôi vội vã trở về, sang nhà ông Quý. Khoảng 4h chiều chiếc xe đưa hài cốt của ông ấy về đến nghĩa trang. Khi xe vừa dừng, cô cháu gái của ông ấy từ trên xe rẽ đoàn người ra, lao về phía tôi ôm chặt nói “anh đã về đây rồi, em ơi”…”.
Có lẽ tiếng nói ấy là tiếng vọng tình yêu của hai trái tim cùng chung nhịp đập năm nào.
Tình yêu có những lí lẽ riêng và hạnh phúc cũng vậy. Có người hạnh phúc là căn nhà với người chồng yêu thương mình hết mực cùng những đứa con ngoan hiền nhưng cũng có những người cả đời chỉ yêu một người và hạnh phúc khi được giữ trọn lời thề với người mình yêu dù người ấy đã không còn trên thế gian.
Bà Vân cũng vậy, hạnh phúc của bà chính là được giữ vẹn lời hẹn ước với ông Quý. Và trong mỗi giấc mơ đêm, bà được gặp ông, nói chuyện với ông…/.