Cô giáo chuyển giới muốn tái giám định y khoa

Phạm Lê Quỳnh Trâm cho rằng Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước nói cô "không thuộc đối tượng được xác định lại giới tính" là chưa thỏa đáng.

Phạm Lê Quỳnh Trâm là tên hiện nay của anh Phạm Văn Hiệp, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Cái tên này và giới tính nữ của anh Hiệp đã được chính quyền huyện ra quyết định xác định lại vào 4 năm trước. Tuy nhiên ngày 21/1 UBND tỉnh đề nghị Sở Tư pháp thu hồi và hủy quyết định này với lý do "trái pháp luật".

Quỳnh Trâm đang làm việc với luật sư để tham vấn thủ tục khiếu nại trong trường hợp bị hủy quyết định xác định lại giới tính. Trâm khẳng định rằng cô là người liên giới tính (có bộ phận sinh dục không rõ ràng). Cụ thể giám định y khoa cho thấy cô có tử cung, buồng trứng, hormone thiên về giới tính nữ, không có yết hầu... Kết quả giám định này được cô thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.

Vấn đề là Sở Tư pháp Bình Phước cho rằng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước không có chức năng xác định lại giới tính, nên kết quả giám định này không có giá trị pháp lý. Sở vì vậy nhìn nhận anh Hiệp là người hoàn chỉnh về giới tính nam, là một thanh niên, khỏe mạnh bình thường nên không thuộc nhóm được áp dụng xác định lại giới tính.

Theo Quỳnh Trâm thì kết luận này chưa thỏa đáng và không có cơ sở. "Trước đây khi tiến hành thủ tục để xin xác định lại giới tính, tôi được các cán bộ hữu trách hướng dẫn làm thủ tục giám định y khoa ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước", cô cho biết.

"Nếu xét thấy hồ sơ thủ tục của tôi chưa đủ hoặc giấy tờ giám định y khoa ở bệnh viện chưa hợp lệ là cơ quan chức năng phải hướng dẫn tôi làm lại, chứ đừng phủ định sạch trơn như thế".

Trao đổi với PV, ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Trung tâm ICS (tổ chức vì quyền lợi người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) nhận định việc Quỳnh Trâm thay đổi giới tính và giấy tờ nhân thân là có căn cứ pháp lý và không vi phạm pháp luật. Vấn đề "trái pháp luật" ở đây có thể là sai sót trong việc ban hành hai quyết định về thay đổi nhân thân và hộ tịch của cơ quan chức năng.

Ông Huy cho biết thêm, thời gian qua, trong những buổi nói chuyện liên quan đến vấn đề của người đồng tính, song tính, chuyển giới, lãnh đạo Bộ Tư pháp hay Văn phòng Chính phủ đều viện dẫn Quỳnh Trâm là trường hợp đầu tiên được pháp luật Việt Nam công nhận việc thay đổi giới tính. Chưa thấy cơ quan chức năng nào cho rằng quyết định công nhận này là trái pháp luật, cho đến ngày 21/1.

Đại diện Trung tâm ICS giải thích thêm, quy định pháp luật Việt Nam hiện hành không sử dụng những thuật ngữ mà thế giới đang dùng khi chỉ về “người liên giới tính”, mà xem người liên giới tính là “khuyết tật bẩm sinh về giới tính” hoặc “giới tính chưa được định hình chính xác". Còn người chuyển giới được xem là đã hoàn thiện về giới tính và nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính".

Nghị định 88/2008/NĐ-CP cũng giải thích rõ về trường hợp được phẫu thuật xác định lại giới tính bao gồm:

- Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật;

- Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.

Như vậy về nguyên tắc, trường hợp của cô Quỳnh Trâm (người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính) đã được pháp luật quy định cụ thể, theo ICS.

Ông Huy cho rằng, việc chính quyền địa phương ra quyết định xác định lại giới tính của Quỳnh Trâm vào năm 2009 là một hành động đáng trân trọng, trong nỗ lực bảo vệ quyền hợp pháp của công dân. Nếu quyết định trên có thiếu sót về thủ tục, thì cần nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ Quỳnh Trâm hoàn tất giấy tờ, chứ không phải xem việc hủy quyết định là ưu tiên hàng đầu.

Theo ông, Quỳnh Trâm hiện đã là một người phụ nữ với hình hài, cơ thể và nhận dạng giới tính nữ. Nếu hủy bỏ các giấy tờ hiện tại, cô sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vì hình ảnh và tên tuổi không trùng khớp với nhân dạng, khó tiến hành các thủ tục khi làm việc, đi lại máy bay, giao dịch hàng ngày... Vì thế, ông lo ngại: "Những động thái đưa Quỳnh Trâm trở lại tình trạng 4 năm về trước sẽ chỉ là một bước thụt lùi cho sự tiến bộ của pháp luật và xã hội nói chung".

Nhận xét về trường hợp này, một số luật sư tại TP HCM cũng nhìn nhận nghị định 88/2008/NĐ-CP ra đời năm 2008, thế nhưng tới nay vẫn chỉ mới có duy nhất một trường hợp Quỳnh Trâm được hưởng quyền hợp pháp của mình. Điều này đặt ra dấu hỏi liệu những thủ tục hành chính để giúp những người như Quỳnh Trâm đã thực sự thuận lợi, rõ ràng hay chưa?

Luật sư cho rằng nếu hủy quyết định công nhận, và xử lý những cán bộ, công chức đã trực tiếp tham mưu và giải quyết vụ việc, sẽ là một tiền lệ không tốt. Tiền lệ này làm nản lòng những địa phương khác đang mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho những người như Quỳnh Trâm được thực hiện quyền của mình. Trong khi đó cả nước có hàng nghìn người bị khuyết tật bộ phận sinh dục hoặc bộ phận sinh dục không xác định đang chờ đợi được "sống là chính mình".

Xét phương diện khác, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Hùng Nguyễn và Cộng sự, TP HCM) cho rằng Bộ Y tế nên vào cuộc trong vụ việc này. Bởi chỉ có kết luận giám định y khoa của cơ quan y tế được Bộ Y tế chỉ định mới có thẩm quyền xác định xem trước khi phẫu thuật anh Hiệp là người hoàn chỉnh giới tính nam hay không.

Trong trường hợp chính quyền tỉnh Bình Phước thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định trên thì đương nhiên giấy tờ nhân nhân hiện nay của cô Quỳnh Trâm không còn giá trị pháp lý. Cô buộc phải làm lại toàn bộ giấy tờ sang tên cũ là Phạm Văn Hiệp. Nếu điều này xảy ra thì Trâm vừa là người xác định lại giới tính đầu tiên được công nhận và cũng là trường hợp đầu tiên bị thu hồi giấy tờ.

"Lúc đó Quỳnh Trâm hoàn toàn có thể chuẩn bị các giấy tờ cần thiết theo quy định pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu; hoặc có thể khiếu nại theo quy định pháp luật nếu có quyết định hủy bỏ nói trên", ông Huy ở ICS nói.