Cô gái Việt làm dâu xứ Đài mất tích 9 năm và nghi bị chồng bán

Cô gái nghèo sau khi kết hôn với người chồng lớn hơn tuổi... cha mình, mới chỉ về thăm nhà được một lần rồi bỗng nhiên mất tích bí ẩn.

Nuôi heo “miễn phí” để được lấy chồng Đài và… đôi bông tai giả

Bà Nguyễn Thị Nhung (48 tuổi, ngụ ấp Chánh Hưng , xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) kể, ngày 16/08/2002, con gái của bà là Nguyễn Thị Thúy An (SN 1982) đăng ký kết hôn với ông Liu Tsai Chuan (SN 1953, ngụ tại khóm 003 phố Lê Nguyên, khu Đại An, TP. Đài Bắc, Đài Loan). Sau đó An cùng chồng qua Đài Loan sinh sống. Bà Nhung cho biết: “Hơn 1 năm sau, chúng nó về thăm tui 1 lần. Vợ chồng nó về buổi sáng, tới chiều thì chồng nó chê nhà tui chật hẹp, nên quay lên TP. HCM mướn khách sạn ở. Lúc đó, con Thúy An bảo chồng cho tui 30 triệu đồng để cất lại nhà. Và tui đã cất được nhà lành lặn bằng tiền chồng nó cho. Chừng nửa năm sau, con An điện thoại về nói là chồng nó không cho nó về nhà nữa. Ở bển, nó bị chồng nhốt suốt trong nhà”.

Khoảng hơn 1 năm sau (tức 3 năm sau ngày Thúy An sang Đài Loan), Thúy An điện thoại cho bà Nhung nói rằng nhà vợ chồng Thúy An nằm trên 1 ngọn núi. Hễ đi đâu là chồng An khóa hết cửa trước sau, nhốt An lại. Khi chồng về, An muốn đi chợ, đi thăm bạn bè thì chồng không cho. Bà Nhung mếu máo kể: “Vợ chồng nó chưa có con. Nó khóc nhiều lắm, nhiều lần muốn trốn về nước nhưng không được. Chừng 3 tháng sau thì tui điện thoại cho con An, nhưng  chồng nó nghe máy. Chồng nó nói: “An đi từ sáng sớm rồi, khi nào về sẽ kêu  An điện lại cho mẹ”. Nhưng sau đó thì con An không điện lại, rồi tui điện cho nó thì  không còn liên lạc được nữa. Con An bặt tăm từ ngày đó. Cho tới nay là 9 năm, con tui không biết còn sống hay đã chết”.

Bà Nhung cho biết, gia đình bà rất nghèo. Lúc vợ chồng bà ra ở riêng còn không có căn nhà lành lặn để ở. Nhà cất như cái chòi, vách là tạm bợ. Vợ chồng bà tần tảo đủ nghề như bắt ốc, hái rau muống, bắt cua… bán kiếm tiền nuôi 3 người con. Bà nhớ lại: “Dạo ấy, hễ mỗi lần trời mưa là vợ chồng tui đứng mỗi người 1 góc, 2 tay cầm hai góc tấm cao su để che nóc nhà cho đừng dột. Vợ chồng tui cực khổ lắm mới nuôi nổi mấy đứa con. Vì nghèo nên không đứa nào được ăn học tử tế”.

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, ông Nguyễn Ngọc Dần – chồng bà Nhung, nằm trong lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế và được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Xuất ngũ về, do gia đình quá nghèo túng, ai thuê gì ông Dần cũng làm. Về sau ông hành nghề chạy xe lôi đạp. Còn bà Nhung thì đi giữ trẻ, giặt quần áo, rửa ly chén cho nhà hàng xóm.

Bà Nhung cho biết, Thúy An là con gái thứ 3 của bà. Cách đây 13 năm, khi Thúy An lên 19 tuổi, bà Tư L. gần nhà kêu Thúy An qua nhà phụ nấu tấm để chăn nuôi heo. Đổi lại, bà L. có con gái lấy chồng Đài Loan nên sẽ làm mai cho An lấy chồng Đài để đổi đời. Bà Nhung tâm sự: “Con An nuôi chuồng heo cả chục con, làm quần quật tối ngày mà cơm ăn thì khi no, khi đói. Sau 2 – 3 vụ heo, bà Tư L. không trả một đồng xu tiền công. Con An hay về nhà than, nuôi heo cho bà Tư cực khổ quá, nhưng ráng làm để bà Tư làm mai lấy chồng Đài Loan, cho tui đỡ khổ. Nghe con nói mà tui thương nó vô cùng!”.

Sau đó, bà Tư L. nói với An: “Mầy ráng làm để Sáu D. (con bà Tư L., lấy chồng nuôi heo cho bà L. 1 năm trời, thì Sáu D. về nước, mua cho đôi bông tai 5 phân vàng. Bà Nhung nhớ lại: “Lúc đó gia đình tui nghèo quá, gạo không đủ ăn, do chồng tui ngã bệnh không còn chạy xe lôi nổi. Tui đem đôi bông ra tiệm vàng ở chợ Cái Dầu bán, người ta thử và nói vàng giả. Tui mang đôi bông về gặp bà Tư L., thì bả nói: “Giả sao được mà giả? Mặt tao vầy mà cho vàng giả?”. Nói qua lại một hồi thì bả bảo con An: “Thôi mầy ráng nuôi heo thêm vài tháng, tao cho đôi bông thiệt”.

Các cô gái đăng ký lấy chồng ngoại quốc (Ảnh minh họa)

Thúy An nuôi heo không công được chừng năm rưỡi thì bà Mười (em bà Tư L.) từ TP. HCM về. Bà Tư L. “ứng cử” Thúy An lấy chồng xứ Đài. Bà Nhung kể: “Lúc đó tui cũng sợ, nhưng con An nói: “Thôi ráng chịu chồng Đài Loan để có tiền còn lo cho gia đình”. Thế rồi An được bà Mười dẫn về TP. HCM chờ ngày… ra mắt đoàn khách xứ Đài và sau đó thì được chọn. Bà Nhung nhớ lại: “Lúc đám cưới xong, bà Mười cho tui có 5 triệu đồng, trong khi chồng Thúy An nói đưa cho bả tới 90 triệu đồng. Bả nói đừng có phân bì, vì bả phải trừ nuôi cơm nước, quần áo cho An”.

Không có tiền để tìm con

Khi biết con bà Nhung mất liên lạc, khoảng 2 năm trước (2012), Sáu D. từ Đài Loan điện thoại bảo bà Nhung: “Con An bị người ta bán vô “lầu xanh” rồi. Bà đưa tui 100 triệu đồng, tui chuộc con bà ra giùm cho”. Bà Nhung tâm sự: “Tiền đong gạo ăn còn không có, tui lấy đâu ra 100 triệu đồng để chuộc con? Nhất là khi ấy chồng tui bị bệnh gan chết. Trong nhà tui chỉ còn vợ chồng thằng con trai lớn làm hồ. Cuộc sống khốn khó trăm bề”.

Trong năm đó, bà Nhung lấy giấy CMND và khai sinh của An gửi bà Tư L., nhờ gửi cho bà Mười để nhờ Đại sứ quán của Đài Loan tìm con. Nhưng sau đó bà Tư L., nói: “Giấy tờ bà đưa tui đi xe rớt mất hết rồi”. Bà Nhung bộc bạch: “Tui buồn và khóc nhiều lắm! Chồng, con thì chết, trong nhà chỉ còn Thúy An có hiếu, mà bây giờ hổng biết nó còn sống hay không. Tui nghèo và dốt, nên đau biết nhờ ai tìm con? Cách đây nửa tháng, có con nhỏ ở xóm cũng lấy chồng Đài Loan. Nó điện thoại về cho cha mẹ nó, nói là thấy tên và hình con An trên mạng và bảo con An vẫn còn sống. Con nhỏ đó nói để nó kiếm Thúy An giùm tui. Nhưng tới nay chưa tin tức gì”.

Bà Tư L. cho biết: "Khi Thúy An qua Đài Loan, con D. - con tui, có tới nhà vợ chồng Thúy An thăm nó, bà Nhung có nhờ con D. tìm Thúy An giùm. Con D tới nhà cũ nằm trên đồi thì không thấy An đâu nữa. Lúc đó, có nhóm thanh niên xăm mình nói nếu muồn tìm gặp Thúy An thì đưa cho tụi nó 100 triệu đồng, chúng sẽ tìm và đưa về nước. Con tui kể  cho bà Nhung nghe câu chuyện đó, chứ đâu có đòi bả đưa 100 triệu đồng chuộc con? Còn chuyện bà Nhung đưa cho bà Mười tìm giùm, nhưng không có tin tức. Tui nghĩ, có thể chồng Thúy An đã bán nó, sau đó ổng già chết nên mới kể như vậy. Chứ tui và con D. từ trước tới giờ có mai mối cho ai lấy chồng Đài Loan đâu?".

Bà Tư L. còn nói, khi thấy Thúy An lấy chồng lớn hơn cả tuổi cha mình, bà L. và nhiều người còn cản bà Nhung. Tuy nhiên, một vài người dân trong xóm xác nhận chuyện bà Tư L. làm mai là có thật, và bà Nhung cũng vì quá nghèo, cần tiền nên mới gả con.