Cô dâu Việt lấy chồng ngoại: Những con 'kền kền' sống trên lưng đồng loại

Những con “kền kền” ở đây chính là “tổ hợp” những đối tượng trong đường dây lấy chồng ngoại quốc gồm: Chủ nhà hàng tổ chức đám cưới, “hang ổ” tuyển chồng và đám “cò mồi”.

Hơn 10 năm qua, “dàn kền kền” này vẫn sống bằng những đồng tiền kiếm được trên lưng của các cô dâu Việt. Theo lời người dân, để có thể đứng ra tổ chức “tuyển chồng” và làm đám cưới cho các cặp dâu Việt - rể Hàn một cách công khai như vậy, chủ các nhà hàng đều là những “tay” có “máu mặt” và có tiền, nên mới có thể đứng vững được cho đến bây giờ.

Trong những ngày thâm nhập vào đường dây “tuyển chồng” Hàn Quốc, chúng tôi mới thấy sự thực dụng đến không tưởng của con người. Thậm chí, khi có cơ hội, “cò” sẽ lập tức nẫng tay trên của “khách hàng”.

Tham tiền, “cò” làm luôn cô dâu để “vồ” rể Hàn

Trong thời gian chờ đến lượt tuyển tại khách sạn P.K, tôi được các cô dâu Việt thủ thỉ rất nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến thế giới “ông mai, bà mối”. Đúng là phải đến đây mới hiểu được, hạnh phúc, danh dự của con người nó rẻ rúng và đậm mùi kim tiền như thế nào.

Nói chuyện với tôi, H. một cô gái năm nay mới tròn 20 tuổi tâm sự: “Trong đường dây “tuyển chồng” này là một mớ hỗn độn và không có chuyện gì là không thể xảy ra. Từ việc tranh giành khách hàng giữa các “hang ổ” tuyển chồng, “cò” tranh mối đến gái Việt tranh rể Hàn. Đã vào đây, đừng ai nói đến sĩ diện, lòng tự ái nữa, mà hay nên chấp nhận đó là một cuộc chơi, một cuộc chiến thực sự. Thậm chí, đến “cò” nhiều khi còn “nẫng tay trên” rể của chính khách hàng mình”.

Thấy tôi cảm thấy kinh ngạc, H. cười bảo: “Chị cứ ở đây khoảng vài tháng sẽ hiểu hết mọi chuyện thâm cung bí sử trong đường dây lấy chồng xuyên biên giới này. Em đã “tuyển” đến lần thứ tư ở đây rồi nên đã quen với sự thực dụng của con người ta với nhau. Không có chiêu trò nào của “cò”, chủ nhà hàng khiến em cảm thấy bất ngờ nữa. Tuy nhiên, “đau” nhất là lần “tuyển” thứ ba, em bị “cò” M. cướp trắng “chồng”.

Theo lời kể của H. lần đó, vượt qua gần 40 “hoa hậu” khác, cô được một gã rể Hàn khoảng hơn 40 tuổi, vẫn còn khá phong độ gật đầu đồng ý lấy làm vợ. Thấy gã đàn ông ngoại quốc còn trẻ, lại có của ăn của để, “cò” của H. đã tìm cách tiếp cận. Khi đẩy được “khách hàng” ra khỏi phòng phỏng vấn, “bà mối” M. (hơn H. 5 tuổi, từng một lần xuất ngoại đi làm dâu xứ Hàn - PV) đã dúi tiền cho người phiên dịch để được nói chuyện với rể.

“Sau cuộc nói chuyện đó, bỗng nhiên rể Hàn đổi ý. Ông ta nhờ phiên dịch nói với em là hôm sau phải về Hàn Quốc có việc gấp nên hoãn lấy vợ. Tuy nhiên, ngày hôm sau, lên thị trấn Núi Đèo chơi với bạn, khi đi qua một nhà hàng thấy họ đang tổ chức đám cưới cho cô dâu Việt với rể Hàn, em tò mò vào xem. Vừa bước vào đến nơi, trước mặt em là gã rể Hàn hôm qua và “cò” M. đang trao nhẫn cưới. Ở phía dưới, gia đình của “cò” đang vui vẻ ăn uống, nghe hát hò. Lúc này em mới biết bị chính “bà mối” cướp mất chồng của mình. Em định vào hỏi cho ra lẽ, nhưng biết chẳng thay đổi được gì nên đành đau đớn chấp nhận. Hơn nữa, đội ngũ “cò” ở Thủy Nguyên toàn là những thành phần có “gân guốc”. Em ở tỉnh khác đến, nếu không “biết điều” sẽ bị gia đình “cò” M. xử lý ngay”, H. kể. Sau đó, cô gái này đã chuyển sang “đầu quân” cho một “cò” khác năm nay đã hơn 50 tuổi. Theo H., việc chọn “bà mối” lớn tuổi sẽ tránh được bi kịch cô vừa phải trải qua.

Những ngày nằm vùng cùng bí mật chưa từng tiết lộ

Trong những ngày “nằm vùng”, chúng tôi được các cô dâu Việt kể cho nghe những câu chuyện cười ra nước mắt mà có lẽ chỉ xảy ra ở “lĩnh vực” mang thân xác cho người ta chọn lựa. Chắc chắn, chẳng ai có thể ngờ được có trường hợp “cò” tự môi giới cho con mình đi lấy chồng Hàn Quốc. Đó là “cò” tên Q. ở xã Lập Lễ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, con gái “cò” này năm nay mới 18 tuổi nhưng đã bỏ học từ năm cấp 2. Sau một thời gian đi làm công nhân ở TP. HCM, lương không đủ sống, “cò” Q. “triệu tập” con gái về quê  (Hải Phòng) để lấy chồng Hàn Quốc. Sẵn có mối quan hệ với đường dây “tuyển chồng”, “cò” Q. mang con sang tỉnh khác làm lại giấy tờ rồi môi giới cho một gã đàn ông xứ Hàn năm nay đã gần 60 tuổi. Lý do phải sang tỉnh khác làm giấy tờ vì theo quy định của địa phương, ở Lập Lễ, Thuỷ Nguyên, cơ quan chức năng không xác nhận giấy tờ cho làm thủ tục lấy chồng ngoại nữa.

Điều đáng nói ở chỗ, không những rể Hàn này còn hơn mẹ vợ đến 20 tuổi mà gã này còn sang Việt Nam “tuyển vợ” bằng xe lăn. Tất nhiên, thấy cô gái trẻ kém mình hơn 40 tuổi, “ông rể” này lại không gật đầu lia lịa đồng ý mới là lạ. Đám cưới được tổ chức, chú rể bước sang tuổi “lục tuần” ngồi xe lăn trao nhẫn cưới cho cô dâu trước sự hoan hỷ của nhà gái nhưng với ánh mắt ngỡ ngàng của nhân viên nhà hàng.

Tuy nhiên, câu chuyện dường như chỉ có ở “vựa xuất khẩu” cô dâu Việt này lại là một điều gì đó rất đỗi bình thường trong suy nghĩ của người dân Thủy Nguyên. Họ cho rằng, việc con gái cứ lấy được chồng ngoại là đổi đời, là có giá chứ không cần biết sang đó, những cô dâu Việt sẽ sống và bị đối xử như thế nào. Thậm chí, khi bị đối xử tệ bạc phải xách vali về nước, các bậc phụ huynh vẫn động viên con cái trang điểm, chuẩn bị hành lý để tiếp tục đi thi “tuyển” lấy chồng Hàn tiếp theo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước kia tại Hải Phòng chỉ có xã Đại Hợp (Kiến Thụy) và Lập Lễ (Thủy Nguyên) có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài. Tuy nhiên, “cơn sốt” này đã lan rộng ra nhiều xã khác và trở thành phong trào “thời thượng” ở các làng quê... Ở xã Lập Lễ mà tôi có dịp được xuống, hầu như nhà nào cũng có rể ngoại quốc. Chính vì không có con gái để lấy vợ nên thanh niên ở các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Đại Hợp... đã ngoài 30 mà vẫn “vườn không nhà trống” nhiều đến đau xót. Việc lấy vợ của trai làng khó khăn chẳng khác nào mò kim đáy biển. Những cuộc hôn nhân của trai làng chủ yếu do mai mối với con gái ở những vùng quê khác và đều lo lắng tới mức quen nhanh, lấy gấp. Thậm chí, người dân Thủy Nguyên còn nói vui với nhau rằng, xã Lập Lễ chuẩn bị đổi tên là “bản Lập Lễ”. Bởi vì, các chàng trai nơi đây không cạnh tranh được với rể Hàn nên phải lên các vùng núi lấy vợ là người dân tộc.