Ở thời Tam Quốc, Lưu Bị được đánh giá là vị quân chủ có quá trình lập nghiệp khó khăn nhất. Tuy nhiên, bên cạnh ông lại có các mưu sĩ, anh hùng hào kiệt bậc nhất lúc bấy giờ, có thể kể đến như Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… Còn có một nhân vật quan trọng khác, giúp sức không hề nhỏ cho Lưu Bị. Ông là Trần Đáo (? - ?).
Trần Đáo là võ tướng tài ba dưới thời Lưu Bị. Ông tự là Thúc Chi, người của quận Nhữ Nam, Dự Châu. Tài năng Trần Đáo được đánh giá không thua bất cứ ai. Nhưng ông không xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Bởi lẽ chiến tích, công trạng, vai trò của ông được La Quán Trung tổng hợp vào nhân vật Triệu Vân. Nói cách khác, vị tướng này là nguyên mẫu của nhân vật Triệu Vân.
Trong chính sử Trung Quốc có phần ghi chép về đội quân Bạch Nhị binh của Lưu Bị. Đây chính là đội quân bảo vệ an toàn cho ông, do Trần Đáo chỉ huy. Tuy nhiên, không có nhiều ghi chép về Bạch Nhị binh lẫn Trần Đáo. Những gì có thể tìm hiểu được chỉ đơn giản là Trần Đáo từng chỉ huy Bạch Nhị binh lập công lớn, giúp Lưu Bị an toàn rút lui về thành Bạch Đế.
Trần Đáo chính là người đi theo Lưu Bị từ khi ông còn ở Dự Châu. Sau khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện kế vị, Gia Cát Lượng đã sắp đặt cho ông làm Vĩnh An đô đốc, Chinh Tây tướng quân, được phong Đình hầu và dưới quyền Lý Nghiêm. Về sau Trần Đáo qua đời khi vẫn còn đương chức. Tông Dự là người thay thế ông.
Các sử gia đánh giá vị tướng này là mãnh tướng ưu tú, nổi trội của Lưu Bị. Nhưng ông luôn tìm cách ẩn danh, không nhận chức lớn, cũng ít lộ mặt. Lưu Bị cũng tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng cho cận thần này khi để đối phương bảo vệ mình. Nhiều người đánh giá, địa vị, vai trò của Trần Đáo còn cao hơn cả Quan Vũ, Trương Phi. Nhưng tại sao các sử gia không dám viết hay nhắc nhiều đến vị mãnh tướng này? Có hai nguyên nhân chính được nhắc đến:
Thứ nhất, Trần Đáo chỉ huy Bạch Nhị binh, đội quân chuyên đảm nhận nhiệm vụ bí mật nên có rất ít thông tin về ông được ghi chép lại.
Thứ hai, Trần Đáo được cho là không đồng ý để mọi người viết về mình nên trong chính sử gần như không có tài liệu chép về ông. Các sử gia vì vậy cũng hạn chế nhắc đến vị tướng tài của Lưu Bị.