“Đạt là người cực kỳ nhút nhát” - Hà Thanh Đạt nhận xét về mình.
1. Vậy mà lại chọn học làm bác sĩ, công việc có vẻ không dành cho người nhút nhát. Nghe nói vậy, anh chàng cười kể rằng hồi phổ thông học môn hóa tốt nên dự định thi đại học ngành hóa dầu. Nhưng khi thi vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, anh chàng không chọn hóa mà lại đầu quân vào đội tuyển sinh học bởi “lúc đó thấy thích. Môn sinh có vẻ cũng được” - Đạt kể.
Lần đầu “chào sân” tại kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30/4 khu vực miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào), Hà Thanh Đạt đã mang về chiếc huy chương vàng môn sinh học lần đầu tiên sau nhiều năm tham dự cuộc thi này của Trường THPT Gia Định. Nhưng phải chờ đến một lần đi công tác xã hội (khi ấy Đạt đang học lớp 11 và làm bí thư Đoàn trường), sau cuộc nói chuyện với một bạn nhỏ đang được nuôi dạy tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, Đạt như được tiếp thêm tự tin để quyết tâm thi bằng được vào y khoa chỉ với suy nghĩ “công việc đó sẽ cho mình cơ hội được chia sẻ với nhiều người khác kém may mắn hơn mình”.
Bác sĩ tương lai Hà Thanh Đạt thực tập thăm khám cho bệnh nhân khi đi lâm sàng tại Viện Y học cổ truyền - (Ảnh: Q. LINH)
2. “Ngày đầu tiên vào học trường y tớ choáng vì lịch học dày đặc, một tuần năm ngày, ngày hai buổi, chưa kể phải đi thực tập trong bệnh viện. Các môn học với giáo trình dày cộm, thầy cô thì vô cùng nghiêm khắc. Hôm đi thực hành tại Bệnh viện 115, nhận được yêu cầu tiêm tĩnh mạch cho một bệnh nhân. Lần đầu tớ tiêm không vào tĩnh mạch, bác ấy rên khe khẽ. Thấy tớ bối rối bác liền động viên: “Bác không sao, cháu cứ bình tĩnh làm tiếp!”. Ôi, ai đang “chữa bệnh” cho ai?”.
Bác sĩ tương lai 9X đã ghi lại trong nhật ký của mình kỷ niệm lần đầu tiên đi lâm sàng tại bệnh viện như thế. Chưa kể nhiều lần trực đêm ở phòng cấp cứu, nhiều bệnh nhân còn bất hợp tác khi biết đó chỉ là bác sĩ thực tập.
Đạt bảo: “Khi họ đang đau phải vào cấp cứu, cảm giác không tin tưởng bác sĩ thực tập cũng là lẽ thường tình. Mình cứ nhẹ nhàng hỏi thăm cho đến khi bác sĩ trực đến vì điều đó vừa giúp bệnh nhân tạm quên đau đớn, vừa giúp mình có thông tin chẩn đoán bệnh”. Và những chẩn đoán này được Đạt cẩn thận ghi chép lại vào sổ tay để đối chiếu với chẩn đoán bệnh và phương thức điều trị bác sĩ đề xuất sau đó cho bệnh nhân.
3. Bây giờ, nhiều bạn mới chuyển qua gọi Đạt là thủ lĩnh cũng bởi danh hiệu “Thủ lĩnh sinh viên” toàn thành Đạt vừa nhận cách đây không lâu, dù trước đó anh chàng này đã là phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngay “đối thủ” của Đạt tại cuộc thi - bạn Lê Thiều Mai Thảo (ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM) - cũng nhìn nhận: “Chiến thắng của Đạt rất thuyết phục. Đạt thể hiện tố chất thủ lĩnh rất rõ qua khả năng điều hành nhóm, cách động viên thành viên khi làm việc tập thể”.
Nhưng Đạt quan niệm thủ lĩnh không phải đến từ một cuộc thi mà phải là sự thừa nhận của số đông sinh viên khi họ đến với từng hoạt động do mình tổ chức. Trước mắt Đạt vẫn là quãng đường dài đầy đam mê mà mỗi ngày thức dậy, bạn lại thấy có biết bao điều cần học, bao việc phải làm. Và cả tranh thủ khoảng nghỉ giữa mùa thi, cách quãng giữa những môn học để thiết kế hoạt động phong trào cho sinh viên trường.
Nhật ký của chàng bác sĩ tương lai ấy tiếp tục những dòng thế này: “Càng học tớ càng thấy thích. Bạn biết vì sao không? Vì thầy cô tớ vẫn thường nói: Học tập nghiêm túc chính là đạo đức ngành y. Học để có lúc bạn sẽ thấy đôi tay mình như có phép mầu, làm cho trái tim một bệnh nhân lại đập liên hồi sau nhiều giây gián đoạn, xoa dịu cơn đau của một em bé. Học để không run tay vì mình đang đối diện với sinh mạng của một người và biết rằng có những đôi mắt của người nhà bệnh nhân đang hướng vào cánh cửa phòng mổ...”.
Bản lĩnh thủ lĩnh Ngay đêm chung kết, duy nhất Hà Thanh Đạt trong mười thí sinh đã “bẻ” lại đáp án một câu hỏi của ban tổ chức và kết quả đáp án của Đạt hoàn toàn chính xác, ban giám khảo phải đổi lại bằng một câu hỏi khác. Trên hàng ghế giám khảo, thạc sĩ Hà Trung Thành - giảng viên Trường Cán bộ TP. HCM - gật gù: “Đây chính là gương mặt thủ lĩnh chúng ta đi tìm. Vì không chỉ là sự chuẩn bị kiến thức chu đáo cho một cuộc thi, mà chính là bản lĩnh và khả năng làm chủ bản thân trong các tình huống, tố chất không thể thiếu với một thủ lĩnh thật sự”. |