Biết có người qua đời là tự tìm đến
Bà Nguyễn Thị Két năm nay đã bước qua tuổi 77 (Lục Nam - Bắc Giang), tóc đã bạc trắng, chân tay gầy gò run run, khuôn mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn. Nhưng khi nói về công việc giọng bà vẫn sang sảng, bà bảo bắt đầu làm nghề này từ năm 1989.
Bà hay đi chùa và đọc sách của chùa nên cũng có kiến thức về âm dương, biết xem giờ đẹp, giờ khắc nên anh em trong dòng họ, ai qua đời là bà đến tắm rửa, mặc quần áo rồi cúng độ liệm cho.
Những gia đình trong làng khi có việc hiếu cũng đến nhờ bà. Làm lâu thành quen, sau đó biết nhà nào có người mất là bà tự tìm đến làm công việc của mình mà không đợi nhà chủ phải mời. Thấy vậy có người gièm pha, chê bà bị hâm, bị điên hay sao mà đi làm cái nghề “quái gở” này, mà lại làm không công. Mặc cho lời ra tiếng vào, bà vẫn làm và làm một cách tận tâm.
Thấy bà nhiệt tình, làm được việc nên các cụ cao tuổi đề bạt bà vào ban lo hậu sự của làng, một phần cũng thể theo ý nguyện của bà muốn được làm việc này để lấy phúc. Từ đó công việc càng nhiều hơn, bà không dám đi đâu xa, đi thì sợ ở làng có việc lại vắng mặt.
Rồi bà kể: “Năm 2000 đi miền Nam chơi, ở làng có hai người ra đi mà mình không có mặt ở nhà lo cho họ được, đến bây giờ nhắc lại vẫn cảm thấy áy náy lắm”.
Có khi ốm mà không dám nghỉ, nghe tin ai đó qua đời là người lại run lên, chỉ muốn đến ngay để tắm rửa, mặc quần áo rồi độ liệm chu tất, để họ ra đi được thanh thản.
“Năm 2005, tôi phải mổ mắt, ngày 29.6 mổ, mùng 1 về nhà, mùng 2 lại đi. Thấy vậy các con nói mẹ mới mổ sức khỏe yếu ở nhà dưỡng bệnh cho khỏe đã nhưng chẳng hiểu sao khi nghe tin là vết mổ không đau nữa".
Hay như năm 2007 bị bệnh đậu lào, lan cả vào trong nội tạng, phải đi viện điều trị, ai cũng bảo không qua khỏi nhưng khi được truyền máu tôi khỏe lại làm mọi người bất ngờ. Về nhà ai ai cũng nói chắc là bà ăn ở hiền lành, làm nhiều việc thiện nên được các cụ phù hộ cho khỏi, chứ bệnh nặng như vậy khó qua lắm” - bà Két tâm sự.
Trả công còn bị "ăn chửi"
Bà Két bộc bạch: “Nước tắm cho người chết được đun từ lá bưởi, lá ngải và lá sả cho thơm lên mới dùng. Trước tiên là rửa mặt rồi đến lau người, chân tay sạch sẽ rồi mặc quần áo. Làm việc này nhiều khi gặp những hoàn cảnh thương tâm lắm:
"Có những ông bà cụ cô đơn sống một mình, khi qua đời chẳng ai biết, không một người thân thích bên cạnh. Khi hàng xóm phát hiện ra gọi tôi đến thì đã có mùi, tắm rửa xong cũng chẳng có lấy một bộ quần áo lành lặn để mặc. Cũng có trường hợp bị bệnh truyền nhiễm khi chết gia đình người thân không dám lại gần vì sợ lây nhưng tôi vẫn tắm rửa và vuốt mắt cho họ”.
Sau khi làm xong công việc, về nhà bà lại cẩn thận ghi tên, tuổi người đó vào cuốn sổ theo thứ tự tháng, năm rất ngăn nắp. Lật từng trang trong cuốn sổ đã nhàu bà bảo từ năm 1989 đến tháng 4/2012 đã độ liệm cho 166 cụ. Đây là những cụ sinh hoạt trong hội người cao tuổi mới được ghi vào sổ, còn những người trẻ tuổi hơn thì không nằm trong danh sách này.
Bà Két cẩn thận ghi lại tên tuổi từng cụ vào trong sổ
Những lúc rảnh rỗi bà thường đi chùa cầu nguyện cho tâm hồn thanh thản và xin sách nhà chùa về học, trau dồi thêm kiến thức. Bà cho hay: “Cúng độ liệm cũng phải theo bài bản, có trước có sau, tất cả đã được ghi lại trong sách của nhà chùa, cơ bản là phải chăm chỉ đọc và áp dụng. Trong cuốn sách tôi xin ở chùa La về ghi rất rõ từng mục, từng chương, áp dụng cho từng người ở độ tuổi khác nhau”.
Bà Đào Thị Nhỡ 80 tuổi, một người hàng xóm của bà Két cho biết: “Công việc thì vất vả, mất ngủ nhưng khi làm xong có người bảo trả tiền công còn bị bà ấy chửi cho”.