Tiếc của, Páo rút chốt lựu đạn ném về toán cướp rồi bỏ chạy... Vụ nổ đã khiến một kẻ thiệt mạng, 2 kẻ khác bị thương, Páo đi tù với mức án chung thân.
10 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nghĩ về việc làm tội lỗi của mình, Hậu Chờ Páo, SN 1971 ở xã Phú Lúng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang vẫn tỏ ra ấm ức.
Vụ nổ mìn cách đây 10 năm
10 năm trước, Páo là một thanh niên hiền lành, sinh ra trong một gia đình đông con, thu nhập chỉ có mảnh nương một vụ ngô và đi rừng nên cái nghèo cứ đeo bám hết đời này đến đời khác. Lấy vợ sớm rồi liên tiếp sinh con, đến khi Páo 30 tuổi, anh ta đã là bố của 7 đứa con lít nhít.
Nhà nghèo, chỉ có con trâu là tài sản lớn nhất nên Páo chăm lắm, ngày nào cũng mang trâu đi thả. Trong một lần thả trâu trên sườn đồi giáp biên, Páo được những người bên kia biên giới gạ mua trâu. Không bán nhưng Páo được những người này dụ dỗ về trộm trâu dắt sang bán sẽ được 1.700 NDT, tha hồ tiền đong gạo, mua rượu uống. Nghe họ nói, Páo chỉ ậm ừ, trong đầu không biết sẽ dắt trộm trâu của ai vì cả bản đều nghèo.
Chưa đi trộm trâu thì trâu nhà Páo bị dắt mất. Vừa tiếc của vừa ấm ức, Páo cho rằng nhà mình đã nghèo mà kẻ trộm không tha thì phải đi bắt trâu nhà khác về thay thế. Nghĩ là thế nhưng vốn nhút nhát lại sợ bị đánh nên Páo rủ thêm hai bố con người hàng xóm cùng tham gia. Theo ý của Páo thì nếu dắt trộm được trâu nhà khác về sẽ không để nuôi mà đưa luôn ra biên giới bán lấy tiền mua trâu. Họ hẹn nhau sẽ đi thật xa để ăn trộm.
Một đêm tối trời, sau khi giắt lưng quả lựu đạn nhặt được trong lúc đi rừng kiếm củi, Páo lặng lẽ rời nhà, cùng bố con ông hàng xóm lên đường ăn trộm. Họ đi xuyên qua mấy quả đồi, vào một cái lán trong đó đang buộc mấy con trâu của một nhà dân nào đó.
Với tác phong hết sức thành thục, ba người nhẹ nhàng cởi nút, dắt 3 con trâu ra ngoài rồi cứ nhắm hướng đường biên mà bước. Khi cảm thấy đã đi xa, chủ nhà có phát hiện cũng không đuổi kịp, cả ba bảo nhau ngồi nghỉ chờ trời sáng sẽ vượt biên giới bán trâu. Họ ngồi trò chuyện, nhẩm tính số tiền kiếm được sau khi bán trâu rồi bảo nhau sẽ mua gạo về cho con ăn vì đã ngán bột ngô rồi.
Đang say sưa với những dự định, bỗng từ đâu một nhóm người xuất hiện. Chúng quát tháo, bắt nhóm của Páo phải bỏ trâu lại nếu không sẽ đánh chết. Nghe giọng họ nói, Páo biết ngay đấy là cướp vì nếu là người dân đi bắt trộm, thế nào cũng bắt cả người, cả trâu giao cho chính quyền, đằng này họ chỉ lấy trâu. Nhìn họ lăm lăm gậy gộc trong tay, Páo thấy ức; bao nhiêu công sức mới dắt trộm được trâu, sắp có gạo, có rượu mang về thì bị kẻ khác cướp mất. Không chịu được, Páo tháo quả lựu đạn đeo bên người, rút chốt rồi tung về phía trước.
“Lúc ấy tôi chỉ nghĩ cuộc sống mình đã vất vả quá rồi, đi ăn trộm cũng sợ lắm thế mà chúng nó còn cướp lại của mình, cướp miếng ăn của con mình nên tức quá tôi mới ném lựu đạn”, Páo tâm sự.
Lựu đạn nổ, nhóm của Páo chạy mỗi người mỗi nơi. Ba con trâu cũng lồng lên chạy, không hiểu thế nào lại cùng hướng Páo, thế là anh ta tóm được một con đem qua biên giới. Bán trâu xong, không nghĩ rằng việc làm của mình là vi phạm pháp luật, Páo ở lại đó chơi 3 ngày sau mới vác gạo về bản.
Đến lúc này nghe vợ kể chuyện, Páo mới biết có một người chết, 2 người bị thương trong vụ nổ lựu đạn ấy song vì nghĩ mình làm chết bọn cướp chứ không phải người lương thiện nên coi như không có chuyện gì.
Nửa tháng sau thì Páo bị bắt. Những ngày tạm giam, Páo luôn cho rằng mình bị bắt oan vì chỉ đòi lại con trâu gia đình bị mất, có làm chết người lương thiện đâu mà phải đi tù. Tuy nhiên, với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, trộm cắp, giết người, hủy hoại tài sản, Páo bị kết án chung thân, cải tạo ở trại giam Tân Lập.
10 năm tù, một lần vợ lên thăm
41 tuổi nhưng Páo trẻ hơn tuổi rất nhiều nhờ nước da trắng, dáng người tầm thước và một sự vô tư thường thấy ở những người kém hiểu biết, sống nơi rừng núi. Giọng nói tiếng phổ thông còn lơ lớ, Páo bảo mất mấy năm ở Tân Lập mới hiểu thế nào là án chung thân, chứ ngày đầu nghe Tòa tuyên án, cứ nghĩ chung thân là chân lúc nào cũng bị cùm kể cả đi rừng và ngủ với vợ nên đã khóc xin Tòa đổi cho cùm tay.
Mãi tới khi vào trại Tân Lập, nghe cán bộ giải thích rồi học hỏi từ các bạn tù trong buồng, Páo mới hiểu ra cái án tù không có ngày về của mình. Anh ta bảo lúc đầu nghe nói thế cũng thích vì ở tù còn được ăn uống đầy đủ, được xem tivi nhưng không có vợ thì nhớ, muốn về. “Nghe cán bộ bảo phải lao động chăm chỉ, chấp hành tốt nội quy thì mới sớm được về nhà, thế là mình làm theo thôi”, Páo hồn nhiên.
Ngày đi tù, Páo mới 30 tuổi, đứa con út mới 9 tháng tuổi, còn dò dẫm lần bậu cửa nhưng giờ đã 11 tuổi. Không biết chữ nên Páo không viết thư về nhà, thành ra chẳng ai biết anh ta ở đâu mà lên thăm. Cuối năm ngoái có một người cùng bản với Páo, vào đây cùng đội sản xuất với anh ta, hết hạn tù về nhà, lúc đó vợ con Páo mới biết nơi chồng mình cải tạo mà lên thăm.
Nghe vợ kể, Páo đã lên chức ông ngoại, có tới 5 đứa cháu rồi, vậy mà anh ta vẫn không tin. Ngày Páo bị bắt, cô con gái lớn mới 11 tuổi, còn ngơ ngác khi bỗng dưng nhà mình đông người vậy mà giờ đã là mẹ của 2 đứa con. Hai đứa em nó cũng đã lấy chồng, ở nhà chỉ còn vợ Páo và 4 đứa con cũng đều nhầng nhầng, nhỡ nhỡ.
“Lần đầu tiên được gặp người nhà, cứ thấy là lạ thế nào ấy”, Páo thành thật. Gần 10 năm bặt tin gia đình, thi thoảng Páo cũng khóc vì nhớ vợ nhưng khi được gọi lên gặp, anh ta lại rụt rè. Páo bảo không phải vì mình sợ, xấu hổ đâu mà chỉ lo gặp vợ, nghe “nó thông báo lấy chồng khác thì con mình khổ thôi”.
Bước thấp bước cao lên gặp người nhà, Páo đắn đo mãi rồi cười, rồi nói và khóc rống lên khi nghe tin mẹ đã mất. Dẫu gì thì Páo cũng là con út trong nhà, gần mẹ nhiều hơn nên nghe tin mẹ mất thì bàng hoàng, ân hận, một thời gian dài đêm nào nghĩ tới mẹ cũng khóc.
“Thấy em khóc nhiều, chẳng thiết ăn uống, mấy người cùng buồng cứ động viên, bảo em chịu khó lao động để được giảm án mới có ngày về cúng mẹ. Nghe họ nói, em thấy đúng là thế, chỉ còn cách cải tạo tốt thôi”, Páo nói.
Sau lần gặp con trai đó, Páo không còn háo hức vì được ăn uống đầy đủ, được ngủ chỗ không mưa dột mà đã hiểu ra rằng chẳng có gì quý hơn người thân trong gia đình. Anh ta bảo sẽ trồng thật nhiều rau, chăm rau thật tốt để được xếp loại tốt, sớm được giảm án. Trong suy nghĩ của người đàn ông vùng cao mù chữ này, chỉ có làm việc tốt là sớm có cơ hội quay về với gia đình, người thân. Suy nghĩ ấy thật giản đơn song đâu phải những kẻ tội lỗi nào cũng nhận ra được.