Chuyện ở ngôi miếu thờ một khúc gỗ

Hàng chục năm qua, ngôi miếu ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) có tên “Thiết lâm đại thần” chỉ thờ… độc một khúc gỗ.

Ngôi miếu nằm đơn độc núp bóng dưới tán lá của những cây hoa đại, hoa sứ, cau… giữa cánh đồng trải rộng trồng toàn hoa màu của thôn Trung Quan. Miếu được xây dựng đơn giản, diện tích khoảng 40m2, nhìn bên ngoài giống với một ngôi nhà nhỏ, mái lợp ngói xi măng dần thấp về phía trước cửa chính. Bên trong miếu là một bài vị, một lư hương, một quả chuông nhỏ… đơn sơ.

Ông Phạm Ngọc Ngà (60 tuổi, một người trong thôn) kể lại, ngày xưa, khu vực này vốn là khu đồng sâu chiêm trũng, nước ngập mênh mông đi mãi không thấy bờ thửa. Việc canh tác đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, nông dân nghèo đói liên miên từ năm này sang năm khác, người chết đói ngày nào cũng có. Bỗng một hôm cơn giông bão ở đâu kéo đến, đen kịt khắp bầu trời, mưa trút xuống. Đồng nước ngập mênh mông, ngập cả đường làng. Cơn mưa dứt, người làng hò nhau đi bắt cá rạch trên đường làng thì thấy một khúc gỗ ở đâu trôi dạt vào. Đẩy khúc gỗ ra xa, nhưng lạ thay, càng đẩy khúc gỗ đó càng “sán lại” mà không chịu trôi theo dòng nước chảy.

Cảm thấy có gì đó là lạ, người dân vớt khúc gỗ lên xem thì phát hiện mặt dưới của khúc gỗ có khắc bốn chữ Hán “Thiết lâm đại thần”, hiểu nôm na là “vị thần lớn của rừng”.

Hướng khúc gỗ trôi tới từ một khu rừng cách đó không xa, được truyền tụng là “rất thiêng”, chưa một ai từng dám bén mảng tới. Thấy khúc gỗ khắc những chữ lạ, người xưa một mực tin “thánh thần gửi điều may mắn tới phù hộ cho dân thoát khỏi cơn hoạn nạn, khó khăn”.

Làng dựng ngôi miếu đơn sơ, đưa khúc gỗ lạ kia vào thờ cúng. Tình cờ mọi chuyện thay đổi đến lạ lùng. Nước mênh mông trước đây dần rút đi, người dân có thể canh tác, đắp bờ đắp ruộng để cấy hái, trồng trọt. Cuộc sống ngày một lo đủ khấm khá hơn. Dân làng bày tỏ lòng biết ơn bằng việc xây miếu rộng và to hơn để việc thờ cúng được chu đáo, tươm tất hơn. Sau này chiến tranh liên miên, ngôi miếu bị phá hủy đáng kể, khúc gỗ cũng thất lạc đâu không rõ, việc thờ cúng vì thế mà bị gián đoạn.

Những năm 1983 - 1984, không rõ lý do gì mà người dân sống ở khu vực đội 5 (thôn Trung Quan) nơi gần ngôi miếu liên tục gặp những chuyện kỳ lạ, tai ương. Xích mích thậm chí dẫn đến án mạng thường xuyên xảy ra, rồi người dân có trồng trọt gì gần khu vực miếu đều bị bệnh… Tai ương lớn nhất là vụ án hai thanh niên cả gan vào nhà một cụ già 70 tuổi trong làng cướp tiền vàng. Bị cụ già chống cự, hai tên cướp nhét chiếc khăn vào miệng cụ, hành hạ cho tới tắt thở.

Người mê tín nhất quyết cho rằng việc thờ cúng ngôi miếu bị gián đoạn, không thường xuyên, nên “thánh thần mới trách phạt và quấy nhiễu dân tình”. Năm 1985, người dân đội 5 quyết định quyên góp tiền để xây dựng, khôi phục lại ngôi miếu.

Trong thời gian xây dựng, lại xảy ra “chuyện lạ” khiến niềm tin tâm linh dành cho ngôi miếu càng được nhân lên. Một người không ủng hộ việc xây lại miếu nên tối đến ra đập phá miếu. Ai ngờ mấy hôm sau, vợ người này bỗng nhiên mắc bệnh bất thường, người nhà phải “trả lễ”, bệnh tình mới thuyên giảm.

Theo ông Trần Ngọc Hòa (Trưởng thôn Trung Quan), sự thật thì chỉ từ một vài trùng hợp ngẫu nhiên, ngôi miếu mới được “nổi tiếng” như vậy. Nguồn gốc về “khúc gỗ lạ thần rừng ban tặng” chỉ là truyền thuyết từ hồi khai hoang lập địa vì hàng trăm năm nay, xung quanh làng không có khu rừng nào. Chuyện hai tên cướp đột nhập vào nhà một ông cụ giết người cướp của là có thật, nhưng nguyên nhân là do gia đình nghèo túng quá, lại thêm phần ăn chơi đua đòi theo chúng bạn mà hành động nông nổi. Người dân quê bao đời sống hiền hòa, sợ sự việc “kinh thiên động địa” nên mới đồn thổi đổ lỗi cho “thần thánh”.

Về chuyện vợ của người phá miếu hóa điên, chỉ là trùng hợp hết sức ngẫu nhiên. Sống cùng thôn với nhau, trưởng thôn biết người này vốn có tiền sử bệnh thần kinh từ lâu. “Thỉnh thoảng bệnh tình của bà vợ lại tái phát dăm bữa nửa tháng rồi thôi. Ngày ấy, bệnh của bà ấy tái phát đúng vào thời gian người dân tổ chức xây dựng, tu bổ lại ngôi miếu. Bình thường bà này vẫn đi làm lụng bình thường”, trưởng thôn nhớ lại.

Ngày nay, quanh ngôi miếu người ta trồng nào là ngô, rau, lạc… do khu vực này đất màu mỡ, câu chuyện “không ai dám bén bảng xâm phạm miếu” đã trở thành dĩ vãng. “Mới năm 2013, một người trong thôn còn mò mẫm, cạy cửa lấy cả tiền công đức để trong miếu, chỉ bị người làng bắt phạt chứ có thấy thánh thần nào trách phạt người này đâu”, trưởng thôn cười.

Miếu được giao cho một người trong thôn coi giữ, người làng cứ ngày lễ, sóc vọng lại mang lễ vật ra cầu cúng như một nơi “điểm tựa tâm linh”. “Thói quen thờ cúng tại ngôi miếu đã tồn tại từ lâu, như một phong tục văn hóa”, ông Hòa nói.