Chuyện những dị nhân “trót” có duyên với xác chết

Họ cũng là người bình thường, không phải là “pháp sư” hay thầy cúng nhưng sớm đã mang “duyên nợ” với người đã chết.

Cùng điểm lại những “dị nhân” trên khắp mọi miền đất nước xuất hiện gần đây đã làm cho nhiều người không khỏi tò mò.

Gã 53 tuổi nặng nghề… vớt xác

Người ta gọi gã với cái tên thân mật “Tây mắm” chỉ bởi một lí do tưởng chừng đơn giản nhưng đã gắn với hơn nửa cuộc đời của gã: để vớt những thi thể thối rữa, nồng nặc mùi tử khí, gã bôi mắm lên mũi, nhúng đầy luôn cả khẩu trang khi hành sự. Tên đầy đủ của gã là Lê Hữu Tây, ngụ tại thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế. Ông cho biết, gần như cả cuộc đời mình gắn với cái nghề… vớt xác và ông cho rằng “đó là duyên trời định”. Gã “đụng” phải xác chết lần đầu tiên vào năm 24 tuổi, năm nay gã đã 53 tuổi. Suốt thời gian đó, tổng số thi thể mà gã đã vớt, gã cũng chỉ áng chừng được khoảng 50 hay 60 mạng người, không thể nhớ con số chính xác.

Ông Tây “mắm” chỉ về nơi phát hiện nhiều xác chết

Khi nói về lần đầu tiên đụng phải xác chết, ông Tây tâm sự rằng, lần ấy, mải nhậu với đám bạn, sực nhớ là quên đưa chiếc ghe đánh cá vào bờ. Ra đến biển thì hoảng hồn khi thấy ba xác người dạt vào, đồng phục vẫn còn trên người nhưng thi thể thì trương phình, thối rữa. Gã hô hoán đám bạn nhậu ra phụ giúp nhưng ai nấy khi ngửi thấy mùi tử khí thì nôn ọe, tháo chạy, bỏ gã loay hoay với ba thi thể ấy. Không đành bỏ đi, gã tay cuốc, tay đào, khâm liệm, hương khói, chôn cất. Lúc phát hiện là 12h đêm, đến 6h sáng hôm sau gã mới hoàn thành công việc. Cái “duyên nợ” với xác chết của ông cũng bắt đầu từ đó.

Gã hành nghề vớt xác là để “làm phúc làm phước”, quyết không nhận một đồng tiền thù lao nào, bởi lẽ gã quan niệm “nhận tiền hóa ra mình làm ăn trên xác chết người ta à?”. Đã có không ít gia đình các nạn nhân vào tận nơi để nhờ gã vớt thi thể lên, nhận diện rồi đưa vào nghĩa trang an táng cho tươm tất, đàng hoàng. Có bận, gặp vụ hai thanh niên bị chết, da dẻ bong tróc, thịt lở từng mảng khiến gã ớn đến tận cổ. Chẳng có đồ bảo hộ, gã xé ngay cái áo đang mặc trên người quấn mấy vòng ngang mũi nhưng xem ra chẳng át nổi cái mùi tởm lợm ấy. Nghĩ ngợi một lúc, gã chạy phăng phăng về nhà, vớ ngay hũ mắm, bôi lên mũi, mặt, nhúng đầy khẩu trang để “làm việc”. Biệt danh Tây “mắm” cũng ra đời từ đó.

Dị nhân với căn nghiệp ngủ cùng... xác chết

Gần 70 tuổi đời nhưng ông Nhâm Văn Ý (SN 1947, ngụ tổ 3, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã có 40 năm làm một công việc có thể khiến nhiều người cho là gàn dở: Ngủ cùng xác chết! Ai cũng cho hành động của ông là lập dị, khác thường và. Tuy nhiên, ẩn đằng sau đó là cả một câu chuyện đầy tính nhân văn mà không phải người nào cũng thấy được.

Ông Ý cùng vợ và cháu ngoại

Ở nơi ông sinh sống, người ta đặt biệt danh cho lão “dị nhân” vớt xác này là “Người mê ngủ với hồn ma”, “Ông Ý tử thi” hay “Lão ông dọn xác”. So với nghề xe ôm, cái nghiệp nhặt xác của ông Ý không biết là nghề chính hay chỉ là nghề “tay trái”. Ông Ý giãi bày: “Công việc “ngủ cùng người chết” nó vận vào người như cái nghiệp của tôi vậy”. Cơ duyên để ông đến với cái “nghề” không ai dám làm này bắt đầu từ câu chuyện cách đây gần 40 năm.

Ông kể lại, đêm đó ông phát hiện một thai nhi bị vứt bỏ bên gốc cây ven đường. Ngó qua ngó lại mà không thấy ai, đem về thì sợ người ta vu cho là kẻ gian nên ông cởi tấm áo đắp thêm cho đứa trẻ, rồi ngồi đó canh chừng cho đứa bé. Sau giấc ngủ chợp mắt giây lát, khi tỉnh dậy, ông thấy sinh linh bé bỏng đã tắt thở. Lương tâm ông thấy cắn rứt vô cùng và cũng từ đó ông tự nguyện đi canh xác cho những người chết đường, chết chợ để chuộc lại lỗi lầm năm xưa, tìm lại sự thanh thản trong lòng mình... Từ độ ấy, mỗi lần gặp phải người bị tai nạn giao thông chết thảm, ông không nỡ bỏ người ta lại, thế là cả đêm hôm ông “ngủ cùng người chết”, thậm chí là vài đêm mà không quản ngại. Như cách đây không lâu, trong một vụ tai nạn xe khách kinh hoàng làm 12 người chết, ông đã ngủ 2 đêm cùng 12 tử thi. Do những nạn nhân xấu số đều là những người ở xa như Phú Thọ, Quảng Ninh... nên phải sau 2 đêm mới có thân nhân đến nhận dạng và đưa người tử nạn về.

Trong chuyện nghề của mình, ông nói cũng đã có lần gặp phải “tai nạn nghề nghiệp”. Lần đó, người dân trong vùng phát hiện một xác chết trên núi đã bốc mùi thối rữa nồng nặc, ông hay tin đã lên tận nơi bê cái xác đó xuống, bất kể trên xác đã có ròi và mùi vô cùng khó chịu. Khi về đến nhà, bà Non vợ ông đã hoảng loạn la hét khi thấy mấy con ròi rơi ra từ trong áo chồng. Ông chưa kịp giải thích thì bà đã xách hành lý bỏ về nhà cha mẹ đẻ, lần ấy ông phải năn nỉ mãi mới đón được vợ về.

Chuyện “dị nhân” Ý ngủ cùng người chết suốt 40 năm qua với khoảng 5.000 thi thể (theo ông Ý ước tính) khiến người dân địa phương vô cùng cảm động. Càng cảm kích hơn khi ông Ý dù gia cảnh túng thiếu, bản thân phải sống trong căn nhà lụp xụp, dột nát nhưng mỗi khi phát hiện những tử thi không có người thân thích là ông lại chạy vạy mua quan tài, chôn cất cho người xấu số.

Chuyện rùng rợn về một “dị nhân” chuyên vớt xác người tự tử

Cũng giống như hai “dị nhân” trên, ông lão sống đơn thân ở bãi giữa sông Hồng là một trong ba người có “thần kinh thép”. Ông là Nguyễn Đăng Được, sinh năm 1946 quê gốc ở Hà Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Ông được sinh ra ở Thái Lan nhưng lại sang Việt Nam định cư từ nhỏ. Người dân quanh vùng bãi giữa sông Hồng quanh năm khắc nghiệt này gọi ông là ông Được “đen”. Những câu chuyện của ông về cái nghề vớt xác người chết và cứu cả người sống là những câu chuyện đượm buồn, đau lòng nhưng không kém phần đặc dị.

Căn nhà đơn sơ của ông Được "đen"

Sau khi rời quân ngũ, ông phiêu bạt mưu sinh rồi dừng chân ở ven sông Hồng. Cũng từ nơi đây, ông “lỡ” mang nặng cái duyên với người tự tử và trở thành kẻ cướp “miếng ăn” của hà bá. Ông đã không ít lần cứu người đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Kéo họ trở lại cuộc sống khi họ đang rơi vào cảnh túng quẫn, bi quan.

Trong những lần thực hiện việc vớt xác rồi cứu người tự tử, ông Được “đen” chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi bất kì điều gì dù cho tiếp xúc trực tiếp với không biết bao nhiêu xác chết chỉ với hai bàn tay không. Ông không có bất kì thiết bị bảo hộ nào hết thậm chí là khẩu trang khi thực hiện công việc “kì lạ” mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm. Cũng bởi ông trót có duyên nợ với xác chết mà không ít trường hợp tưởng chừng như “bất lực” đều được ông tìm thấy. Ông cho rằng đó chính là cái nghiệp của cuộc đời mình. Trong nghề vớt xác của mình, ông Được đã gặp biết bao trường hợp, từ những cái xác chết còn “tươi” cho đến những cái xác đã phân hủy, bắt đầu thối rữa… ông đã từng trải qua rất nhiều.

Sau mỗi lần vớt xác, để gột rửa hết sự sợ hãi và nhất là cái mùi gây gây đến kinh sợ đó, ông đã đi mua về hàng lít rượu, vừa tắm, vừa gội và một chút để lại uống cho ấm bụng cũng là để lấy thêm chút can đảm để vượt qua sự ám ảnh bởi gương mặt của những người chết.

Người lập dị ngửi thấy xác chết trong vòng 15km

Ông Ân Văn Ninh (60 tuổi, người dân tộc Sán Dìu, ngụ thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) được mệnh danh là “đại sứ” của Thần Chết. Nguyên nhân là bởi không cần dùng đến điện thoại, không được ai thông báo, thậm chí cả đời chưa từng một lần biết mặt người đó… nhưng cứ người nào sinh sống trong bán kính 15 km tính từ nơi ông đứng mà sắp chết thì ông đều biết trước.

Ông Ninh tại một đám tang

Mỗi lần như vậy, chỉ cần lắng tai nghe, lấy mũi ngửi, hoặc thấy tức ngực, khó thở hay tim đập nhanh là có thể nhận biết được có một người sắp hoặc vừa qua đời. Cũng vì lẽ đó mà dị nhân Ninh có khá nhiều biệt danh như “người mê đưa tiễn hồn ma”, “người trời”, “ông đưa tiễn những linh hồn”. Người nhà ông thường nói đùa rằng, ông Ninh có mặt ở các đám tang nhiều hơn là ở nhà. Không cần nhớ mặt ông, chỉ cần tìm một ông trung niên có dáng dong dỏng, đội chiếc mũ lưỡi trai, mặc bộ quần áo cáu bẩn, đó chính là ông Ninh “người trời”.

Câu chuyện của ông Ninh nghe ra thì rất khó tin, nhất là đối với người ngoài. Thế nhưng, những người dân nơi đây thì họ đều công nhận đó là sự thật 100% và ông cũng chẳng có lý do gì để “nổ”. Hãi hùng hơn nữa khi ông lão còn “bật mí” rằng khi nghe “có biến”, ông còn đoán được người sắp chết khoảng bao nhiêu tuổi, nguyên nhân chết. Với biệt tài không giống ai đó, đã có lần ông bị vợ con cùng “lập mưu” đưa ông vào bệnh viện tâm thần vì họ tưởng đầu óc ông “có vấn đề”. Biết được ý định của vợ nên ông hết thủ thỉ chứng minh mình hoàn toàn bình thường, rồi “lên gân” nhất quyết không đi, khẳng định mình không có vấn đề về tâm thần. Theo dõi mọi sinh hoạt của ông thấy vẫn bình thường, có mỗi bất thường là mê… đám ma nên mọi người dẫn cũng đành chịu, mặc kệ ông với “đam mê” độc nhất vô nhị.

Dù sao thì khả năng dự báo… người chết của ông Ninh cũng thường chỉ dừng lại ở “ngưỡng” dự đoán những người bệnh tật, hoặc ốm yếu sắp chết chứ không dự đoán những cái chết “bất đắc kỳ tử”, thế nên may mắn là ông chưa từng bị ai… đánh hay bị người địa phương xa lánh. Ngược lại công việc và biệt tài của ông còn được người dân địa phương cảm ơn và quý trọng vì đã giúp họ bớt được phần nào nỗi đau khi người thân nằm xuống.

Lời kết

Khả năng của con người là vô hạn. Có trường hợp tiềm ẩn chưa bộc lộ ra ngoài, và cũng có người tự phát một cách tự nhiên.

Những “dị nhân” trên đây họ đều sử dụng khả năng đặc biệt của mình để làm phúc, cứu vớt những phận người xấu số. Họ không hề lạm dụng quyền năng đó để mưu lợi cá nhân.

Có thể thấy rằng, để hi sinh bản thân mình phục vụ cho những mục đích hướng thiện, các “dị nhân” đã phải đánh đổi không ít. Thậm chí, trong những phút nguy nan, họ không màng tới mạng sống của mình, mang lại sự may mắn cho những người ở ngưỡng cửa tử; hoặc giúp người nhà các nạn nhân tìm được người thân.

Xét về mặt khoa học, cho đến nay vẫn chưa có một lời giải đáp nào hoàn thiện cho những khả năng đặc biệt của con người. Chỉ biết rằng, xen lẫn giữa cuộc sống với người bình thường, đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “dị nhân”, những người có quyền năng đặc dị giúp ích cho đời.