Khái niệm 'đồ chơi ô tô' dùng để gọi những phụ kiện lắp đặt thêm trên chiếc xe nhằm mục đích
nâng cao tác dụng, bảo vệ xe hoặc thuần tuý chỉ trang trí.
Phụ kiện lắp đặt thêm bên cạnh việc giúp chủ xe thể hiện cá tính, đẳng cấp riêng còn mang lại những tiện ích nhất định. Giới trong nghề phân chia, 90% phụ kiện lắp thêm không gây ảnh hưởng đến độ an toàn chiếc xe. Nhưng 10% phụ kiện còn lại là những thiết bị liên quan đến nguồn điện, có nguy cơ gây ra tai nạn nếu thợ lắp ráp yếu tay nghề, non kinh nghiệm như lắp thêm ổ DVD, camera, bộ khuyếch đại âm thanh. Những thiết bị này sử dụng 'lạm' vào nguồn điện chuẩn của xe đã được nhà sản xuất thiết kế sẵn. Bởi vậy để đảm bảo an toàn, khi lắp đặt thêm thiết bị, thợ cần gắn thêm hệ thống cầu chì đảm bảo khi xảy ra sự cố, nguồn điện được ngắt hoàn toàn. Nhưng thực tế
không phải thợ lắp ráp nào đều thực hiện trôi chảy. Nguy hiểm hơn đó là lắp đặt phụ kiện kém chất lượng có thể gây hại cho động cơ, như tấm lót sàn kém chất lượng có thể tan chảy nếu nhiệt độ trong xe ở mức cao, lắp thêm đèn công suất lớn có thể gây chập điện dẫn đến cháy nổ.
Nguồn phụ kiện ô tô Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường châu Á
Nguồn phụ kiện ô tô Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc, nhiều nhất từ Thái Lan. Thị trường Thái được đánh giá phong phú nguồn hàng, mẫu mã đẹp và chất lượng tương ứng với giá thành. Tiếp theo phải kể đến phụ kiện nhập từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng thị trường phụ kiện ở Việt Nam không thể đáp ứng 'tất tần tật' nhu cầu khách hàng. Chẳng hạn như dòng phụ kiện dành cho siêu xe rất hiếm, chỉ khi nào khách đặt hàng, đại lý mới nhập về nhỏ giọt: 'Dòng xe cao cấp ở nước ta còn ít nên đại lý kinh doanh phụ kiện không dám nhập hàng ồ ạt', anh Quý, trưởng phòng Marketing công ty ô tô Minh Phú (Q.10, TP.HCM) giải thích. Cũng theo anh Quý, 'đồ chơi ô tô' đi vào thị trường Việt Nam theo nhiều đường khác nhau. Đó là lí do giá cả một sản phẩm chênh lệch ở những cửa hàng khác nhau (Tất nhiên không bàn đến dòng phụ kiện chính hãng, độc quyền).
Phụ kiện ô tô phân chia thành các nhóm: Nhóm 'đồ chơi' nghe nhìn như loa, ổ DVD, camera hành trình. Nhóm phụ kiện nội thất gồm các tấm lót ghế, lót sàn, da bọc. Thứ ba là các phụ kiện thuộc nhóm điện, như hệ thống đèn xe. Cuối cùng là những phụ kiện ngoại thất như bộ ốp toàn thân, cánh lướt gió, giá để hành lý, bệ bước chân, ốp cửa... Tuỳ theo từng loại 'đồ chơi' sẽ mang lại cho xế hộp những tác dụng cụ thể, hoặc chỉ để trang trí. Ví dụ bộ ốp toàn thân giúp bề ngoài xe trở nên sang trọng, mạnh mẽ hơn, giảm thiểu lực gió tác động vào xe; cánh lướt gió khiến phần đuôi xe thon hơn, dễ nhìn, giúp xe chạy êm hơn trong thời tiết gió mạnh...
Nhiều món 'đồ chơi' khác như ốp cửa, bệ để chân ngoài tác dụng thẩm mỹ còn góp phần bảo vệ xe an toàn hơn trong trường hợp xảy ra va chạm. Ở Việt Nam, gần như tất cả xe ô tô con đều sử dụng phim và kính cách nhiệt. Loại kính, phim này hạn chế tác động ánh nắng mặt trời vào trong xe, tạo ra không gian riêng cho người ngồi bên trong.
Giá cả 'đồ chơi ô tô' tuỳ thuộc vào chất lượng, xuất xứ mặt hàng. Cụ thể phụ kiện cao cấp (chính hãng) có giá cao hơn phụ kiện 'nhái' khoảng 30%. Giá sản phẩm trôi nổi có thể thấp hơn nhiều giá cửa hàng từ 3 đến 5%. Bình quân mỗi món phụ kiện dao động từ 5 - 8 triệu đồng. Trung bình mỗi chiếc xe ô tô hiện nay tiêu tốn không dưới 30 triệu đồng chi phí lắp đặt phụ kiện. Xe càng giá trị, giá phụ kiện càng cao. Tại TP.HCM, có những tuyến phố chuyên kinh doanh phụ kiện ô tô như đường An Dương Vương, Trần Bình Trọng (cùng Quận 5); ở Hà Nội như phố Hàng Muối...
Một người kinh doanh phụ kiện ô tô ở TP.HCM thừa nhận, nghề kinh doanh phụ kiện mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều so với kinh doanh ô tô. Theo tính toán, trung bình bán mỗi chiếc xe ô tô, đại lý hưởng lợi khoảng 5%, chưa kể còn phải cắt giảm huê hồng cho đại lý cấp dưới, lợi nhuận vì thế luôn thấp hơn mức 5%.
Trong khi đó, kinh doanh phụ kiện được ví 'một vốn bốn lời'. Trước tiên tâm lý thích 'chơi trội', 'chơi sang' của người Việt giúp họ có nhiều việc làm. Chưa nói đến việc nhiều chủ xe đầu tiên lắp đặt vài món, rồi sẽ dần dần lắp thêm vô số món khác.
Từ năm 1998 - 2002, xe ô tô ở Việt Nam bắt đầu lăn bánh nhiều, thị trường phụ kiện bắt đầu phát triển. Giai đoạn 2007 đến năm 2008 được xem thời kì thịnh vượng của “mốt” chơi phụ kiện ở nước ta. Từ năm 2010, thị trường ô tô chững lại bởi sự xuống dốc nền kinh tế kéo theo nghề kinh doanh phụ kiện ế ẩm. Tuy nhiên từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường phụ kiện đã sôi động trở lại nhờ kinh tế dần phục hồi, nhu cầu ô tô tăng lên, theo 'bật mí' của một người từng nhiều năm theo nghề tại TP.HCM.