Ngày ấy, chồng chị bỏ mặc vợ một mình lo cho đàn con khôn lớn, trưởng thành để chạy theo nhân tình. Vậy nhưng khi anh bị tai nạn qua đời, người phụ nữ ấy lại một tay đứng ra lo liệu, đồng thời chủ động đề nghị vợ hai của chồng bỏ qua chuyện cũ, cùng chung sống hòa thuận.
Nuốt nước mắt nhường chồng
Thời xuân sắc, chị Đoàn Thị Quý (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng được nhiều trai làng để ý. Thế nhưng sau khi chia mối tình đầu, chị bỏ ngoài tai những lời tán tỉnh, khăn gói sang nông trường Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) làm công nhân. Tại đây qua bạn bè giới thiệu, chị gặp và làm quen với anh Nguyễn Đình Long (SN 1958). Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã nên duyên chồng vợ.
Sau ngày cưới, anh Long nhận được lệnh lên đường nhập ngũ. Thời gian trôi đi, chị Quý liên tiếp sinh hai bé gái kháu khỉnh. Thế nhưng thời điểm đó, nhà chồng lại gây áp lực buộc con dâu phải “sinh bằng được con trai”. Là người hiểu biết, chị Quý không muốn sinh thêm con. Nhưng trước tư tưởng còn nặng nề của gia đình chồng, chị đành nhắm mắt sinh thêm một đứa con trai. “Tưởng như sau đó gia đình sẽ được hạnh phúc trọn vẹn, tôi không ngờ chồng lại âm thầm phản bội mình”, chị Quý cho biết.
Thời gian vợ sinh con, anh Long thường xuyên đi sớm về khuya, hắt hủi vợ, con. Trước biểu hiện bất thường của chồng, chị không khỏi lo lắng và nghi ngờ. Linh cảm mách bảo chồng có người phụ nữ khác ở bên ngoài. Chị âm thầm theo dõi và hoàn toàn sụp đổ khi phát hiện anh Long quả thật có nhân tình. Điều đáng nói, “kẻ thứ ba” chen ngang vào cuộc sống gia đình chị lại là người hàng xóm lâu nay vẫn thường qua lại. Không kiềm chế được trước sự thật phũ phàng, chị đã từng sang tận nơi “ăn thua” với người phụ nữ này.
Sau màn đánh ghen náo loạn đó, chị Quý dần lấy lại bình tĩnh. Suy nghĩ thiệt hơn, chị lại sang nhà người phụ nữ kia cầu xin hãy buông tha chồng mình. “Tôi không muốn đàn con thơ phải chứng kiến cảnh gia đình tan đàn xẻ nghé. Bên cạnh đó, tôi cũng ngọt nhạt khuyên chồng và bày tỏ sẵn sàng tha thứ lỗi lầm. Đau đớn thay, anh ta và người phụ nữ kia vẫn dứt khoát không chịu rời nhau”, chị Quý nhớ lại.
Kể về những ngày đau khổ và quyết định khó khăn khi nhường chồng cho người khác, chị Quý cho hay: “Chứng kiến chồng công khai ngoại tình, tôi gần như suy sụp. Là người phụ nữ, ai lại muốn chia sẻ chồng cho người khác. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định buộc anh Long phải chọn một trong hai, hoặc tôi hoặc nhân tình. Khi đặt ra tình huống này, tôi đã hy vọng anh ấy sẽ vì những đứa con mà quay đầu. Thế nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như tôi chờ đợi”.
Khi vợ bắt phải lựa chọn, người chồng tham lam đã “chọn cả hai”. “Anh Long quyết không bỏ vợ nhưng cũng không chịu từ bỏ nhân tình. Nghe câu trả lời ấy, tôi thấy tim mình như bị ai bóp nghẹt. Quá chán nản, tôi đã bỏ nhà đi lang thang suốt ba ngày ba đêm. Chuỗi ngày mụ mị ấy, tôi lúc nào cũng như kẻ vô hồn, chẳng thiết ăn uống khiến cơ thể chỉ còn da bọc xương. Tôi nghĩ: “Dù chết thì mình cũng không chấp nhận chia sẻ chồng”. Sau những ngày lang thang, tôi đã quyết định rút lui khỏi cuộc tình tay ba này”.
Về đến nhà, chị lấy lại tinh thần rồi viết sẵn một tờ đơn ly dị yêu cầu chồng ký. Nhưng khi nhận lá đơn, chồng chị lại nhất quyết không ký, đồng thời hứa hẹn sẽ chăm sóc tốt cho vợ con. Tuy nhiên bất chấp tất cả, chị vẫn kiên quyết gửi đơn lên tòa xin ly dị. Sau nhiều ngày hòa giải không được, tòa án cũng giải quyết đơn ly hôn của chị. Người vợ bất hạnh nhớ lại: “Khi tòa phân chia tài sản, tôi không yêu cầu bất cứ của cải gì, chỉ có nguyện vọng duy nhất là được nuôi ba đứa con. Lúc đó, tòa cũng khuyên tôi nên để chồng nuôi một đứa con để giảm gánh nặng. Nhưng tôi nhất quyết không đồng ý”.
Gia đình chị Quý giờ đã ổn định.
Vì con hóa giải hận thù
Nói về hoàn cảnh của chị Đoàn Thị Quý, bà Đoàn Thị Mai, Trưởng Hội phụ nữ khu 6 (xã Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết: “Chị Quý là người ở Thường Xuân về đây làm dâu. Cuộc sống gia đình chị cũng éo le, khi chồng bỏ theo người phụ nữ khác. Thấy hoàn cảnh của chị đáng thương, chính quyền cũng thường xuyên xuống thăm hỏi và xét vào diện hộ nghèo. Trải qua nhiều khổ cực, đến nay chị Quý đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống như bao gia đình khác. Có thể nói, chị Quý là một người giàu nghị lực và có lòng vị tha. Cách đây gần chục năm, khi anh Long qua đời, chị Quý đã tha thứ và tạo điều kiện cho các con của chồng nhận anh em”.
“Sau khi ly hôn, tinh thần tôi thoải mái hơn hẳn. Tôi tự an ủi mình: “Dù mất chồng thì vẫn còn những đứa con bên cạnh”. Nghĩ đến đó, tôi lại có thêm dũng cảm đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn. Thời gian đó, tôi phải lên nông trường làm mía, quần quật làm việc kiếm tiền. Thương mẹ vất vả, cháu đầu mới học đến lớp 6 phải bỏ ngang đi kiếm việc làm. Mấy mẹ con tôi cứ đùm vá nhau sống qua ngày như thế. Trong khi đó, chồng tôi dọn hẳn về sống với người tình, chẳng hề ngó ngàng gì đến”, chị Quý kể.
Ngày tháng trôi qua, chị Quý âm thầm nuôi các con khôn lớn. Nhìn thấy chồng và người đàn bà khác ngày ngày cười nói hạnh phúc, chị chỉ biết gạt nước mắt khóc thầm. Từ sâu thẳm trong lòng, chị hận người đàn ông ấy, kẻ phụ bạc đã bỏ mặc vợ con chạy theo tình cảm cá nhân ích kỷ. Đã có lúc, chị nghĩ mình sẽ mang theo nỗi hận ấy xuống cửu tuyền, không bao giờ chấp nhận tha thứ.
Nhưng năm 2006, một biến cố bất ngờ xảy ra đã làm thay đổi suy nghĩ của người phụ nữ bị phản bội. “Hôm đó, tôi đang đi làm thì nghe người ta báo tin anh Long bị tai nạn. Bao giận hờn tan biến, tôi chỉ thấy trong lòng dâng lên niềm thương cảm. Biết hoàn cảnh chồng lúc đó cũng không khá giả gì, tôi lại cùng vợ hai của anh chạy vạy vay mượn khắp nơi lo viện phí. Thời gian anh điều trị, tôi cũng nói các con thay nhau vào túc trực, chăm sóc tận tình. Nhưng vì vết thương quá nặng, anh không qua khỏi. Giây phút chồng ra đi, tôi thấy quặn lòng đau đớn. Cuộc đời tôi, anh là người chồng duy nhất. Dẫu có lỗi lầm thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi cũng tha thứ cho anh. Thế nên sau khi anh qua đời, tôi đã đưa di ảnh anh về thờ phụng”.
Tâm sự với chúng tôi về vợ hai của chồng, chị Quý chia sẻ: “Cô ấy cũng sinh cho anh Long được 2 đứa con (1 trai, 1 gái). Mỗi lần giáp mặt tôi, cô ấy đều có vẻ ngại ngùng. Hai mẹ không hòa hợp nên tình cảm của mấy đứa con cũng chẳng mặn nồng. Trăn trở về điều đó, tôi lại chủ động sang tận nhà đề nghị bỏ qua hết chuyện cũ. Tôi bảo cô ấy: “Mấy đứa nhỏ không có tội tình gì để phải chịu hận thù của người lớn. Chúng đều chung một dòng máu thì phải hòa thuận, đùm bọc lấy nhau”. Sau đó, tôi bảo cô ấy dẫn các con sang nhà tôi nhận anh em. Đến nay, chúng tôi có cuộc sống hòa thuận và thường xuyên giúp đỡ nhau. Nhìn mấy anh chị em chúng nó yêu thương nhau, tôi cũng thấy ấm lòng”.