Chuyện kỳ lạ về ngôi đền, học trò đến cầu xin đều thi đỗ?

Ngôi đền Quán Thi (thôn Dương Tử, xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội) từ bao đời nay là nơi mà mỗi kỳ thi, các sĩ tử trong vùng đến để cầu xin đỗ đạt.

Không chỉ có những tích truyện về học hành, ngôi đền nhỏ bé này còn có nhiều chuyện kỳ bí xảy ra, khiến người dân nơi đây lúc nào cũng tôn sùng, thành kính.

Ngôi đền thiêng đạn bom không phá được

Là một vùng đất có lịch sử lâu đời, xã Cao Thành mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nên đình làng, ngõ xóm còn được bảo quản khá nguyên vẹn. Trong những địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh, người dân nhắc đến nhiều nhất là ngôi đền Quán Thi. Sự tồn tại của ngôi đền cho đến ngày nay cũng là một sự nhiệm mầu mà những người già trong thôn Tử Dương xã Cao Thành còn nhắc lại cho con cháu.

Ngày trước, đình làng nằm ở trung tâm, bốn phía là bốn quán (lầu canh gác) để giám sát an ninh trật tự của cả làng bao gồm: quán Giám Đông, quán Giám Tây, quán Giám Nam, quán Giám Bắc. Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng chỉ định tháo dỡ 4 quán trên để làm lô cốt.

Ba quán: Giám Tây, Giám Nam, Giám Bắc đều chịu chung số phận, riêng quán Giám Đông được giữ nguyên như ngày nay. Người dân cũng chẳng hiểu sao ba quán kia bị phá trơ trụi mà riêng quán Giám Đông chúng lại chả dám đụng đến. Có người kể: “Bọn lính dùng búa đập chán chê mà ngôi đền không hề hấn gì. Có thằng Tây hùng hổ xông vào đền, định đặt bom phá đền thì bỗng nhiên trúng gió mồm méo xệch, bọn lính đưa về đến nhà thì đột tử. Sau vụ đấy, đám lính không dám phá quán nữa”.

Ông Đỗ Sỹ Đoan (75 tuổi), là người chăm nom ngôi đền Quán Thi hiện nay, cho biết: “Sở dĩ cái tên quán Giám Đông người dân không quen gọi, mà cứ gọi là đình Quán Thi là có nguyên do lịch sử để lại”.

Chuyện kể rằng: “Khoảng thế kỷ XVIII – XIX, có 10 chàng trai đi thi qua đây, trời nắng quá họ mới ngồi nghỉ chân. Thấy ngôi đền cổ kính các sĩ tử bàn bạc vào đền lễ cầu may cho được đỗ đạt. Một người trong số họ lên tiếng: “Thi đỗ hay không là do sự học hành của mình quyết định, chứ ai đời đi cầu xin thần linh cho thi đỗ bao giờ. Tôi không tin vào thần thánh, ai lễ thì lễ, tôi đứng ngoài”. Những người còn lại thấy bạn mình nói cũng có lý, nhưng cũng tự nhủ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, phần cũng lo lắng sợ thần linh quở mắng nên lễ lạt rất thành tâm.

Xong xuôi, cả đám nho sinh lên đường về kinh dự thi. Kỳ thi năm đó, 9 người vào đình lễ bái thì đều có tên trong bảng vàng mặc dù thứ hạng khác nhau. Riêng cậu nho sinh không vào lễ thì trượt. Sau đợt ấy, 9 người làm quan ở nhiều nơi khác nhau đều quay trở lại quán Giám Đông tạ lễ. Dân làng biết được chuyện đó nên chuyển tên gọi thành đền Quán Thi.

Đền Quán Thi là một địa chỉ văn hóa tâm linh từ lâu đời của thôn Tử Dương nói riêng và xã Cao Thành nói chung. Đi đền Quán Thi cầu xin cho lớp trẻ thi cử, học hành đỗ đạt là một nét đẹp rất riêng của người dân nơi đây. Những câu chuyện mang màu sắc dị đoan ở đây đang dần được hạn chế vì không ai rõ thực hư mà chỉ là đồn thổi. Nhưng trong tiềm thức nhiều người, đền Quán Thi là một nơi rất tôn nghiêm.

Từ đó trở đi, cứ đến mùa thi cử thì các sĩ tử đều được phụ huynh đưa đến đây để cầu xin thi được đỗ đạt. Năm ngoái, dân làng thôn Tử Dương bàn bạc chung nhau tôn tạo lại đền, theo kiến trúc cũ. Cạnh đền là Trường THCS Cao Thành, Hiệu trưởng Đỗ Hùng Thơ báo cho các bậc bô lão trong làng biết là 100% học sinh của trường đã đỗ cấp 3 kỳ thi vừa rồi.

Người làng lại càng thêm sùng kính ngôi đền. Thôn Cao Lãm thuộc xã Cao Thành, ngày trước sĩ tử trong làng đi thi đều phải đi qua đây, thế nên họ thường xuyên cầu xin ở đền Quán Thi như một cái lệ không thể bỏ. Từ trước đến nay theo thống kê không chính thức, làng Cao Lãm cũng phải có tới 17 người đỗ tiến sĩ, còn gần đây số người đỗ đại học cũng không ít.

Những câu chuyện “thần bí”

Không chỉ là nơi cầu xin thi cử đỗ đạt, đền Quán Thi còn được biết đến bởi những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai. Trong đền có một cuốn sổ ghi chép bằng chữ Hán - Nôm. Năm 1933, người dân xã Cao Thành tôn tạo lại đền, đến năm 2011 tôn tạo lần nữa. Ông Nguyễn Đình Văn (65 tuổi), người thu thập các câu đối và chữ nghĩa trong đền cho biết, những chữ Hán - Nôm còn khá đầy đủ và nguyên vẹn, sắp tới địa phương sẽ nhờ người dịch giúp để có thể biết được gốc tích ngôi đền của làng.

Ông Văn cũng cho hay, ngôi đền trước đây còn được gọi là quán Nhà Bà. Quay lưng lại quán Nhà Bà là quán Nhà Ông nằm sát cạnh đó. Cả hai quán đều nằm trên khu đầm của một lý trưởng, ông này thầu nuôi cá ở đầm. Thế nên cứ mùng 4 tết hằng năm là ngày hội của làng, người dân phải bắt một con cá chép thật to để làm lễ. Quán Nhà Ông đã bị phá ở thời Pháp, giờ chỉ có quán Nhà Bà bên cạnh gốc đa già. Có người nói, vì gốc đa linh thiêng này mà không thể xâm phạm ngôi đền.

Ông Đỗ Sĩ Đoan, cụ từ trông đền kể: “Dân chúng kể cho nhau nghe từ ngày trước, mỗi khi đi đâu về muộn, giữa đêm khuya là họ lại thấy các bà, các cô mắc võng quanh cây rồi ngồi đánh đu và hát nghêu ngao. Nhiều người đánh liều đi qua thì không thấy gì, nhưng vẫn nghe tiếng võng đưa cót két. Gần đây, có anh thanh niên làng đi xe máy qua, lỡ miệng nhổ một bãi nước miếng. Vừa nhổ xong, xe bỗng dưng chết máy không làm sao khởi động lại được… Kiểm tra xe kỹ lưỡng thấy không bị sao, chợt nhớ ra, anh ta vào đền khấn xin rồi ra khởi động lại xe thì máy nổ giòn”.

Nhiều người cũng cho rằng vì niềm tôn kính đã lưu truyền từ bao đời, mà người dân nơi đây thêu dệt thêm những câu chuyện thần bí đó để thần thánh hóa ngôi đền và “ra uy” với những kẻ có mưu đồ làm việc xấu, xâm phạm đến di tích lịch sử mà người xưa để lại.

Những cành của cây đa rụng xuống, nhiều người đi qua kéo về nhà làm củi đun nhưng thật kỳ lạ, người ta có nhóm bằng cách nào thì cành đa mục vẫn cứ trơ trơ, chẳng bén lửa. Không dùng được họ lại mang ra trả, cành đa được trả lại thì nhanh chóng mục rồi tan vào đất.

Nhiều người trong làng kể lại họ đã từng trải qua tuổi thơ bên ngôi đền Quán Thi. Khi họ đi chăn trâu, cắt cỏ qua đây, đứa nào vào đền mà ăn nói tục hay đi bậy cạnh đền là về nhà y như rằng bị sưng mồm, sưng cả “của quý”. Chuyện người ta hay nhắc về sự thất lễ với đền là vào năm ngoái, khi xây dựng trường THCS Cao Thành trên mảnh đất cạnh đền Quán Thi (quán Nhà Ông), mọi chuyện diễn ra bình thường nhưng cho đến ngày đổ mái. Công nhân đến sớm, cho xi- măng, cát, sỏi vào máy trộn bê- tông để tiến hành công việc. Mẻ bê-tông chưa kịp cho ra thì máy trộn “tịt ngỏm”, sửa chữa cách mấy cũng không nổ tiếp được. Hôm đó, khối bê-tông bị chết không dùng được. Hôm sau, chủ công trình vào đền lễ tạ thì công việc lại suôn sẻ.

Chuyện về đền Quán Thi được lưu truyền còn nhiều, chẳng ai biết những câu chuyện mang màu sắc hoang đường đó là thật hay giả. Nhưng niềm tôn kính của người dân nơi đây, cũng phần nào giúp họ hướng đến những ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống và răn dạy con cháu giữ gìn đạo lý làm người.