Đó là cuộc chiến về tư tưởng ở những người đàn ông đã từng gây ra bạo lực gia đình, là sự giằng xé giữa định kiến nam quyền, tự cho mình có quyền quyết định mọi vấn đề trong gia đình, kể cả việc đánh đập vợ con. Cho đến khi họ nhận ra sự phi lý này cũng là lúc bạo lực được chấm dứt.
Tiêu tán tài sản do làm ăn thất bát, anh đã đau khổ đến nỗi phát bệnh. Bệnh được chữa khỏi cũng là lúc trắng tay. Không dám đối diện với thất bại của mình, anh dồn ức chế lên người vợ vốn sớm tối tảo tần lo cho gia đình và chồng con. Không chỉ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà anh còn rao bán vợ với giá rẻ mạt nhất: 20.000 đồng/đêm.
Ai mua vợ, tôi bán...
Người chồng “bạo gan” đó đã dám chia sẻ câu chuyện lầm lỗi của mình với mong muốn mang lại bài học cho những ai đang gây ra đau khổ cho vợ con và cho chính mình bởi cách nghĩ cứng nhắc về đàn ông - phụ nữ. Anh là Bùi Văn Sỹ, 52 tuổi, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, hiện trú tại phường Phúc Xá, quận Long Biên, Hà Nội.
Cách đây 30 năm, anh Sỹ kết hôn với chị Nguyễn Thị Nái. Chị kém anh 1 tuổi, người cùng làng, vừa đẹp người lại vừa đẹp nết. Anh Sỹ thừa nhận là mình yêu vợ nhưng yêu thương đấy rồi có lúc hành hạ vợ đủ điều.
Đó là quãng thời gian vợ chồng anh Sỹ quyết định bán hết nhà cửa đất đai ở Nam Định, dồn tiền vào Đắk Lắk mua 3 khoảnh rẫy trồng cà phê. Nhưng không may cho vợ chồng họ, lúc phát rẫy, giá cà phê là 24.000đồng/kg. Nhưng ba năm sau hạ dần từ 20.000 rồi xuống 18.000 rồi kịch điểm là hạ xuống còn 3.000 đồng/kg.
Ca phê rớt giá thảm hại khiến cho vợ chồng anh Sỹ như ngồi trên đống lửa. Công việc làm rẫy vất vả, làm ăn thua lỗ nên anh Sỹ dồn hết sự bức xúc bực bội, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Mâu thuẫn gia đình chẳng làm cho cà phê của họ lên giá được và đã bế tắc lại càng bế tắc hơn.
Cuối cùng anh Sỹ đổ bệnh, người gầy rộc chỉ còn 30kg. Sau một thời gian đau ốm, anh Sỹ kiệt quệ đến mức không thể kiểm soát được chuyện vệ sinh cá nhân. Anh Sỹ đi đâu, chị Nái phải mang bô chạy theo đấy.
Trong thời gian nằm viện để chữa bệnh trầm cảm, anh còn gọi xe ôm vào phòng bệnh nói với mọi người rằng: “Đời tôi kiệt quệ thế này là do vợ tôi cao số. Anh xem có ai mua thì tôi bán, chỉ 20.000 đồng/ đêm thôi...”.
Làm lại từ đầu
Cuộc sống tưởng không còn lối thoát, ấy vậy mà giờ đây vợ chồng họ có thể ngồi bên cạnh nhau, kể những chuyện đã qua với tất cả sự thành thực của mình. Thấy vợ ầng ậc nước mắt khi nhắc đến chuyện xưa, anh Sỹ cười xòa như một sự nhận lỗi. Anh Sỹ nói: “Ngày đấy tôi cũng không thể hiểu mình vì sao lại nói năng và ứng xử như vậy. Quyết định bán nhà vào Đắk Lắk mua rẫy là do tôi. Ngày đó thấy vợ tần ngần, tôi còn bảo với cô ấy là “không đi, tôi đi một mình!”.
Thực ra điều anh Sỹ không hiểu là có nguyên nhân của nó. Anh đánh vợ, anh chê vợ hay anh đổ lỗi cho vợ là do anh không muốn đối diện với sự thất bại của mình. Khi gia đình xảy ra vấn đề gì, nam giới có xu hướng đổ lỗi cho vợ, còn ngược lại phụ nữ thường thấy mình có lỗi. Cách suy nghĩ này, theo các chuyên gia về bình đẳng giới, là xuất phát từ tư tưởng nam quyền. Tư tưởng nam quyền tác động sâu sắc vào đời sống, nó hằn thành nếp nghĩ không chỉ ở nam giới mà cả ở phụ nữ. Chính bởi vì hằn nếp nghĩ đó nên anh Sỹ mới có kiểu đá bóng lỗi của mình sang cho vợ, đẩy mâu thuẫn lên cao và kết thúc bằng bạo lực.
Trước sự vô lý của chồng, chị Nái chỉ biết cách cắn răng chịu đựng. “Nhiều người thấy tôi cực nhục quá, bảo tôi bỏ quách đi cho rảnh nhưng bỏ thế nào được hả chị. Tôi đút cho anh ấy một thìa cơm mà anh ấy ngậm cả tuần. Đến đi vệ sinh mà cũng không thể kiểm soát được thì còn làm được gì. Đi bệnh viện khám mãi không ra bệnh, cuối cùng bác sĩ kết luận là chồng tôi bị trầm cảm. Năm đó hai cháu nhà tôi, một cháu học lớp 5, một cháu học lớp 7. Đang học dở dang, vợ chồng con cái chúng tôi bỏ rẫy lại, dắt díu nhau trở ra Bắc để chữa bệnh cho chồng”, chị Nái kể.
Bán hai mảnh rẫy để lấy tiền quay ra Bắc chữa bệnh cho chồng, ba năm sau, khi anh Sỹ khỏi bệnh, vợ chồng chị bán nốt mảnh rẫy còn lại, vay thêm 10 triệu để mua một mảnh đất tại quê nhà. Không nhà không cửa, họ lên Hà Nội thuê nhà và kiếm việc làm.
Ngày đầu mới đến Hà Nội, chị Nái đi buôn gà còn anh Sỹ làm nghề đạp xích lô. Hiện nay thì chị Nái làm đủ nghề: Đi lau dọn nhà cửa, buôn bán đồng nát. Anh Sỹ giờ chuyển sang nghề xe ôm. Nhờ chịu khó làm lụng và biết chắt chiu, vợ chồng anh Sỹ đã xây được nhà, nuôi các con học hành nên người…
Người đàn ông đã từng bạo hành vợ cả về thể chất lẫn tinh thần ngày đó giờ ngồi trước mặt tôi, khỏe mạnh, vui vẻ nói: “Đúng là không có gì bằng cuộc sống vợ chồng hòa thuận cô ạ. Con cái ngoan ngoãn, vợ chồng thòa thuận là liều thuốc quý cho đầu óc mình được thảnh thơi. Hai đứa con của tôi, đứa học đại học, đứa học cao đẳng. Con tôi ngoan là nhờ vợ. Tôi phải cảm ơn vợ tôi rất nhiều”.