Trào lưu chế hình giống Võ Tắc Thiên với chấm hoa giữa trán, đôi mắt xếch, môi đỏ mọng đang ngập tràn trên thế giới mạng, nhiều người hào hứng với nhiều kiểu dáng nhưng cũng có những người "ngứa mắt", khó chịu... Vậy, những phiên bản lỗi Võ Tắc Thiên này thể hiện sự nghèo nàn, hời hợt hay giới trẻ quá ngây ngô với giá trị văn hóa? Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý – Giáo dục, trường ĐHSP TP.HCM chia sẻ về vấn đề này.
Nhiều bạn trẻ thích thú với phần mềm chỉnh sửa ảnh thành Võ Tắc Thiên.
- Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, ông lý giải gì về việc trên mạng đầy rẫy hình các bạn trẻ tạo hình giống nhân vật trong phim Võ Tắc Thiên?
Đầu tiên phải thừa nhận đây là một bộ phim được đầu tư công phu, tạo được sức hút lớn đối với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Điều thứ hai là do ảnh hưởng của truyền thông, các phương tiện truyền thông đã liên tục đưa tin về Võ Mỵ Nương truyền kỳ, nào là tạm ngưng chiếu, cắt cảnh nóng, rồi chiếu tiếp… điều này gây được sự chú ý của nhiều người.
Điều thứ 3, đây cũng là nguyên nhân quan trọng, đó chính là tâm lý đám đông hay cụ thể là sự lây lan tâm lý giữa cư dân mạng với nhau. Một người để hình thấy hay và cũng đang “hot” rồi lan sang bạn bè, rồi nhiều người cùng biến hóa với nhiều phong cách độc và lạ hơn để thể hiện hình ảnh bản thân, thể hiện cái tôi của mình, chính điều này là nguyên nhân sâu xa và có ảnh hưởng mạnh nhất. Người ta mong chờ vì nhiều thứ mà một trong những thứ vui đó là xem để biết thay vì ngẫm, nghĩ…
- Theo PGS, tại sao một số người nổi tiếng Việt Nam cũng "ăn theo" trào lưu hóa thân thành Võ Tắc Thiên này?
Ở một góc độ giản đơn, đó cũng là một cách xây dựng hình ảnh bản thân để người ta biết đến. Việc hóa thân thành nhân vật 'sốt xình xịch' là điều có thể thực hiện chứ? Như đã nói, điều này rất quan trọng đối với người nổi tiếng, những người đều có những người hâm mộ nhất định. Đây cũng có thể xem như là một vai diễn để khán giả nhớ đến họ. Bình thường hay không, có lẽ nên xem xét ở cách họ “hô biến” như thế nào, có quá đà không hay chỉ là hình ảnh mang lại tiếng cười vui vẻ cho “fan”, có phù hợp với mình hay không?
Hot girl Việt như Bảo Thy, Kelly Nguyen, Tâm Tít, Salim, Huyền Baby... cũng hào hứng tham gia.
Chỉ không bình thường khi có nhiều người so với bản gốc là hai đường thẳng song song thì rất khó để tìm điểm chung mà tạo nên sự thú vị mà thay vào đó là sự kinh dị, phũ phàng quá đáng. Hoặc đó là sự tương phản rất phản cảm hay đó là sự bắt chước thiếu nghĩ suy, cân nhắc, vừa thể hiện sự nghèo nàn về ý tưởng, vừa ngây ngô…
- Theo ông, liệu việc biến hóa thành người nổi tiếng có trở thành xu hướng và "tuổi thọ" của nó là bao lâu?
Chắc chắn không thể gọi là một xu hướng, chỉ khi nó là định hướng của nhiều người trong thời gian nhất định thì mới gọi là xu hướng chẳng hạn như một số bạn trẻ có xu hướng phát cuồng thần tượng. Còn ở đây chỉ là hóa trang theo một nhân vật đang nổi và nó sẽ chìm trong một thời gian ngắn cho nên có thể gọi là một trào lưu, là sự “ăn theo” của không ít bạn trẻ. Ngoài ra, ở đây vẫn còn có sự tranh cãi giữa đâu mới là nhân vật mà các bạn quan tâm: Võ Tắc Thiên hay Phạm Băng Băng?
Dù là ai đi chăng nữa thì cả hai liệu có đủ để tạo nên một giá trị mà mọi người hướng đến? Cơn sốt mang tính tương tác không thể tạo thành một trào lưu khi điểm tựa nó quá mỏng và cơ sở không có. Hơn nữa, những hiệu ứng tiếng vang nếu có chỉ là tạm bợ vì tính nhân văn hay sự độc đáo không đủ dày…
- Vậy theo PGS, tại sao các bạn trẻ mà đa phần là cư dân mạng chọn hình ảnh này để "hô biến"?
Đúng là đằng sau trò vui này, hay sự chơi nổi kia còn có nhiều vần đề mà không phải ai cũng nhìn ra do nó đang bị che đậy bởi sự hời hợt, sự phát triển chóng mặt của truyền thông đại chúng. Sự suy thoái các giá trị văn hóa đang ngày càng báo động hiện nay ảnh hưởng đến định hướng hành vi con người. Khi mà không ít người ca tụng, cổ xúy cho những điều tầm thường, nhỏ nhoi, vô bổ, vô ích và vô hình chung những điều ấy lại được nhiều người học theo. Đó là những game show, chương trình thực tế nhưng không thực tế và thiếu tính giáo dục, lại có nhiều cảnh dung tục, tranh cãi thiếu văn hóa, những bộ phim chạy theo mốt đồng tính, nam giả nữ…
Những “sản phẩm” được gắn vào như một tác phẩm chạy theo thị hiếu thị trường nhưng không phản ánh đúng hiện thực xã hội ngày nay lại dễ được tung hô. Sự dễ dãi của người xem không dừng lại ở đó mà xa hơn là sự lệch chuẩn xuất hiện có minh chứng trong văn hóa thưởng thức, trong sự tung hô hay bắt chước vô tư.
- Xét một cách sâu xa, theo PGS sự tác động đến xã hội sẽ diễn ra thế nào?
Sự ảnh hưởng sâu xa có liên quan đến việc định hướng giá trị văn hóa. Một trong những giá trị cực kỳ quan trọng, tạo nên diện mạo của một quốc gia và có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Cả thế giới đều ngưỡng mộ tính kỷ luật, sự đoàn kết và tinh thần dân tộc của người Nhật. Còn chúng ta cũng tự hào với những giá trị cần cù, siêng năng, anh dũng, kiên cường, nhận hậu, vị tha và giàu lòng nhân ái… từ ngàn đời xưa.
PSG.TS Huỳnh Văn Sơn
Nhưng liệu bây giờ các giá trị ấy còn được duy trì khi mà nhiều bạn lại ca ngợi một “nữ đế vương” công tội chưa rõ ràng của xứ người? Không chỉ có một hình ảnh Võ Tắc Thiên mà còn nhiều hình ảnh tương tự, những ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên khác cũng được ca tụng quá mức so với những giá trị mà họ đã làm. Nếu tình trạng này kéo dài thì suy thoái giá trị văn hóa ngày càng cao và sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường, chưa thể nhìn thấy trước mắt nhưng trong một tương lai không xa.
- PGS có lời nhắn nhủ gì với các bạn trẻ về vấn đề biến hình thành Võ Tắc Thiên?
Các bạn trẻ thường là những người hay rung động và yêu cái đẹp. Các bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một hình mẫu lý tưởng. Việc quan trọng là hãy suy xét một chút khi chọn “thần tượng” cho mình. Có điều chúng ta cần lưu ý những nhân vật giải trí có tần số xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều có thể là mối quan tâm nhưng cũng còn rất nhiều nghề khác cũng có rất nhiều nhân vật đóng góp cho xã hội. Cần có sự công bằng và cân bằng ở chính mình trong văn hóa thưởng thức, văn hóa giải trí hay văn hóa thần tượng hoặc văn hóa mạng…
Thay vì cứ copy hay bắt chước, hãy dùng tối đa khả năng chọn lọc của mình để học hỏi những điều tích cực, tốt đẹp từ những làn sóng văn hóa mới hiện nay. Một chút suy xét, một chút chọn lọc và một chút khả năng kiềm chế cảm xúc sẽ giúp các bạn nhìn nhận một cách khách quan, chọn lực cho mình được những giá trị phù hợp để có những mục tiêu phấn đấu cao đẹp và đầy tính nhân văn. Đừng quên rằng một hành động nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn nếu mỗi cá nhân thiếu sự cân nhắc, phán đoán và nghĩ suy.
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này.
Trước đó, ca sĩ Tuấn Hưng cũng bày tỏ bức xúc vì quá nhiều bạn trẻ biến thành Võ Tắc Thiên phiên bản... lỗi. Nam ca sĩ này viết: "... Một số bạn đã đi quá xa cái mức mà cá nhân tôi thấy là không chịu nổi. Tôi không thích và không muốn nhìn thấy cái cảnh tràn ngập hình ảnh các bạn dùng app Võ Tắc Thiên....Tôi xin phép được xóa facebook của bạn nào trong friends list của tôi nếu dùng cái app này".
|