Những thông tin về vụ việc hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ tàn nhẫn các trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã và đang tiếp tục gây ra phẫn nộ trong dư luận xã hội. Thực tế trong thời gian qua, có thể thấy, hầu hết các vụ việc "bảo mẫu ác thú" bị phát hiện, phanh phui lại chỉ xuất hiện tập trung ở các tỉnh miền Nam, trong khi các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung không có nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng thừa nhận về thực trạng đáng buồn khi các "bảo mẫu ác thú" xuất hiện tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam.
"Thực tế những vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ xảy ra tập trung ở các tỉnh phía Nam mà không phải ở phía Bắc hay Trung là một vấn đề mới đang đặt ra nhưng trong thời gian qua, chúng tôi đã có những nghiên cứu, đánh giá.
Trước hết, để giải thích lý do, như chúng ta đã thấy, tại các tỉnh, thành phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... là những địa phương có nền công nghiệp rất phát triển nên tạo ra nhiều cơ hội việc làm rất lớn. Từ đó, dẫn đến việc người lao động nghèo từ các địa phương miền Trung, kể cả miền Bắc di dân vào để kiếm sống.
Khi vào các tỉnh phía Nam, do không có chỗ ở cố định, phải đi thuê nhà nên không có hộ khẩu mà chỉ có chứng minh thư nhân dân và thu nhập lại thấp thì không thể có đủ điều kiện cho con vào các trường công lập.
Do vậy, các bậc phụ huynh phải tìm nơi gửi trẻ gần, với giá tiền rẻ, vừa sức... Từ đó, dẫn đến hình thành dịch vụ trông giữ trẻ và người làm dịch vụ đó thường có trình độ kém, ham lợi nhuận chứ không phải vì hoạt động giúp xã hội nên đã xảy ra các vụ việc hành hạ trẻ em vừa qua...", bà Hồng nói.
Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Cũng theo bà Hồng, một nguyên nhân khác cũng cần được nhắc tới đó là do sự xao nhãng, không quan tâm nhiều tới con của một số bố mẹ ở miền Nam.
"Khi tìm hiểu, chúng tôi cũng thấy rằng, ở các tỉnh miền Bắc ít xảy ra tình trạng hành hạ trẻ em là do nền mức sống, trình độ dân trí khá cao, họ hiểu được những vấn đề sai và không sai. Thêm vào đó, những bố mẹ, ông bà ở miền Bắc khi đi gửi con thường chú ý con hơn ở miền Nam.
Một ngày học về ở miền Bắc, dù họ là thu nhập thấp nhưng buổi tối họ cũng rất chú ý đến con em mình, nếu có thấy sự bất ổn gì là họ để ý ngay.
Còn nhiều trường hợp bố mẹ ở trong Nam do chú ý đến việc mưu sinh, kiếm sống hơn nên không chú ý đến con, có trường hợp do bận việc quá nên gửi con xong đón về thì cũng mặc cho con chơi, không quan tâm nhiều...
Đồng thời, cũng phải nói đến đó là, hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội và người dân trong việc phát hiện, báo lên chính quyền các vấn đề ở miền Bắc tốt hơn miền Nam nên cũng dẫn đến thực trạng các bảo mẫu hành hạ trẻ em trong Nam xảy ra nhiều mà không được kịp thời ngăn chặn...", bà Hồng chia sẻ.
Cũng liên quan đến vụ việc hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ tàn nhẫn các trẻ tại trường mẫu giáo tư thục Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM), bà Hồng cho rằng, đây là sự việc hết sức đáng lên án bởi những người gây ra đều có trình độ, học thức.
"Hành động của hai bảo mẫu này là rất dã man và càng nhẫn tâm hơn khi họ đều là những người có học thức, thậm chí, chủ cơ sở này còn có trình độ đại học về dạy trẻ em. Nhưng họ mở cơ sở này không phải bằng lòng yêu nghề, mến trẻ mà họ xuất phát từ mục đích thu lợi nhuận, kiếm tiền bằng mọi giá.
Họ chọn đối tượng kiếm tiền là những trẻ nhỏ vì các em chưa thể nói lên được những gì mà họ đã gây ra cho các em.
Hai bảo mẫu này vừa đánh đập các em nhỏ xong lại ăn diện, lại đưa những hình ảnh tỏ vẻ thân thiện với các cháu lên mạng xã hội, đó là sự không biết ăn năn, giả tạo, băng hoại, xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức con người.
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Hội chúng tôi cũng đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng của TPHCM cần xem xét, xử lý nghiêm trường hợp này để răn đe những đối tượng khác và có những biện pháp kịp thời, lâu dài nhằm giảm thiểu tình trạng bạo hành với trẻ em...", bà Hồng nhấn mạnh.