Doanh thu Parkson chững lại
Với mức đầu tư lên đến 10 triệu đô la Mỹ, Parkson Landmark do Công ty TNHH Parkson Việt Nam quản lý được xem là trung tâm mua sắm cao cấp và quy mô nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Nhưng sau 3 năm đi vào hoạt động, Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra.
Ngày 2/1/2015, Parkson đã đột ngột cho ngừng hoạt động trung tâm Parkson Landmark và yêu cầu các đơn vị kinh doanh chuyển hết đồ đạc ra khỏi trung tâm trong 2 ngày 3 - 4/1/2015.
Việc một trung tâm thương mại dừng hoạt động do thua lỗ là chuyện không mới, nhưng điều khiến các tiểu thương băn khoăn là việc dừng quá gấp gáp này, khiến nhiều người không kịp trở tay.
Bàn luận về việc Parkson lớn nhất ở Hà Nội đóng cửa, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội cho biết: “Đóng cửa đối với các trung tâm thương mại hay siêu thị lớn là chuyện bình thường.
Quan trọng là phải làm đúng luật pháp, giao dịch với các quầy hàng thuê chỗ phải tử tế, đừng đuổi người ta theo cách lộn xộn, không đúng hợp đồng”.
Theo ông Phú, thay vì đưa ra quyết định đóng cửa một cách gấp gáp và buộc các khách thuê chuyển đồ đạc đi gấp trong đêm, Công ty TNHH Parkson Hà Nội lẽ ra phải thông báo trước nhiều ngày, thậm chí là 1 tháng để họ chuẩn bị cho công tác di dời.
“Parkson phải làm cho từ tốn, có lộ trình, chứ tôi thấy, các khách thuê đi ra, người ta kêu lắm” – ông Phú nói.
Theo ông Phú, đóng cửa đối với các trung tâm thương mại hay siêu thị lớn là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là phải làm đúng luật pháp.
Từ năm 2008 đến nay, những con số trong báo cáo tài chính của Parkson đang xấu đi.
Việc tăng trưởng doanh thu của Parkson có dấu hiệu chững lại, lợi nhuận không tăng, thậm chí suy giảm nghiêm trọng trong 3 năm gần đây.
Trước đó, trong báo cáo thường niên năm tài chính gần nhất 2014 (1/7/2013 - 30/6/2014), Parkson ghi nhận, mức lợi nhuận ròng năm 2014 chỉ đạt 139 triệu Ringgit (khoảng 40 triệu USD) giảm đến 42% so với năm trước đó.
Tình hình tiếp tục tồi tệ khi số liệu mới nhất được Parkson cập nhật đầu tháng 11/2014, lợi nhuận trong quý đầu tiên của năm tài chính 2015 tiếp tục giảm đến 33%.
“Việc Parkson Keangnam đóng cửa vì thua lỗ sẽ ảnh hưởng lớn tới thương hiệu của Parkson.
Thua lỗ có thể đến từ 2 lý do: Bản thân các gian hàng kinh doanh kém dẫn tới thua lỗ hoặc giá mặt bằng cao hơn so với chi phí, lợi nhuận thu về dẫn tới thua lỗ” – ông Phú nhận định.
"Parkson ở Keangnam lỗ là đúng rồi!"
Bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 6/2005 tại T.p HCM. Parkson là TTTM nước ngoài lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Năm 2006, Parkson thứ hai có mặt tại Hải Phòng.
Năm 2008, Parkson bắt đầu khai trương TTTM đầu tiên tại Hà Nội. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm lại có thêm 1 trung tâm mới được khai trương tại Việt Nam (trừ năm 2014).
Sau hơn 9 năm kinh doanh tại Việt Nam, Parkson hiện có 9 trung tâm thương mại, trong đó 6 TTTM tại T.p HCM, 2 tại Hà Nội và 1 tại Hải Phòng, với hơn 300 nhãn hàng thuộc phân khúc cao cấp.
Giai đoạn 2005 - 2010, Parkson thu lợi nhuận từ thị trường Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, từ năm 2011, doanh thu của Parkson tăng trưởng chậm lại.
Thông báo về việc Parkson sẽ tạm dừng để kiểm kê hàng hóa đến hết 7/11/2015.
Theo phân tích của tờ CafeBiz, điều này rất dễ hiểu. Vì trong giai đoạn 2005 - 2010, chỉ có một vài trung tâm bán lẻ cao cấp như Diamond, Vincom B tại T.p HCM, và Vincom Tower ở Hà Nội.
Thêm vào đó, Parkson chỉ có một số TTTM ở khu vực CBD (Central Business District - Quận trung tâm) như Parkson Saigon, Parkson Hùng Vương.
Những địa điểm này kinh doanh hàng hiệu có sẵn "đất diễn", do thu nhập dân cư khu vực này cao hơn các khu vực khác, và tập trung nhiều người giàu hơn - đối tượng khách hàng mục tiêu của Parkson.
Từ năm 2011, việc mở rộng ra các khu vực Non – CBD (không phải khu vực trung tâm), cộng với tình hình kinh tế đi xuống, đã khiến doanh thu của Parkson tăng trưởng chậm lại.
Lúc này, nhà bán lẻ đến từ Malaysia vừa phải gánh chi phí để duy trì, vừa phải lo chi phí mở thêm các trung tâm thương mại mới.
Phần chi phí này sẽ càng ngày càng "ăn" vào doanh thu, khiến lợi nhuận ngày càng giảm sâu.
“Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đồ đắt sẽ không tìm được thị trường.
Dân Việt Nam đang tiết kiệm, hơn nữa, chi phí mặt bằng đắt, nên việc Parkson ở Keangnam lỗ là đúng rồi!” – chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong chia sẻ với chúng tôi.
Theo ông Phong, các trung tâm thương mại khác muốn tránh rơi vào tình trạng thê thảm như Parkson, không bị lỗ, buộc phải giảm chi phí hoặc bán hàng vừa với túi tiền của người dân hơn.
Trước Parkson Keangnam, nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như Grand Plaza, Trung tâm thương mại Hàng Da,… đã nhanh chóng phải đóng cửa, tái cơ cấu hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động do ế khách.
Trung tâm thương mại Mipec Mall cũng vừa tái cơ cấu lần 2, khi cho nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của trung tâm thương mại Mipec Mall (Pico Mall trước đây).
Cũng là một trung tâm thương mại lớn, với diện tích lên đến 30.000 m2, trung tâm thương mại Picomall có nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm mua sắm, giải trí bậc nhất tại Hà Nội.
Nhưng sau gần 1 năm khai trương, Picomall còn không ít gian hàng trống. Nguy cơ “vỡ trận” đã diễn ra ở hàng loạt các trung tâm thương mại. Thảm cảnh đóng cửa của Parkson dường như đã được tiên đoán trước!
Trước đó, trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội do ông Tiang Chee Sung - Tổng Giám đốc ký đã thừa nhận: kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.
Các quầy hàng của đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay.
Công ty TNHH Parkson Hà Nội "rất tiếc” khi phải thông báo ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức, kể từ ngày 02 tháng 01 năm 2015.
Với thông báo này, khoảng 200 gian hàng tại 6 tầng tại tòa nhà Keangnam đã phải phải dọn hết đồ đạc và đóng cửa gấp rút trong 2 ngày 3 - 4/1/2015.
Một số chuyên gia marketing cho rằng: Ngoài lý do thua lỗ trong kinh doanh, việc đóng cửa một cách đột ngột như vậy có thể vì một lý do nào đó rất đặc biệt.
Chuyên gia marketing Đỗ Anh Tú nhận xét: ngoài việc bị ảnh hưởng về thương hiệu, với quyết định dừng ngay lập tức như vậy, Parkson còn có thể bị xem xét đến vấn đề pháp lý.
"Quyết định của Parkson đã gây tổn hại đến thương hiệu nghiêm trọng. Nhưng ngoài ra, về thủ tục pháp lý dựa trên hợp đồng, nếu có vi phạm thì Parkson còn có thể bị kiện và đền bù vì những tổn thất gây ra đối với các khách hàng, nhà đầu tư của mình.
Tuy nhiên, việc bắt buộc phải làm điều này, theo tôi dường như phải có một lý do gì đó rất đặc biệt"- ông Tú chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với Vietnam+ sáng 4/1, ông Nguyễn Thế Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Nam Từ Liêm cho hay, thông tin ban đầu, do việc giải quyết hợp đồng giữa Kengnam (chủ tòa nhà) và Parkson (đơn vị thuê lại để kinh doanh) còn chưa thống nhất.
Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh tại một số cửa hàng thuê lại của Parkson tạm thời bị gián đoạn.
Ông Cường cho biết thêm, một số chủ cửa hàng thuê lại của Parkson cũng không đồng ý với cách thức giải quyết của đơn vị cho thuê (Parkson), trong khi phía cho thuê lại bắt phải thanh toán xong hợp đồng mới được rút hàng, từ đó đã nảy sinh một số vấn đề về tài sản.
"Đây là tranh chấp dân sự nảy sinh ba bên; tuy nhiên, không có khiếu kiện và tụ tập đông người," ông Cường cho hay.