Chuyện gì xảy ra nếu thu xe máy cũ?

Câu hỏi lớn là đại bộ phận dân nghèo dùng xe cũ khi giao nộp (hoặc bị thu hồi) thì họ lấy gì làm kế sinh nhai?

Những ngày này, người dân tại TP. HCM, nhất là dân nghèo đang bàn luận về việc UBND TP giao ngành công an chủ trì phối hợp với một số ban, ngành xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy. Sau đó, thông tin từ Bộ GTVT cho biết cũng đã tính toán đến chuyện hạn chế xe gắn máy quá date. Có nghĩa là nếu TP. HCM áp dụng thành công quy định này thì sau đó bộ sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước.

Nhiều người cho rằng triển khai quy định này là đúng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Bản thân tôi cũng cho là đúng, bởi vì cái gì cũng có niên hạn sử dụng của nó, không nên lạm dụng và khai thác quá mức. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để phân biệt được xe cũ nhưng vẫn còn “ngon” và xe cũ quá date, gây ô nhiễm môi trường? Và câu hỏi lớn hơn nữa là đại bộ phận dân nghèo dùng xe cũ khi giao nộp (hoặc bị thu hồi) thì họ lấy gì làm kế sinh nhai?

Nếu câu hỏi thứ nhất có thể trả lời bằng những bằng chứng khoa học, bằng các cuộc tổng kiểm tra… thì câu hỏi thứ hai quả là hóc búa. Trên các diễn đàn, có người cho rằng khi đưa ra một chính sách thì sẽ có một bộ phận chịu ảnh hưởng xấu và buộc phải chấp nhận vì lợi ích chung. Nói như thế cũng chưa thấu tình đạt lý. Nếu như xây một cây cầu, trong 100 hộ bị giải tỏa có 5 – 10 hộ không chịu di dời thì có thể cưỡng chế vì lợi ích chung. Nhưng với chính sách hạn chế lưu hành xe gắn máy quá hạn thì sức ảnh hưởng của nó quá lớn, đến hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nghèo. Với con số đó không thể nói đơn giản là “vì lợi ích chung buộc phải chấp nhận”.  

Một lãnh đạo của Bộ GTVT cho biết nước ta hiện nay có hơn 34 triệu xe máy. Nhiều gia đình nghèo sử dụng xe cũ làm phương tiện đi lại, làm ăn nên cần phải tính toán phù hợp. Việc quy định niên hạn sử dụng với xe máy cần phải làm nhưng phải nghiên cứu để đánh giá trước khi có những đề xuất cụ thể. Đó chính là gợi mở cho câu trả lời của vấn đề trên. Nhất thiết phải có kế hoạch cụ thể như giúp người dân chuyển đổi xe mới (chất lượng) bằng cách hỗ trợ tiền trực tiếp, cho vay dài hạn hoặc bán trả góp với lãi suất bằng không. Phối hợp với các hãng xe kiểm tra các xe cũ để xem còn xài được không không phải xe cũ nào cũng gây ô nhiễm môi trường.

Trên đời này không ai muốn xài đồ cũ, hàng quá date, cho nên muốn luật (dù đúng đắn), nhất là những quy định “đánh” mạnh vào túi tiền của người dân, nhanh chóng đi vào đời sống thì phải có những chính sách đi kèm hợp tình, hợp lý, mang tính “khoan sức dân”.