V-League: Khó kiếm, nhưng vẫn phải chờ
Khó khăn về kinh phí, nhưng nhiều đội bóng buộc phải dốc túi để chuẩn bị cho việc bổ sung lực lượng. Lo nhất là Hải Phòng và Đồng Tháp, 2 đội đang ở khu vực cuối bảng và đã ngấm ngầm kiểm tra cầu thủ trong thời gian qua. Ở Hải Phòng, đây là thời điểm mang tính quyết định cho HLV Lê Thụy Hải bởi đây là cơ hội để cho ông thay đổi lực lượng theo ý của mình.
Khổ nỗi, lực lượng Hải Phòng lúc này không thể làm mới chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà chỉ có thể thay đổi ngoại binh cùng những bổ sung cần thiết nơi dàn cầu thủ trong nước. Trung vệ Anh Tuấn là gương mặt đầu tiên gia nhập Hải Phòng.
HLV Lê Thụy Hải đau đầu với bài toán thay máu lực lượng ở V.Hải Phòng, chuẩn bị cho giai đoạn quyết định. (Ảnh Minh Hoàng)
Tại Đồng Tháp, Chủ tịch CLB Lê Ngọc Chức cho biết đã thử việc cả chục ngoại binh trong 2 tuần qua, đến nay chỉ còn khoảng 5 cầu thủ nhưng vẫn chưa dám “chấp bút” bởi trình độ của các cầu thủ này không tốt hơn so với các cầu thủ cũ. CS.Đồng Tháp đang tính chuyện thay 1 trung vệ và 1 tiền đạo, nhưng còn chờ sau vòng14 rồi mới tính.
Navibank SG và B.Bình Dương cũng đang trong giai đoạn chờ bổ sung ngoại binh cho giai đoạn 2. Điểm chung của 2 đội này là cần tạo thêm sự mạnh mẽ ở hàng tấn công bởi ở đội bóng Sài thành, chỉ Fonseca là “biết” ghi bàn; trong khi tại đất Thủ, khả năng ở lại của Fortune vẫn còn lấp lửng vì ngoài bàn thắng trong trận gặp Thanh Hóa hồi đầu mùa, cầu thủ người Nigeria này đã tịt ngòi đến nay.
Sau khi cân đối lực lượng, chuyển 6 cầu thủ xuống đội TDC.BD cũng như cho Thanh Hóa mượn Việt Thắng, Bình Dương chỉ còn 21 cầu thủ, họ vẫn đang chờ sức bật từ hàng tấn công, cụ thể là tay săn bàn nước ngoài. Bên cạnh đó, chấn thương của Vũ Phong đang hồi phục tốt và hy vọng sẽ sớm quay trở lại.
Sài Gòn FC cũng đang tính toán chuyện của Nsi và với tầm quan hệ của mình, GĐĐH Tiến Đại đủ sức để tìm nhân tố mới thay thế nếu cần thiết. Nhưng ở đội bóng này đang có 2 vấn đề khác phải làm trong lúc này là vị trí HLV trưởng cùng với lực lượng dự bị vốn khá chênh về đẳng cấp, nhất là ở khu trung tuyến và hàng phòng ngự.
“Thừa và thiếu”, đó là những gì đang có ở Sài Gòn FC, thế nên không lạ gì khi có thông tin họ sẵn sàng chuyển nhượng Nsi hay mới đây có tin Hải Phòng muốn mượn Nguyễn Rogerio…
Trong khi đó, ở nhiều đội bóng khác như HA.GL (Olushola), Kiên Giang (Gionani, Rudolph), Khánh Hòa (Adewale)… cơ bản đã có những bổ sung
Hạng nhất: "Phiên chợ chiều" ở thời khủng hoảng
Mức đầu tư của các đội bóng vốn đã thấp so với các năm trước, nên mùa này có quá nhiều đội đưa “kèo đôi” theo kiểu thăng hạng cũng được, không cũng chẳng sao, miễn là đừng có rớt hạng.
Như trường hợp ở TDC Bình Dương, không tốn chi phí khi chỉ cần lấy 6 cầu thủ từ đội chuyên nghiệp xuống; Hà Nội cũng vừa nhận Lê Văn Lâm từ HN T&T; Trẻ Đà Nẵng cũng nhận 4 cầu thủ từ đội 1. Nhiều nhất phải nói đến CLB TPHCM với 7 cầu thủ nhưng có đến 6 vốn là cầu thủ trẻ, còn lại là thủ môn Obren vốn bị chậm về thủ tục ở đầu mùa.
Tây Ninh và ĐT.LA cũng thay đổi và bổ sung đến 5-6 cầu thủ và khá tốn kém ở lực lượng ngoại binh. Cả hai đội này cần thay đổi mạnh về lực lượng bởi mục tiêu rất quan trọng: kẻ muốn trụ hạng, người phải trở lại V-League.
Nhìn chung, do khó khăn về kinh phí và áp lực không quá nặng gánh là phải lên hạng nên số đông chỉ thay đổi vài vị trí cần thiết. Các HLV tại hạng Nhất thường quan tâm đến nguồn từ các đội V-League thải ra, bởi nếu phù hợp thì chỉ cần thanh toán tiền lương ở giai đoạn 2.
“Ngán nhất là ITC và sự may rủi” Nhiều HLV đã tỏ ra thận trọng bởi việc tìm kiếm ngoại binh ở giai đoạn này xác suất thành công rất thấp vì không có nhiều thời gian kiểm tra. Mặt khác, thủ tục hoàn tất giấy chuyển nhượng quốc tế (ITC) cũng mất nhiều thời gian. Thế nên, ưu tiên hàng đầu của các đội vẫn là cầu thủ cũ bởi đã biết năng lực của họ cũng như thủ tục nhanh chóng hơn như các trường hợp của Adewale ở Khánh Hòa vốn đã chơi ở Ninh Bình; Hernandez ở Đà Nẵng hay Olushola ở HA.GL. Ngày 26-4 là hạn chót để đăng ký bổ sung ngoại binh cho giai đoạn 2. |