Đó là hoàn cảnh của bà Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Chất độc da cam đã khiến gia đình bà mãi luẩn quẩn trong vòng đời chết chóc.
Khi chúng tôi tìm đến nhà bà Nức thì chỉ có cô con gái út ở nhà. Miệng ú ớ, cô nắm tay khách lắc qua lắc lại, nụ cười méo xệch, ngô nghê, vô hồn. Chờ hơn 2 tiếng đồng hồ, ông Đỗ Đức Địu, chồng bà Nức, mới đi làm về. Sau khi nghỉ hưu, ông Địu được chính quyền cử làm chủ tịch Hội chất độc da cam của xã.
Bên tách trà nóng hổi, đôi mắt ngấn lệ, ông kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đời mình. Vợ chồng ông sinh được 15 người con thì đến 12 đứa phải nằm lại cồn cát sau nhà. Ba cô con gái may mắn sống sót thì cô cả giờ đã lấy chồng sinh con. Cô thứ hai tên Hằng phải gửi ra làng trẻ Hữu Nghị ở Hà Nội nuôi dưỡng vì bệnh nặng. Cô út tên Nga bị bệnh nhẹ nên được ở nhà bố mẹ chăm sóc.
Phát điên vì phải liên tục chôn con
Nga năm nay 18 tuổi, lúc sinh ra không biết khóc, đến tháng thứ 8 thì bại liệt, tứ chi bất động, phải nằm một chỗ. Cuộc sống của em chỉ bấu víu quanh chiếc giường cũ kỹ, hôi hám. Nhìn Nga chập chững đi lại, ông Địu khoe: “Mới biết đi, biết nói gần tháng nay thôi. 18 năm nằm một chỗ la hét, giờ cháu được như thế vợ chồng tôi cũng sung sướng lắm rồi”. Nỗi đau mất con in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông với những nếp nhăn chằng chịt. Sức khỏe 2 vợ chồng ông cũng vì thế mà kiệt quệ, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua.
Năm 1972, vừa tròn 20 tuổi, ông Địu đi theo tiếng gọi của cách mạng. Quân đoàn của ông chiến đấu chủ yếu là ở vùng rừng núi huyện A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ba năm sau, trong lần về nghỉ phép, ông đem lòng yêu thương cô TNXP Phạm Thị Nức, người cùng thôn. Lúc ấy, cô Nức cũng từ mặt trận về nghỉ phép.
Năm 1975, đám cưới của ông bà diễn ra đơn giản trong sự chia vui của gia đình và đồng đội. Hết hạn phép, ông Địu phải quay lại chiến trường. Sau giải phóng, ông được điều về công tác ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhận được tin vợ có thai, ông vui mừng khôn xiết. Nhưng đau đớn thay, đứa con trai đầu mới được 3 tháng thì bị vàng da, đầu to một cách dị thường rồi chết.
Những lần thăm mộ các con, ông Địu lại rơi nước mắt
Năm 1981, bà Nức lại sinh được một bé gái, đặt tên là Đỗ Thị Bình. Ông Địu mừng như bắt được vàng khi thấy con lớn lên khỏe mạnh, bụ bẫm. Niềm hy vọng có thêm những đứa con cứ lớn dần. Năm 1983, một bé trai kháu khỉnh chào đời. Oái oăm thay, bé chỉ biết nằm một chỗ, da vàng, đầu phình ra rồi chết khi tròn 2 tuổi. Lần “vượt cạn” thứ 4, bà Nức sinh đôi 2 bé gái.
Nhưng rồi, một bé mất chỉ sau 2 ngày sinh, bé còn lại 6 tháng sau cũng ra đi. Bà nhớ mãi năm ấy là năm 1985, hết đứa này đến đứa kia chết. Bà đổ điên, la hét, chạy long nhong ngoài đường. Ông Địu phải cắt phép về chăm sóc vợ suốt 3 tháng trời. Sức khỏe dần hồi phục, vì mong mỏi có con trai nối dõi, bà mang thai lần thứ 5. Rồi bà tuyệt vọng đến rã rời chân tay khi cái thai bị hỏng ở tháng thứ 6. Mỗi lần chồng về phép, bà lại khóc nấc lên nói: “Anh hãy đi tìm người vợ khác đi, kiếm đứa con mà nối dõi, chứ em có lỗi nhiều lắm”.
Chết đi sống lại
Có người chồng thương yêu vợ con hết mực cũng khiến bà Nức được an ủi phần nào. Bà vẫn muốn có đứa con trai như ước nguyện của chồng. Lần vượt cạn thứ 6, sức khỏe quá yếu, bà phải mổ để lấy con ra. Hai bé gái ra đời được tuần chẵn rồi cũng về với đất.
Lần mổ ấy, máu ra nhiều, bác sĩ lắc đầu nói bà khó qua khỏi. Họ hàng chuẩn bị ván đóng quan tài, mua đồ lễ, dựng rạp để tiễn bà theo con. Kỳ diệu thay, bà hồi sinh trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Sau lần suýt chết đó, phải mất 5 tháng bà mới hồi phục sức khỏe.
Năm 1988, bà sinh được một bé gái bụ bẫm, không có biểu hiện bệnh tật gì, đặt tên là Đỗ Thị Hằng. Hằng phát triển bình thường, nhưng đến 6 tuổi thì đổ bệnh, lên cơn co giật và bại liệt hẳn. Liên tiếp sau đó, những đứa con cứ lần lượt ra đời nhưng không sống được bao lâu. Năm 1994, gắng gượng mãi, bà sinh thêm được một bé gái tên là Nga. Trớ trêu thay, cô bé có thân hình co quắp, bại liệt và thiểu năng ngay từ lúc lọt lòng.
Năm 1995, ông Địu quỵ ngã khi biết tin mình nhiễm chất độc quái ác còn vợ hoàn toàn bình thường. Biết rõ nguyên nhân do mình, ông thương vợ hơn bao giờ hết. Bao nhiêu năm nay vì gắng gượng sinh nở, bà Nức suýt chết mấy lần. Dù vẫn mong ước có một đứa con trai nhưng ông Địu đành ngậm ngùi chấp nhận số phận. Năm 1997, ông làm đơn xin nghỉ hưu sớm khi đang mang hàm thiếu tá để về đỡ đần vợ, chăm sóc các con.
Chia tay gia đình ông bà Nức khi chiều dần buông. Có lẽ niềm an ủi lớn nhất của đôi vợ chồng bất hạnh lúc này là cô con gái lớn Đỗ Thị Bình đã lấy chồng và sinh được 2 đứa con kháu khỉnh. Hy vọng sau bao biến cố của cuộc đời, mái ấm của ông bà sẽ được vui vẻ, ấm áp phần nào với những người con may mắn còn sống sót.
12 nấm mồ không tên 12 nấm mồ những đứa con không may mắn của bà Nức chỉ là những ụ đất nhỏ. Năm 2007, được bạn bè giúp đỡ, ông bà xây những nấm mồ này thành cái lăng nhỏ cho đỡ bị cát vùi. Vì có đứa mới sinh ra 2 - 3 ngày đã chết nên các nấm mồ không có tên mà chỉ gắn số thứ tự từ 1 - 12. Mỗi lần thắp nhang cho các con, ký ức ùa về, lòng quặn thắt, bà Nức lại òa khóc nức nở. Mỗi năm, dù có khó khăn đến mấy, 2 vợ chồng bà đều làm 12 mâm cơm với hương hoa, áo vải đốt cho con, mong các con được đầy đủ dưới suối vàng. Dằn vặt vì không sinh được con trai cho chồng Bà Nức luôn ân hận, dằn vặt vì không sinh được con trai cho chồng. Ở thôn quê thời ấy, không có con trai bị coi là tội bất hiếu, chết không ai hương khói, thờ tự, dòng dõi tuyệt tự, tuyệt tôn. Trong khi ông Địu luôn động viên vợ: “Không giữ được đứa này thì có đứa khác, cố kiếm một thằng con trai rồi nghỉ”. |