Chuyện của Công Phượng hay cách ứng xử thiếu nhân văn với tài năng trẻ

Để tránh áp lực, Công Phượng được o bế kỹ càng cũng là điều bình thường. Nhưng gần đây sự soi mói về việc đưa ra nghi án gian lận tuổi của cầu thủ trẻ lại là bất thường.

Công Phương chỉ được nghỉ 10 ngày về quê sau tháng ngày triền miên bôn ba với trái bóng. Gọi là nghỉ, nhưng Phượng vẫn ra đồng, vẫn dắt trâu đi cày, vẫn gánh vác việc nhà cùng cha mẹ. Xã Phượng ở là vùng nghèo nhất Đô Lương, mà Đô Lương lại thuộc diện nghèo nhất của xứ Nghệ. Tại đó, người dân hình như chưa có khái niệm nghỉ ngơi bao giờ và chắc chắn, họ cũng chưa biết “chống bão dư luận” như thế nào khi tự dưng mảnh đất ấy sinh ra một tài năng được cả nước ngưỡng mộ.

Cái nghèo khó của gia đình Phượng cộng thêm sự hạn chế của chính quyền địa phương vô tình tạo ra khe hở “chết người” về giấy tờ. Điều đáng bàn là cái khe hở ấy lại được chụp chiếu vội vàng và đưa ra công luận, thậm chí, lên cả truyền hình quốc gia.

Phượng vốn đã nổi tiếng, nay bỗng dưng lại được săn lùng ráo riết trong cả ngày nghỉ phép. Người ta cho rằng, cậu thanh niên có lối đi bóng quyễn rũ, nét hào hoa sân cỏ hiếm có ấy có thể đã 21 tuổi và ở cái tuổi “đầu hai”, Phượng mặc nhiên phải hay hơn các cầu thủ khác.

Tờ báo đưa sai sót về giấy tờ của Phượng ra ánh sáng như nhằm khẳng điịnh ngầm rằng, người ta đã gian lận rất rõ ràng: Hòng đổi mới nhờ bóng đá! Khúc mắc về giấy tờ của Phượng suy cho cùng được dàn xếp bởi mục đích truyền thông. Nhưng điều tệ hại là nó đã đẩy một lượng CĐV từ yêu mến sang đề phòng với Công Phượng. Tất cả đều canh cánh trong lòng một câu hỏi duy nhất: Đâu là sự thật?

Cái dở của công chúng là sau thông tin một chiều được đưa ra, dự bán tín bán nghi xuất hiện ngay lập tức. Không ít người chép miệng cảm thán về hai chữ NIỀM TIN. Vì với họ, cầu thủ Học viện HAGL vốn rất đẹp, đẹp nhất trong số các đội bóng trẻ của Việt Nan từ trước đến nay, giờ có chuyện gian dối thì họ còn biết tin vào đâu?

Có thể, nhiều người “rất quen” với hình ảnh một Phan Thanh Bình (giấy tờ ghi sinh 1986) đến 4 kỳ SEA Game (2003, 2005, 2007 và 2009) từ tuổi 27 nhưng lại xuống dốc không phanh ở tuổi 25 và bây giờ ở tuổi 28 thì sắp giải nghệ vì có dấu hiệu “già nua”?! Đấy là chưa kể trường hợp cầu thủ Phan Thiều Quang của Nhi đồng Khánh Hoà lấy tên là Lê Minh Hoàng – tên thằng em bên hàng xóm “trẻ hơn nhiều” và mang danh thần đồng trong suốt thời gian dài, nhưng về sau không lớn nổi vì đã … phát triển “kịch trần” từ lâu rồi! Cho nên, chuyện của Phượng lại khiến người ta so sánh, liên tưởng tới các sự cố quá khứ, và dư luận phần nào dấy lên nghi ngờ cũng chẳng có gì lạ.

Ở chiều ngược lại, những người yêu mến Công Phượng cũng phản ứng tiêu cực chẳng kém. Người ta thành lập cả hiệp hội phản đối bài báo, bênh vực thần tượng của mình như thiêu thân nhưng cũng… chưa đưa ra được nhiều chứng cứ xác thực nặng ký.

Chuyện của Phượng đột nhiên trở thành vấn đề của cả xã hội. Có lẽ, ngay cả những người chủ động (và đầu tiên) tìm ra khe hở về “lỗi” giấy tờ của tiền đạo xứ Nghệ cũng không ngờ nó lại lan toả nhanh đến thế. Một doanh nhân cỡ bầu Đức bận trăm công nghìn việc cũng đã phải lên tiếng tức thì. Ông Chỉ tịch VFF thì nhanh nhẹn thành lập đoàn thanh tra “đi tìm tuổi Phượng”.

Công Phượng vẫn là tài năng hiếm có của bóng đá Việt Nam

Quê cầu thủ này thì khỏi nói, từ ông chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Sơn, đến những công an viên, cán bộ hộ tịch và cả gia đình họ mạc Công Phượng đều sốt sắng thanh minh. Họ trình ra một đống giấy tờ liên quan để chứng minh thành viên ưu tú của xã, đứa con trai tự hào của gia đình đúng là mới 19 tuổi.

Nhìn khuôn mặt khắc khổ của bà Hoa (mẹ Phượng), hai hốc mắt đỏ gay của ông Chủ tịch UBND Đặng Văn Tú mới thấy rõ, họ cũng… khổ như Phượng. Cũng bị đày đoạ, bị làm phiền, bị quy “có lỗi” trong khe hở giấy tờ mà người ta thường gọi là “tình ngay lý gian” rất khó lý giải.

Công Phượng nói riêng, các cầu thủ Học viên HAGL JMG nói chung được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp nhất. Nhưng họ và những người nuôi dưỡng họ (bầu Đức và HALG) không được đào tạo để chống scandal hoặc đối đầu với thị phi. Những gì ập đến đều khiến họ bất ngờ và tất cả phản ứng sau đó đều là bản năng.

Hơn nữa, Công Phượng chưa được “tôi luyện thành tinh” trong giới showbiz như đàn anh Công Vinh nên khi việc đến, giải pháp hay nhất mà cầu thủ này có thể làm chỉ là im lặng và chịu đựng.

Chuyện của Phượng – xét trên góc độ ứng xử xã hội – là sự vội vàng đáng tiếc của rất nhiều phía, đặc biệt là từ tờ báo đăng nghi án. Trộm nghĩ, nếu hốc sự chuẩn bị thấu đáo hơn, chặt chẽ hơn, nhân văn hơn thì mọi chuyện sẽ không ồn ào và gây ra những tổn hại như bây giờ. Vì dù gì, Phượng cũng chỉ là một thanh niên mới lớn, một tài năng chớm nở. “Cú đấm” mạnh và hiểm như thế rất có thể hạ gục tương lại một đời người…

Năm 2011, cả nước Mỹ chấn động vì nghi án sử dụng doping của cua – rơ nổi tiếng Lance Amstrong. Những người yêu tiếng anh này không muốn nghi án là sự thật, vì với bản thân họ, một tài năng xuất chúng, giàu ý chí, từng chiến thắng bệnh ung thư tinh hoàn để trở lại “ngựa sắt” đã trở thành tấm gương trong suốt nhiều năm. Hình tượng như thế bây giờ mà “chết” thì không thể.

Nhưng những người cầm bút của nước Mỹ vẫn quyết đi tìm sự thật đến cùng. Họ không ghét bỏ gì Amstrong, không thù hằn hay ghen tỵ. Họ chỉ làm đúng chức năng: Nói lên sự thật!

Sau này, trước những chứng cứ không thể phủ nhận, người hùng Amstrong đã cúi đầu thừa nhận mình sử dụng doping. Báo chí Mỹ đã làm việc lớn lao nhất cho xã hội nói chung, thể thao nói riêng. Họ đã miệt mài, lặn lội đi tìm chân lý trong rất nhiều năm để chứng minh mối hoài nghi trước khi cảm thấy đủ để buộc tội. Lance Amstrong có tài, đoạt nhiều danh hiệu, là tượng đài trong lòng người hâm mộ, nhưng thứ lớn hơn tất thảy các danh hiệu ấy phải là sự trung thực! Cú áp – phe ấy, Amstrong không mất hết, nhưng mất phần lớn những gì cao quý nhất, trong đó có danh dự.

Đối với nghi án Công Phượng cũng vậy. Tuy nhiên, những người tự cho mình là “đi tìm chân lý” phải tìm được chứng cứ thuyết phục, lập luận sắc bén và phải cực kỳ thận trọng khi công bố. Điều họ làm có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đến cá nhân một con người và gia đình của anh ta. Thế nên, làm ẩu, làm không đến nơi, đi không đến tận cùng của sự việc cũng là một cái tội.

Nếu nghi án trở thành sự thật thì chẳng có gì để nói. Nhưng nếu Công Phượng bị oan, anh sẽ được gì ngoài sự chai lì và sức chịu đựng thị phi đã “được” “tôi luyện” trong quá trình nghi án chưa được làm rõ? Một lời xin lỗi từ bản thân, một khoản đền bù đúng với tổn hại phải chịu? Xem chừng, Phượng chỉ được hưởng vế thứ nhất vì vế thứ hai chưa bao giờ có tiền lệ ở Việt Nam!.