Chuyện chưa nói về U19 Việt Nam

270 phút trình diễn tại Giải U19 quốc tế - Cúp NutiFood 2014 của đội U19 Việt Nam đã làm bùng nổ sự quan tâm dành cho những niềm hy vọng mới của bóng đá nước nhà.

Tuy nhiên, khi đánh giá tập thể này, vẫn còn không ít ngộ nhận, chủ yếu vì thông tin chưa đầy đủ về cách thức một đội tuyển trẻ cấp quốc gia lần đầu tiên được thành lập mà nòng cốt từ lò đào tạo nước ngoài.

Chẳng hạn, U19 Việt Nam chơi chưa chững chạc về chiến thuật? Đương nhiên, vì lộ trình đào tạo của Học viện Arsenal-HAGL JMG chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn ráp đội hình, tập chiến thuật. Rồi U19 Việt Nam tỏ ra non nớt vì thiếu kinh nghiệm cọ xát? Chắc chắn, do các thành viên “lò” này phải tuân thủ quy trình huấn luyện kín của họ, trong khi U19 Nhật Bản có 4 cầu thủ đang chơi tại J-League 1, 2; còn U19 AS Roma và U19 Tottenham hằng tuần đều chơi ở giải trẻ cấp CLB, thậm chí nhiều lúc bổ sung lên đội hình chuyên nghiệp.

Ngay cả việc U19 Việt Nam phạm nhiều sai lầm trong phòng thủ cũng không phải ngẫu nhiên vì giáo trình đào tạo của Arsenal luôn nghiêng về tấn công, thậm chí các hậu vệ biên cũng thường xuyên được tập luyện, chỉ đạo cầm bóng phối hợp, hướng lên phía trước. Có phê phán họ cũng thế thôi khi một lò đào tạo phải luôn hướng đến mục tiêu kinh tế: Giá một tiền đạo tốt gấp đến 4-5 lần một hậu vệ! Cuối cùng, đừng quên trong đội hình U19 Việt Nam, đa số các cầu thủ của lò HAGL Arsenal JMG đều ở lứa tuổi 17-18 (như Văn Sơn bước vào giải khi mới bước qua tuổi 18, Thanh Hậu thậm chí ở tuổi 17)!

Tổng hợp lại, bản chất việc thành lập đội U19 Việt Nam chủ yếu từ lứa đầu của Học viện Arsenal-HAGL JMG là “dú ép” các em chín sớm! Do đó, những sai lầm đội mắc phải cũng là hiển nhiên, phù hợp quy trình đào tạo. Nếu chưa được cọ xát, chưa được chuẩn bị chuyên sâu về chiến thuật mà lại chơi chững chạc trước những đối thủ “chuyên nghiệp” thì đó thực sự là bất thường!

Thật ra, vấn đề nêu trên không xa lạ với người làm chuyên môn. Khi quyết định thành lập đội tuyển U19 theo cách thức này, họ đã biết trước tình huống và do đó cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm trong làn sóng chỉ trích. Tuy nhiên, công bằng mà đánh giá, hành động “ép” chín sớm lứa Arsenal-HAGL JMG có thể được xem là thành công bằng hiệu quả tích cực: đội U19 Việt Nam mang đến cho bóng đá nước nhà niềm hy vọng giành vé đi VCK U19 thế giới.

Nhưng vẫn còn một vấn đề: Liệu các nhà quản lý bóng đá nước nhà có làm được tốt hơn thay vì chỉ nhắm mắt dựa trên học viên chỉ một lò đào tạo, dù rất nổi tiếng, vẫn không tuyệt đối phù hợp với mục tiêu thi đấu của một đội tuyển cấp quốc gia? Nói cách khác, bóng đá Việt Nam chẳng lẽ chỉ có bầu Đức làm được một lò đào tạo để rồi cả đội tuyển chỉ dựa chủ yếu trên cố gắng cá nhân? Hãy đừng nói bóng đá Việt Nam thiếu tâm và thiếu tiền: Tổng hợp số tiền các doanh nghiệp đã ném vào V-League từ ngày đầu, chúng ta đủ sức làm thêm vài “lò” kiểu Arsenal-HAGL JMG.

Giờ đây, các nhà quản lý đang tập trung tối đa hoàn thiện đội tuyển U19, một phần cũng để thỏa mãn dư luận. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến đội U19 như kiểu VFF đang làm, xem ra đó cũng chỉ là kiểu luyện gà nòi đáp ứng bệnh thành tích!