Huyền bí những bộ quan tài như bao tải
Đã trôi qua ký ức của mình mấy chục năm nhưng khi được khơi lại chuyện, ông năm Hưng đã bước sang tuổi 85, một trong những người thông tỏ nhiều kỳ bí ở Mã Đà vẫn hồ hởi kể chuyện như tất cả chỉ mới xảy ra hôm qua. Ông Hưng bảo: “Tôi sắm sẵn cho mình một bộ quan tài được đan bằng cây rừng rồi. Tôi thích loại quan tài này hơn. Chừng nào về bên kia với tiên tổ thì con cháu tôi sẽ đưa tôi vào đó”.
Theo cái chỉ tay của ông Hưng chúng tôi thấy một chiếc quan tài, toàn được kết bằng cây rừng đập dập ra giống như một chiếc bao tải lớn. Xung quanh bên ngoài được sơn phết rất nhiều hình thù các loài thú. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên khó hiểu, ông Hưng giải thích: “Trong tiềm thức của những người già chúng tôi thì lúc sống các loài thú dữ có thể là kẻ thù của mình, nhưng khi chết đi thì chính chúng lại là người bảo vệ an toàn cho các linh hồn. Thế nên quan tài bằng cây rừng này phải được sơn các loài thú đó. Có như thế linh hồn mới được an nhiên”.
Theo ông Hưng cũng như các già làng ở đây thì các bộ quan tài này phải được tước ra từ một loại cây dẻo dai hơn cây rang, mọc trong rừng Đà Mã. Ngày xưa thì bạt ngàn, có lấy cả ngày cũng không hết nhưng giờ đây cơn lốc phá rừng đã hạ gục gần hết. Một số vị trí còn loài cây hiếm này, các già làng ở đây giữ làm bí mật riêng cho mình.
Ông Hưng thổ lộ: “Lớp trẻ bây giờ, người ta mới thích quan tài gỗ chứ ngày xưa làm gì có. Các thế hệ trước tôi toàn chôn bằng quan tài bằng cây rừng. Loại quan tài này rất linh thiêng và chỉ cần chôn một lần không cần bốc mộ nên vô cùng thân thiện”. Sở dĩ người ta muốn được an nghỉ ngàn thu trong những chiếc quan tài này vì có một niềm tin bất biến rằng: thần rừng có thể bảo vệ cả linh hồn người chết. Thế nên, lúc sống người dân Mã Đà xưa rất ít khi tàn phá các loại cây rừng quý. Trước khi chặt một cây, họ đều tiến hành làm lễ trang trọng.
Ngay cả vào rừng lấy các loại cây nhỏ về đan thành những chiếc bao tải làm quan tài, những cư dân già ở đây cũng phải cẩn trọng cầu khấn trước thần rừng. Cách nhà ông Hưng không xa, ông Phí Văn Tung cũng có chút tiếc nuối khi những nếp xưa đầy tôn nghiêm không còn nữa. Ông bảo: “Bây giờ nhiều người lạ cứ vào rừng chặt cây lung tung. Chúng tôi cũng không cản được. Với lại, cõ lẽ bí ẩn từ những bộ quan tài như bao tải này chỉ còn lớp người già chúng tôi biết đến mà thôi”.
Trong ký ức của nhiều người, Mã Đà được xem là vùng đất nguyên sơ nhất, họ tương truyền nhau câu ca “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”. Chính Mã Đà là giang sơn của các bộ tộc người S’Tiêng và Châu Mạ, Châu Ro. Được coi như là cõi ma thiêng nước độc. Thế nhưng, đó chỉ là truyền miệng còn thực tế như các già làng ở đây thổ lộ, họ vẫn chiến đấu, sinh tồn và yêu vùng đất này, những khu rừng này như máu thịt của mình vậy. Những cánh rừng đặc chủng ngày càng trỗi dậy trong ký ức của những người già nơi đây. Ông Tung giãi bày: “Nếu xét cho kỹ thì bí quyết làm quan tài như chiếc bao tải bằng cây rừng này cũng là nét văn hóa độc đáo đây. Vài người già chúng tôi chết đi rồi, chắc nó cũng thành quá vãng”.
Nơi đây vốn là quê hương lâu đời của những loài cây cổ thụ có tên và không tên, của những vạt rừng già mênh mông không vết chân người, của những con suối chảy xiết như suối Mã Đà, suối Ma Sô, suối Đạt Bo. Nơi đây cũng là đất thánh của các giống thú quý hiếm như hà mã, voi, cọp, beo, gấu, khỉ, dọc… là sào huyệt của các giống bò sát như trăn, rắn, thuồng luồng, cá sấu, kỳ đà. Nhưng sự phong phú này cũng đang suy kiệt cùng với mức độ đô thị hóa.
Xưa kia, nếu là người lạ, không thuộc các bộ tộc thông tỏ địa lý trong vùng mà vô cớ xâm nhập và Mã Đà dễ dính phải những rủi ro. Bởi suối Mã Đà với hai nhánh nhỏ là suối Ràng và suối Rạc là những con suối giết người. Nước suối đục ngầu pha màu đỏ chảy như thác. Cây mã tiền mọc thành rừng trên đầu nguồn dòng suối. Trái mã tiền rất độc rụng đầy theo dòng suối không biết ăn phải chết ngay. Bởi thế nên chỉ cách đây vài chục năm thôi, Mã Đà vẫn là vùng đất rất thiêng, tiếng nói của các già làng ở đây vẫn có trọng lượng, ngay cả những tên phá rừng khét tiếng cũng bị thuần phục.
Nhưng giờ đây, Mã Đà đã khác xưa, có lúc người ta mang máy móc tràn vào rừng nên sức mạnh từ sự linh thiêng không còn cản ngăn được sự chai sạn và đầy toan tính trong những tâm hồn tham lam nữa. Nhiều già làng ở Mã Đà còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy huyền bí rằng: Mấy chục năm trước, bên cạnh suối Mã Đà mọc lên rất nhiều loại cây có thể làm quan tài được. Loại cây này dẻo dai có thể làm dây tới kéo khúc gỗ hàng tạ cũng không đứt. Dưới suối có một con cá sấu mũi đó, nếu ai tham lam vào tàn sát rừng sẽ bị con cá sấu này trị tội. Khi đó có một chủ đồn điền người Pháp Oderra rất hung tợn, ông ta có rất nhiều vợ.
Vợ cả của ông này tên là Lưu Chanh, bà Chanh cũng rất hung tợn không xem rừng già ra gì cả, thích là phá. Một buổi sáng, bà ta dạo chơi trên kéo bà ta xuống. Huy động người bắt cá sấu để cứu vợ nhưng khi bắt được cá sấu thì Oderra chỉ còn tìm thấy trong bụng nó các món đồ trang sức của vợ ông ta. Từ đó và một thời gian dài về sau nữa, gần như không ai dám bén mảng vào tàn phá rừng già Mã Đà nữa.
Ký ức từ những đêm đuổi hổ
Ngày ông Ma Năm Chúc cùng với một số người thân của mình luồn sâu vào vùng thâm sơn cùng cốc Mã Đà đê lập nên bộ tộc S’Tiêng, cách đây hơn nửa thế kỉ, nhiều vùng đất còn rất hoang vu và rậm rạp. Ban đầu, ông chọn Tây Ninh làm mảnh đất định cư nhưng thời tiết ở đó quá nắng nóng, lại thường thay đổi, đất đai kém màu mỡ nên sinh sống được vài năm lại chuyển về Bình Dương. Vào khu rừng già huyện Dầu Tiếng, lập lán trại được hai năm, bà mới biết, ở vùng này thường xuyên xảy ra tình trạng mưa lũ gây chết người nên họ di cư về Mã Đà.
Nghĩ lại như mới hôm qua, ông Chúc kể: “Khu rừng già ở Bình Dương ngày đó dường như không muốn bảo vệ con người. Thiên tai diễn ra rất nhiều, có lần đi rừng về, mấy người trong tốp di cư chúng tôi bị cây bỗng nhiên đè chết, thê thảm lắm. Ám ảnh trước điều đó nên chúng tôi lại di cư đi nơi khác. Mỗi cuộc di cư như thế cũng kham khổ và nheo nhóc lắm. Có lần phải ăn của mỳ và quả cây rừng hàng tháng trời để tồn tại để tìm kiếm vùng đất khác. Đến Mã Đà này dẫu huyền bí, dẫu có khắc nghiệt nhưng chúng tôi luôn có cảm giác nó che chở cho con người, bao bọc và tạo ra nhiều ân huệ từ các vụ rẫy bội thu”.
Ban đầu những người S’Tiêng vào Mã Đà, hổ báo còn xuất hiện liên tục. Đi đến đâu, họ cũng muốn tìm được mảnh đất rộng để còn gọi thêm những người cùng bộ tộc vào cùng quần tụ mưu sinh. “Không ít đêm mệt mỏi, thức trắng và suy nghĩ hay mình lại quay về lập làng ở vùng đất khác. Nhưng không biết đi đâu được nên đành bám trụ lại thôi”, ông Chúc nhớ lại.
Ngay khi đặt chân đến khu rừng già hun hút của Mã Đà, ông Chúc đã cảm nhận rõ ràng, đây chính là nơi mình cùng bộ tộc của mình cần tìm đến, là bến neo đậu trong hành trình tìm kiếm suốt bao năm của mình. Rừng núi hoang vu, bốn bề mây phủ, nhìn đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn rừng già. Những người tiên phong này quyết định tìm chỗ đất trống, khai hoang làm rẫy. Lạ, mảnh đất này cứ gieo cái gì xuống cũng nảy nở rất nhanh, tươi tốt phì nhiêu, chẳng cần phân tro, tưới tắm gì.
Chẳng bấy lâu sau, làng S’Tiêng (có người gọi bộ tộc S’Tiêng) hình thành. Cả làng đêm nào cũng canh cánh trong nỗi lo thú rừng viếng thăm. Những người già như ông Chúc này lại làm công việc nặng nhọc là canh thú dữ cho buôn làng. Đêm nào các ông cũng đốt đuốc sáng trưng ở giữa làng và để sẵn cung tên. “Ngày đó hổ, gấu, voi và các loại thú rừng khác nhiều vô kể. Nói chi xa, mới cách đây hơn 10 năm, gấu và hổ còn lảng vảng ở đây nhiều lắm, giờ thì hết rồi, dân làng chỉ săn các loại con dúi, con mang, còn các loại thú lớn này toàn người nơi khác đến săn bắt hết. Hồi đó, đêm nào chúng cũng lang thang vào khu làng”.
Học được kinh nghiệm từ các cuộc di cư, những già làng đầu tiên vào Mã Đà hái một số loại lá cây rừng làm thành dung dịch đặc biệt, loại dung dịch này khiến nhiều loại thú dữ rất dị ứng, khi gặp sẽ bỏ đi ngay. Nhưng có nhiều loại như gấu, sói rừng chúng không hề sợ nên ông Chúc và các cao niên trong bộ tộc đành nghĩ ra cách, làm các xác chết giả treo ngả nghiêng xung quanh đống lửa, khin nhìn thấy, chúng sẽ sợ và rút lui. Nhiều sáng kiến hay là thế nhưng chẳng đêm nào ông Chúc và các già làng dám ngủ trọn hết đêm.
Cứ nhớ mãi đêm ấy, khi vừa chợp mắt ông nghe thấy tiếng gặp sột soạt bên trái nhà, mơ mơ, tỉnh tỉnh nhìn ra thấy một con gấu đang lù lù tìm cách chiu vào nhà. Ông cùng hai già làng khác hốt hoảng thức dậy, vật lộn với con gấu cho đến sáng. Xòe đôi bàn tay còn hằn sâu mấy vết sẹo, ông nói: “Dù đã học hỏi được nhiều kĩ thuật tránh gấu từ những ngày di cư trong các khu dừng ở Tây Ninh nhưng tôi vẫn bị nó cào cho bươm bã, máu chảy ròng ròng.
Sau đêm đó, không còn thấy chúng xuất hiện nữa. Hình như thú dữ dần dần nó thấy sợ mình, có lúc đối diện nhau tôi chỉ cầm đuốc nhìn nó nhưng nó vẫn không dám tấn công. Có lần một con hổ to hơn người đuổi nhưng tôi kịp tót lên cây và xối dung dịch lạ (luôn mang theo người – PV) vào mặt nó, nó gầm lên một hồi rồi lao đi mất hút”. Sau vụ đánh nhau với gấu, ông Chúc rút ra kinh nghiệm làm thật nhiều thòng lọng bằng dây rừng để trang bị cho các gia đình trong làng. Khi gặp thú, càng giăng nhiều thòng lọng, chúng các dễ dính bẫy, mà dây rừng thì rất bền chặt.
Một trong những kinh nghiệm độc đáo được ông Chúc cùng nhiều người già còn sống ở Mã Đà tích lũy được trong việc thuần phục hổ là: “Phải điềm tĩnh và đừng bao giờ manh động trước, khi tình huống bức bách thì nên di chuyển hình chữ chi vì loài hổ rất háo thắng và nóng tính nên chúng thích lao thẳng vào mục tiêu của mình. Sau những trận chiến đấu với hổ đó, với các dụng cụ riêng và dung dịch của buôn làng mình chế tạo ra, hổ không còn mấy xuất hiện nữa. Sau này, chúng tôi còn tìm cách thân thiện với chúng chứ cũng không bao giờ dám bắn giết.
Bởi bắn giết cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cơn phẫn nộ của loài hổ trào dâng lên. Bao nhiêu năm đối mặt với hổ ở Mã Đà này, tôi nghiệm ra rằng, loài động vật này có tính bảo vệ bầy đàn rất cao. Khi một con bị bắn chết, những con khác sẽ trả thù cho đồng loại của mình”.
Bây giờ Mã Đà hổ còn nhưng không nhiều nữa. Tuy đã được các khu bảo tồn tiến hành bảo vệ nhưng thỉnh thoảng những kẻ xấu vẫn săn bắn trộm khiến cho nhiều già làng ở đây càng thêm phần xót xa.
Diện kiến vua đánh giặc và diệt hổ
Già làng Tơ Tơ được xem là cuốn tư liệu sống về những sự kiện, những huyền bí và cả những hào hùng ở chốn thâm sâu Mã Đà này. Già làng Tơ Tơ là tên gọi theo tiếng Châu Ro, S’Tiêng. Tên tiếng kinh của ông là Nguyễn Văn Nổi. Người dân trong làng thường gọi ông với cái tên thân mật là ông Năm Nổi (vì là con thứ năm trong gia đình).
Ông Tơ Tơ là một trong những người tiên phong vào Mã Đà đầu tiên. Dẫu xuất phát từ nông dân chính hiệu, lại quanh năm chỉ bám riết lấy rừng già, nhưng khi bước qua tuổi 20, thấy quân Pháp manh nha tổ chức các cuộc xâm chiếm và săn thú, phá rừng trong Mã Đà, ông đã trỗi dậy khát khao phải tiêu diệt những kẻ lạ và ác cứ thích xâm chiếm buôn làng mình.
Thế nên ông không chỉ là vua diệt hổ ở xứ rừng sâu này mà còn là vua diệt giặc bảo vệ bình yên cho buôn làng. Chỉ lên những tấm bằng khen treo chi chít trên vách tường gỗ nhà mình, già làng Tơ Tơ kể: “Quân giặc cũng ác như con thú ấy. Nó coi dân trong các bộ tộc của mình chẳng ra gì cả. Muốn bắt, muốn giết, muống mang ra làm trò chơi là làm thôi. Ai cũng sợ sệt chúng hết, thấy là lảng tránh. Nhưng mỗi lúc như thế tôi lại nảy ra sáng kiến phải làm sao mà tiêu diệt chúng như tiêu diệt con thú ấy.
Sau này, được tổ chức cách mạng hướng dẫn, khát vọng đánh giặc của tôi càng lên cao hơn. Đánh được nhiều giặc nên được từng đó bằng khen đó. Bằng khen thì vui lắm, nhưng không vui bằng việc thấy dân làng bình yên đâu. Mỗi lần thấy có người chết lòng quặn đau lắm”. Sau khi Pháp thôi xâm chiếm, Mỹ tiếp tục cho máy bay tổ chức những tràn càn lên khu rừng già Mã Đà. Ông Tơ Tơ lại miệt mài vận động bà con theo cách mạng đánh Mỹ. Chính tay ông đã bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ trong lúc chúng đang thực hiện âm mưu rải bom xuống vùng đất này, bởi khi đó có một lực lượng cách mạng của ta đang lập căn cứ ở đây.
Sau này vì là người thông thạo địa hình Mã Đà cũng như gan dạ và dũng cảm nên ông Tơ Tơ được tổ chức cách mạng chọn làm một cán bộ giao liên nòng cốt. Bất cứ tài liệu quan trọng nào đưa ông vận chuyển đều được an toàn. Trong những đêm luồn rừng sâu thăm thẳm, không chỉ đối đầu với quan địch mà Tơ Tơ còn phải đương đầu với ông ba mươi. Có lần hổ cạp mất cả miếng thịt trên bắp tay ông nhưng ông vẫn thoát. Sau lần đó kỹ năng chiến đấu với hổ của ông ngày càng điêu luyện hơn.
Ông kể rằng gặp cọp, báo, nếu xác định không thể chạy nhanh hơn nó thì người săn cọp nên đứng lại. Khi khoảng cách sát nhau hãy nhìn trừng trừng vào mắt nó, con cọp sẽ nhảy tới vồ. Lúc này nếu là thợ săn tinh nhuệ thì rút ngay mác hoặc xà gạc nhanh chóng đưa một nhát chí mạng vào yết hầu con cọp, như thế nó sẽ dễ dàng bị hạ gục.
Trong một lần đi giao tài liệu ở căn cứ về, ông đã tiêu diệt một lúc hai con hổ hung hãn khi chúng đang vào làng bắt người. Trong cuộc đời diệt hổ của mình, có lẽ đáng nhớ nhất với ông là ông hổ ba móng, nặng gần 200 kg. Ông thổn thức kể rằng: "Đó là vào khoảng những năm 1944, trên đường đi đánh giặc về gần đến cổng làng thì ông nghe tiếng khóc thét của hai gia đình hàng xóm rất thê thảm. Ngước nhìn vào phía rừng sâu thấy con hổ ba móng đang ngoạm một đứa trẻ".
Ngày hôm sau, nó lại tiếp tục vào nhà sàn bắt người ăn thịt. Nỗi kinh hãi ngập tràn khắp xóm, người dân luôn sợ sệt, đến mức đêm cũng không dám ngủ. Tiếng khóc vì đau buồn của các bà mẹ mất con cứ văng vẳng trong đêm vắng càng khiến cho ông thêm phần căm tức con hổ quái ác này. Ông nung nấu quyết tâm phải hạ gục nó bằng được.
Là một thủ lĩnh, một già làng, một vua diệt giặc đáng tôn kính của buôn làng nên khi biết ông có ý định khăn gói vào rừng tiêu diệt con hổ quái ác này, cả làng đã túa ra giữ ông lại vì sợ nếu ông thua, hổ sẽ giết chết ông mất. Ai cũng một mực cầu xin ông ở lại. Nhưng ông quắc mắt lên quả quyết: “Nếu tau chết thì nó cũng chết. Bao nhiêu năm diệt hổ tau biết điểm yếu của nó. Nếu tau và nó đều chết thì buôn làng mới bình yên được không nó sẽ về ăn thịt trẻ con tiếp, không biết bao nhiêu đứa trẻ mới vừa cái bụng tham lam của nó đâu”.
Tính đến ngày ông giăng bẫy để bắt hổ ba móng thì nó đã ăn thịt hết hơn 10 đứa trẻ con trong làng. Sau khi bố trí xong hầm bẫy xung quanh, ông lấy chính bản thân mình làm mồi nhử, bãy của ông được chế tác từ những loại cây rừng, có lẫy sắt, khi dính vào hổ khỏe đến mấy cũng sẽ bị giam chặt chân mình trong đó.
Thấy ông nằm lơ đễnh, tưởng đó là miếng mồi ngon, con hổ ba móng lao thẳng tới và lập tức bị sập bẫy. Lúc đó ông dùng tất cả sức lực của mình đánh vào các chỗ hiểm của hổ, chẳng mấy chốc nó đã bị hạ gục trong tiếng reo hò vui mừng của buôn làng. Nhớ lại, già làng Tơ Tơ bảo, chỉ cần bàn chân của nó lệch đi một bước là trượt bẫy ngay. Lúc đó cuộc chiến sẽ càng trở nên cam go và không chừng mình làm mồi giả sẽ biến thành mồi thật cho nó xơi.
Theo sự biến chuyển của thời gian, giờ những người di cư đầu tiên cùng lực lượng hùng hậu người S’Tiêng và Châu Ro ở Mã Đà không còn có cuộc sống sung túc khi cứ bám mãi lấy rừng rẫy nơi đây. Vì diện tích rừng rẫy ngày càng thu hẹp. Những đặc ân từ rừng cũng không còn cho họ cuộc sống no đủ. Các loại thú cũng đã được bảo vệ nghiêm ngặt.
Dân cư lại ngày càng đông lên nên không bám được vào rừng mà sinh tồn nữa, một lượng lớn người S’Tiêng, Châu Ro ở Mã Đà này lại tiếp tục cuộc di cư từ rừng sâu xuống khu vực hồ Trị An để mưu sinh bằng nghề săn bắt cá. Xưa kia săn thú và làm rẫy thì giờ săn cá và đánh lưới. Dẫu nhọc nhằn, nhiều khó khăn và bỡ ngỡ nhưng cuộc di cư này cũng hợp với lẽ thường nên họ vui lòng chấp nhận, chỉ mong sớm được tiếp cận cuộc sống hiện đại. Long hồ này cũng còn là nơi quần tụ của một số dân nghèo là người Việt từ Campuchia trở về.