Chuyện cảm động về người thương binh chỉ còn một nửa

Chiến tranh đã lấy đôi đi đôi chân của ông, mọi chuyện về tương lai, hoài bão lúc đó đối với ông tưởng như sụp đổ ở cái tuổi 23...

Mặc cho những bi đát của số phận, người  thương binh nghèo giàu nghị lực Nguyễn Tiến (63 tuổi, quê xóm Đồng Trung, thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn không quỵ ngã, gồng sức vượt qua gian khổ để sống đúng nghĩa của người lính Cụ Hồ, sống đúng với lời khuyên của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”.

Đời không… chân và chuyện về tháng 7 năm ấy

Trên mảnh đất Bình Hòa, cách nay 45 năm, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã càn quét, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn, gia súc và sát hại dã man 403 thường dân vô tội. Ở đó cũng có những người con của tổ quốc gan góc, sẵn lòng xả thân đấu tranh chống lại kẻ thù vì độc lập dân tộc, vì sự yên bình của làng quê nơi mà họ sinh ra và lớn lên.

Bình Hòa tang thương và máu lửa năm nào giờ đã chuyển thành màu xanh của khoai lúa. Và, ở mảnh đất từng bị cày xới tung tóe bởi bom mìn này có một mầm sống mãnh liệt, lầm lũi đi lên từ gian khó. Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc lại, anh Nguyễn Tiến (xin gọi ông bằng anh - NV) vẫn không quên một sáng tháng 7 năm 1970 – ngày mà anh mất hẳn đôi chân trong đau đớn. Quân Mỹ vào bắn phá làng Ngọc Lành, xã Bình Hòa, anh Tiến lúc đó cùng với 2 đồng chí khác trong đội du kích xã Bình Hòa cầm súng băng vào rừng đánh địch. Tay cầm chắc súng, vượt qua những luồng đạn lạnh sống lưng, 3 anh em chẳng lùi bước, quyêt tâm tiêu diệt kẻ thù. Anh Tiến kể lại: “lúc đó 3 anh em chúng tôi chẳng sợ chết, dồn sức và chung lòng quyết đánh trả kẻ thù cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng rồi ch uyện kém may mắn lại xảy ra với chúng tôi”, giọng anh Tiến bỗng khựng lại, nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt anh.

Trong lúc  áp sát địch, chẳng may 3 anh em dẫm phải mìn của quân địch. Một tiếng nổ chát chúa khiến cả ba bất tỉnh. “Khi tỉnh lại tôi nhìn thấy xung quanh thấy toàn máu. Hai đồng đội của tôi, một người hy sinh, còn người kia bị thương, đôi chân tôi bị bể nát và tôi cũng mất hẳn đôi chân từ đó…” – anh Tiến nói. Khi đó, anh vừa tròn 23 tuổi

Tình nguyện làm “đôi chân” cho chồng

Sau khi hồi phục sức khỏe, anh Tiến rời làng với nửa phần còn lại của cơ thể vào làm nghề hớt tóc  cho bệnh nhân ở Bệnh viện Quân dân y Quảng Ngãi ( TP.Quảng Ngãi).

Mỗi ngày, với đồ nghề là cái kéo và chiếc lược nhỏ cũ kỹ, anh Tiến dùng đôi tay thế đôi chân đi khắp các phòng bệnh hớt tóc thuê. Bệnh nhân nào có điều kiện anh chỉ hớt tóc với giá 50 đồng, bệnh nhân nghèo anh hớt giúp chẳng lấy tiền công. Cứ thế, gần 5 năm trời anh sống với cảnh “đời không chân” khổ nhọc trong bệnh viện. “Sống trong đó tôi gặp được nhiều người cùng cảnh ngộ như mình, họ cũng bị mất đôi tay, đôi chân nên cũng được an ủi và có động lực cố gắng tiếp tục sống, lao động”. Và cũng trong thời gian làm nghề cắt tóc thuê ấy, chàng trai trẻ Tiến đã gặp được người con gái tên Ngô Thị Liệu.

Chuyện tình của hai vợ chồng anh cũng thật khác lạ với bao nhiêu cuộc tình khác. Trong một lần ghé vào quán cơm nhỏ hớt tóc cho khách, đôi tay điệu nghệ của anh đã làm cô thôn nữ làm thuê cho quán cơm mê mẩn. Ban đầu chỉ là những cái nhìn lén lút. Hình ảnh chàng trai tật nguyền nhưng đôi tay thoăn thoắt cắt tóc, đâu ngờ đã ăn sâu trong đầu cô thôn nữ. Rồi tình cảm cứ thế lớn dần trong chị và anh. Chàng thanh niên Tiến ngày đó muốn ngỏ lời yêu chị nhưng mỗi lần như thế anh lại nhìn xuống đôi chân mình chua chát:  “Mình như thế này thì ai mà dám yêu, mà nếu có yêu thì mình làm gì để nuôi sống gia đình trong tương lai, tự nuôi mình còn khó nữa là…”. Tình cảm cứ thế giằng xé hai con tim, cả hai cứ giấu kín tình cảm của mình, nhưng rồi lí trí không thể thắng nổi trái tim.

Chị dồn hết sức mạnh ngỏ lời yêu anh. Anh từ chối dù trái tim anh không còn là của riêng mình từ lâu: “Anh thế này mình không thể lấy nhau được đâu em. Lấy anh em chỉ khổ”. Liệu nói: “Anh không có đôi chân nhưng còn đôi chân của em. Mình có thể nương tựa nhau để sống”.  Rồi câu nói  “Anh yêu em!” cuối cùng được anh dũng cảm nói ra trong niềm hạnh phúc. Một đám cưới giữa hai người cũng diễn ra tại tiền sảnh bệnh viện Dân Y, chủ hôn là ban giám đốc bệnh viện, khách mời là những thương, bệnh binh. Anh Tiến ngồi xe lăn, vợ đẩy phía sau, khách mời người mất tay, mất chân, mù lòa… nhưng ngập tràn hạnh phúc trong một đám cưới giản đơn đến lạ.

Trên chiếc xe lăn, anh Tiến nói mất đôi chân nhưng đất nước được hoà bình cũng đáng giá lắm

Bước đi hiên ngang với nửa phần còn lại

Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, hai vợ chồng đùm túm dắt nhau về quê. Anh Tiến dựng một túp liều nhỏ bắt đầu cho một cuộc sống mới, kham khổ trong cái đói nghèo và thiếu thốn. Anh Tiến đào ao, cuốc ruộng, phát rẫy nuôi cá, trồng cây… mưu sinh. Cái gì người bình thường làm được thì anh đều không chịu thua. Ngày mùa tới, anh cũng vác cuốc ra đồng, cũng lội xuống bùn sâu làm đất gieo sạ lúa. Không có đôi chân, bùn lún sâu đến cận ngực, anh Tíên phải dùng bao, lưới lỗ nhỏ phủ lên đầu để trùm xuống mặt cho nước bùn khỏi văng vào mắt. Cuộc sống của anh cơ cực hơn khi lần lượt sinh và nuôi 6 người con đến tuổi trưởng thành.

Nhà chẳng có tiền, cũng không nhiều gạo. Với bầy con đông đúc, cuộc sống khi đó cứ thiếu trước, hụt sau. “Mới sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi phải làm lụng rất nhiều để có gạo nuôi con. Một đứa thì cũng tạm lo được ngày ba bữa. Những rồi đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư…rồi đến đứa thứ 6 thì khổ tứ bề. Có hôm trong nhà hết gạo, vợ chồng đành giấu các con nhịn để nhường phần cho chúng ăn. Có lúc tôi ôm mặt mà khóc khi nhìn các con sống trong cảnh thiếu thốn. Lúc đó giá tôi đừng sinh nhiều như thế thì cũng bớt khổ. Mà kể ra cũng mừng, dù con đông nhưng đứa nào cũng khỏe mạnh, không đau ốm, dù ăn củ nhiều hơn cả ăn gạo. Bây giờ đứa nào cũng được dựng vợ gả chồng, yên bề gia thất nên vợ chồng già chúng tôi cũng được an ủi phần nào” – anh Tiến nói. Tình thương con đã tiếp thêm sức mạnh cho anh trong “cuộc chiến” với chuyện cơm – áo - gạo - tiền. Người lành lặn lao động nuôi cuộc sống trong thời ấy đã khó, huống hồ như anh Tiến chẳng còn đôi chân. Vậy mà anh vẫn không thua người bình thường. Cứ mãi cày sâu cuốc bẩm, tích góp từng củ khoai, trái ngô, hạt lúa, dành dụm lo từng bữa ăn cho con, anh Tiến dần dần thoát khỏi cảnh cơ cực khi những đứa con đầu trưởng thành, có thể cùng vợ chồng anh lao động vun vén cho gia đình. “Dù cha tôi bị tật nguyền nhưng trong mắt anh em chúng tôi, cha là người lành lặn nhất, tuyệt vời nhất. Nếu như không có cha, không có tình yêu thương của cha thì không biết anh em chúng tôi có vượt qua khỏi cảnh đói khát, có được học hành đàng hoàng hay không. Tôi chỉ nói, cảm ơn cha về những gì cha đã làm cho chúng con” – anh Nguyễn Thanh, con anh Tiến nói.

Trước lúc chia tay chúng tôi, anh Tiến nói một câu xúc động và đầy ưu tư: “Mất đi đôi chân tôi không tiếc vì tôi đã làm được một điều có giá trị gấp ngàn lần đôi chân tôi mất. Đó là cùng với chiến sĩ, đồng bào đoàn kết đấu tranh dành độc lập tự do cho dân tộc”. Nói rồi ông mỉm cười đầy vẻ mãn nguyện pha thêm chút hài hước “người một nơi, chân một nơi. Nhiều lúc nhớ đôi chân của mình cũng muốn tìm gặp lại nó. Nhưng không biết giờ đôi chân của tôi ở phương nào nữa!”. Còn tôi - tôi biết - đôi chân của anh Tiến và thân xác của hàng ngàn liệt sĩ đã quả cảm hy sinh cho độc lập tự do của đất nước đang ở trong tim của dân tộc Việt Nam. Các anh đã hiến cho tổ quốc những cái gì quý giá nhất, cao quý nhất của đời mình.