Kể từ đại hội cổ đông hôm 14-12 đến nay, ngày nào cái tên VPF cũng được nhắc đến như một người đi tiên phong trong cuộc tấn công vào “thành trì” quá nặng nề và bảo thủ của VFF cũng như bóng đá Việt Nam. Bởi vậy, khen VPF là “dũng cảm” cũng được mà nói là “liều lĩnh” có lẽ cũng chẳng sai. Nhưng, cũng có một suy nghĩ mang tính phản biện rằng phải chăng, VPF quá nôn nóng để ra đời và vì thế, vẫn chưa đủ sự chuẩn bị?
Lãnh đạo VPF tại đại hội cổ đông ngày 14-12-2011. Ảnh internet
Rõ ràng là VPF vẫn còn đang thiếu quá nhiều thứ. Họ hoàn toàn chưa đủ nhân sự và thực sự, những người mà họ đang có cũng chưa có đủ năng lực tốt nhất. Ví dụ như trường hợp của Tổng giám đốc VPF, Phạm Ngọc Viễn. Chính ông này cho biết VPF phải “kế thừa” những gì của VFF nhưng ngay trong “cuộc chiến truyền hình” chẳng thấy ông Tổng ở đâu sau cái bóng của bầu Kiên.
VPF cũng không đủ tài chính để bảo đảm đưa mùa giải đến lúc kết thúc khi hiện chưa có nguồn thu nào khác ngoài tiền tài trợ của Eximbank, trong khi tiền bản quyền truyền hình vẫn còn đang tranh chấp. Vậy tiền đâu để chia lợi nhuận, để nộp về cho VFF làm ngân sách phát triển đào tạo. VPF cũng chưa hề có những tiêu chí cụ thể cho Super League trong vài năm tới….
Không thể phủ nhận việc ra đời của VPF là không thể đảo ngược nhưng thời điểm nó ra đời hay sự chuẩn bị của nó chắc chắn là không hề được lập trình hoàn hảo. Người ta vẫn thấy cái bóng của bầu Kiên bao trùm toàn bộ, thậm chí còn hơn cả Chủ tịch Võ Quốc Thắng thì nói gì đến khả năng tự vận động của bộ phận điều hành nơi ông Phạm Ngọc Viễn đang ngồi. Lẽ ra, nếu VPF là một thực thể mang tính tiến bộ, phù hợp với thời cuộc thì cách vận hành của nó phải trơn tru, sáng chói hơn nhiều thay vì hiện vẫn đang phải giải quyết những vấn đề còn liên đới từ VFF.
20 ngày đã qua của VPF, cứ như hành trình của một con tàu mới ra đến cửa biển đã gặp sóng to chỉ vì vẫn chưa biết ai là thuyền trưởng, ai là người lái tàu thiện nghệ.