'Chúng tôi thức dậy và thấy lại buổi sáng'

'Nước mắt tôi tự dưng chảy khi thấy giọt nắng đầu tiên sáng 20/12 rọi vào cửa sổ' - Chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ nạn nhân duy nhất trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng.

Rồi chị nói yếu ớt: “Tối nay nếu khoẻ hơn chút, em xin bác sĩ cho đi gội đầu”.

Sáng 20/12, chúng tôi gặp lại 12 nạn nhân của vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng hiện đang theo dõi sức khoẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Những nụ cười đã nở trên môi những công nhân kiên cường và ánh mắt mệt mỏi dần được xoa dịu.

Rướn tay kéo rèm cho ánh sáng tràn vào vòng bệnh, nạn nhân Hoàng Ánh Văn nở nụ cười sảng khoái. Anh nói đêm qua anh đi thăm tất cả các bạn bè đang nằm trong khu vực điều trị. “Lúc này tôi mới tin là đã sống rồi, trước đó tôi tưởng mình mê sảng. Lạ lắm, bắt tay ai cũng thấy lâng lâng dù trước đó làm việc anh em cũng nhiều khi nặng nhẹ với nhau”, anh tâm sự.

Điện thoại reo, anh nói: “Tao tưởng chết rồi mày à, nếu mà vậy thì làm sao mà dự đám cưới của mày, một tháng nữa phải không”. Dứt cuộc diện thoại anh quay qua nói với người y  tá: “Bạn thân cháu đó cô, tối qua nó gọi thăm không nói gì, khóc như con gái”.

Nói rồi anh cười sảng khoái làm những nạn nhân nằm cùng phòng cũng bật cười.

Nạn nhân Hoàng Ánh Văn tươi cười kể chuyện với bác sĩ 

Nạn nhân Trương Tuấn Việt được vợ chăm sóc sau khi tắm nước nóng

Hộ lý Trần Thị Hiền nhìn Việt cười rồi bảo sáng ra Việt cứ nằng nặc đòi đi tắm trong khi bác sĩ dặn phải đo thân nhiệt xong thì mới cho đi tắm. “Quay qua quay lại Việt lẻn đi tắm mất”, chị nói. Anh Việt nhìn hộ lý tỏ vẻ ăn năn: “Thèm tắm quá cô, thèm còn hơn thèm ăn”.

Anh Việt giải thích rằng cảm giác nhơm nhớp suốt 4 ngày ngâm nước bùn cứ làm anh nhờn nhợn trong người. “Cả đêm cảm giác nhờn nhợn lạnh buốt cứ quây lấy mình từ chân đên cổ làm. Mình ngủ mơ thấy mình rã ra, sợ lắm nên sáng ra mình vội nói vợ chuẩn bị nước nóng cho mình tắm, hi vọng không còn cảm giác đó nữa”, nói tới đó, mắt anh Việt ngân ngấn nước.

Ở một phòng chăm sóc đặc biệt khác, anh Nhữ Văn Trường dù sắc mặt đã hồng hào trở lại nhưng phản ứng vẫn yếu ớt lắm. Anh bảo cả đêm qua anh không tài nào ngủ được, sợ lắm. Khi chúng tôi vào phòng, anh Trường  nằm quay mặt vào tường, tiếng động phát ra dù lớn dù nhỏ cũng không quan sát. Chỉ khi gọi đúng tên mình thì anh Trường mới đáp lại.

Anh bảo: “Cứ nhắm mắt lại là tưởng mình đã chết rồi. Chỉ mở mắt ra thấy ánh sáng mới đỡ sợ”.

Anh Trường bảo đêm qua đã ba lần anh phải chập chững qua phòng bệnh của những công nhân khác để nói chuyện. “Nói cười rôm rả chút thì mới thấy yên tâm, vẫn còn sợ lắm”, anh Việt tâm sự.

Nhiều thông tin nói về đồng nghiệp Đặng Thị Hồng Ngọc sức khoẻ không được tốt như những anh em khác và phải điều trị ở khu vực khác nên bác sĩ vào khám buổi sáng, anh vội hỏi thăm: “Ngọc sao rồi bác sĩ, sắp chuyển qua khu này với anh em chưa, ở một mình sợ đó lắm bác sĩ ơi”.

Nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc ngủ thiếp đi sau khi ăn sáng và uống thuốc

Ở Phòng Hồi sức, tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng), bác sĩ cho biết nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc dù còn yếu những sinh hiệu ổn, nói chuyện nhỏ được, Ngọc chủ yếu uống sữa.

Đôi mắt Ngọc vẫn nguyên vẻ bàng hoàng mà chúng tôi chứng kiến lúc Ngọc được chiến sĩ công binh khiêng ra khỏi đường hầm cứu hộ. Ngọc bảo: “Từ tối đến giờ anh của em cứ nhắc em đừng khóc, sống rồi thì không còn sợ gì hết. Anh còn bảo qua cơn này là sẽ không còn sợ tai nạn nào nữa hết”.

Trong hơi thở vẫn còn yếu, Ngọc bảo anh trai: “Ra viện là về thăm nhà liền nha anh. Chưa khi nào em nhớ nhà đến vậy”. Ngọc bảo Ngọc khóc là do nhớ nhà, sau giấc ngủ đêm, mở mắt nhìn ra cửa sổ bệnh viện mình đã thôi sợ nỗi sợ khủng khiếp trong bốn ngày ba đêm lẫn lộn đêm ngày...