Chứng khoán lên mức cao nhất trong 4 năm

Chỉ số VN-Index có thời điểm đã vượt qua mức 600 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần này (14/3). Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ cuối năm 2009.

Như vậy, sau khi về mức đáy vào năm 2009, với khoảng hơn 230 điểm, thị trường chứng khoán đang phục hồi mạnh mẽ và cổ phiếu lại đang quay lại là một loại tài sản hứa hẹn mức lợi tức hấp dẫn.

Trong phiên này, có lúc VN-Index đã lên mức 600,68 điểm, nhưng kết thúc phiên, chỉ số này chỉ còn tăng nhẹ 0,27% lên 596,83 điểm. VN-Index lên nhẹ khi nhận được lực đẩy mạnh từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN của Tập đoàn Masan (+1,5%), VNM của Công ty Sữa Vinamilk (+2,7%), DHG của Công ty Dược Hậu Giang (+5,8%)

Trong khi đó, đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán đã chậm dần, trong nhóm này chỉ còn HCM của Công ty Chứng khoán TPHCM tiếp tục giữ được mức tăng ấn tượng (+3,3%). Các mã còn lại giao dịch cân bằng với tỷ lệ các mã tăng và giảm ngang nhau : 124 mã tăng và 120 mã giảm.

Sau giai đoạn bán ròng, các nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng nhẹ, khối lượng xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu. Họ mua ròng đáng kể cổ phiếu CTG của Ngân hàng Công thương (300 ngàn cổ phiếu), MSN (300 ngàn cổ phiếu), PVT của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (700 ngàn).

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng chưa thể kết luận rằng đợt bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đã chấm dứt chỉ bằng phiên mua ròng ngày 14/3. Các quỹ đầu tư chỉ số ETF như FTSE Vietnam và Vaneck Market Vectors Vietnam vẫn còn cơ cấu danh mục trong một hai tuần tới. Chúng tôi cũng lưu ý rằng mức chênh lệch giữa giá các ETF này trên thị trường niêm yết nước ngoài với giá trị tài sản ròng của chúng đã giảm sút xuống khoảng 1-2% so với cao điểm khoảng 10% hồi cuối năm 2013 đầu 2014. Do đó, khả năng phát hành thêm các chứng chỉ quỹ này tại thị trường nước ngoài cũng như khả năng mua ròng các cổ phiếu thành phần tại Việt Nam đang giảm đi.

Chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày 14/3 chỉ tăng 0,33%, dừng ở mức 84.43 điểm.