Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, có hai đợt tăng giá xăng tổng cộng là 3.000 đồng/lít và bốn đợt giảm giá tổng cộng 2.600 đồng/lít. Như vậy, mức giảm giá xăng hiện vẫn còn kém mức tăng tổng cộng 400 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong thời gian tới sẽ tính toán tiến hành thực hiện giảm giá cước.
“Trong hai đợt tăng giá xăng trước đó với mức tăng 3.000 đồng/lít, các doanh nghiêp taxi đã tăng giá cước từ 500 - 1.000 đồng/km. Bây giờ xăng giảm, họ nhất định sẽ có điều chỉnh giảm cước, dao động trong khoảng 400 - 800 đồng/km, cá biệt có đơn vị giảm 1.000 đồng/km”, ông Hùng nhận định.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, trong lúc giá xăng dầu tăng cao, họ không có chủ trương tăng giá cước, nên trong thời gian này, khi giá xăng, dầu giảm họ sẽ không thể thực hiện giảm cước.
Đối với các đơn vị vận tải hàng hóa, các doanh nghiệp này sẽ có thương lượng với khách hàng về viêc điều chỉnh giá cước, nên chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ tính toán để thực hiện giảm cước. Hiệp hội cũng đã khuyến cáo với các đơn vị vận tải hàng hóa về vấn đề này, cần phải tính toán hợp lý.
Ít ngày tới có thể sẽ có đợt giảm giá cước vận tải.
Cũng theo ông Hùng, việc nâng, giảm giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, phát hành vé, niêm yết giá cước… Trong khi đó, chi phí xăng dầu là yếu tố chính trong giá cước vận tải (chiếm 45% chi phí đầu vào).
Đồng tình quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các đơn vị kinh doanh tuyến vận tải cố định không tăng giá vé sau hai lần tăng giá xăng dầu, nên giờ mức xăng dầu có giảm cũng không thể giảm giá cước.
Duy chỉ có những doanh nghiệp đã tăng giá vé rồi sẽ phải xem xét để thực hiện giảm giá cước.
Ông Liên bộc bạch, ngành vận tải đang phải “gồng” mình chịu đựng nhiều sức ép khi giá xăng dầu biến động. Giá xăng tăng đã kéo theo giá đầu vào vận tải như lương lái xe, giá dịch vụ bến xe, xử phạt hành chính vi phạm tăng...
Ngay khi giá xăng giảm, những đơn vị vận tải đã tăng giá sẽ cần phải có sự tính toán lại chi phí, khấu hao để có sự điều chỉnh hợp lý.
Theo ông Liên, ở nước ngoài, vận tải đường bộ giá cước bao giờ cũng cao hơn đường sắt, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, nên ngành vận tải không có lãi do chênh lệch khấu hao chi phí quá lớn. Vận tải bao gồm nhiều thành phần nhưng hoạt động manh mún, phát triển không đồng đều.
Với taxi, ông Liên nhận định, các doanh nghiệp taxi vừa qua xăng tăng họ cũng tăng giá cước, nên giờ khi giá xăng giảm các doanh nghiệp sẽ xem xét giảm để tăng tính cạnh tranh.