Đã thành thông lệ, cứ rằm tháng Bảy, dù hiểu ít hiểu nhiều về tục xá tội vong nhân, nhưng người ta vẫn bảo nhau đến chùa cầu mong sự bình yên, sức khỏe.
Chùa Bồ Đề nằm nép mình bên bờ sông Hồng, là một ngôi chùa cổ kính, bề thế có lịch sử hàng trăm năm. Mới đây, chùa lại được tôn tạo khang trang hơn nên phật tử về đây dâng hương ngày một đông.
Chị Thủy, người bán đồ lễ ngay cổng chùa cứ thở dài thườn thượt: “Tầm này hàng năm thì không có chỗ mà để xe, đông đến mức phải chen chúc nhau, đồ lễ không có mà bán, nhưng năm nay đã sát ngày rằm rồi mà chùa vẫn vắng hoe”.
Lê la ở cổng chùa thì mới thấy rõ ràng cơn bão dư luận về những việc khủng khiếp quanh ngôi cùa này nặng nề như thế nào. Suốt cả buổi sáng chỉ lác đác vài bóng người, chủ yếu là người dân quanh vùng theo thói quen mà đến.
Việc đời vốn đã vậy, nhưng việc đạo cũng chẳng thể buông. Tiếng chuông chùa vẫn đều cứ vang lên, tiếng tụng kinh vẫn âm âm đều đặn, nhưng nghe sao vẫn gường gượng.
Bác Triệu Thị Hoa, ở quận Long Biên, vận áo nâu vừa kết thúc khóa lễ buổi sáng nói chuyện với chúng tôi mà mặt buồn thiu.
Bác Hoa bảo: “Tôi cũng có nghe việc này, việc nọ xảy ra ở trong chùa. Đúng sai thế nào, ai là người làm nên tội thì còn chờ công an làm rõ. Chỉ một vài người làm việc xấu mà khiến cả nhà chùa phải gánh chịu hậu quả. Phật ở trong chùa kia nào có tội tình gì. Tôi thành tâm niệm Phật thôi, còn những việc kia ai làm ra người đó phải chịu tội”.
Dễ đến hơn một năm nay chúng tôi mới trở lại thăm chùa Bồ Đề. Đợt ấy chúng tôi đứng ra tổ chức một đoàn thiện nguyện quyên góp quần áo, đồ dụng học tập cũ cho đám trẻ mồ côi trong chùa. Hăm hở đem sang để tặng cho các em, ấy vậy mà khi gặp phải ánh mắt thờ ơ của các tình nguyện viên trong chùa, sự hăm hở ấy bỗng dưng biến mất. Có người lẩn thẩn nghĩ rằng, có lẽ những đứa trẻ mồ côi cần cơm ăn áo mặc hơn. Nghĩ vậy cũng chẳng sai, nhưng sao cứ thấy tồi tội cho những mảnh đời…
Lại nữa, đã có lần tôi được nghe chuyện về Lâm Văn Hải, một chàng trai vốn mồ côi bị chính người mẹ vứt bỏ ở cổng chùa mà trốn chạy. Các nhà sư trong chùa phải loay hoay cắt rốn cho Hải, đem vào chùa nuôi dưỡng mấy chục năm trời. May mắn thay, Hải sáng dạ, ăn cơm nhà chùa mà học giỏi nổi tiếng. Hải học hết cấp ba, lại thi đỗ vào đại học, đến giờ đã lấy vợ, có con, công ăn việc làm ổn định. Ơn nhà chùa, có lẽ Hải trả hết kiếp này không đủ.
Hình ảnh chùa Bồ Đề tấp nập trước đây.
Chắc hẳn nhiều người đều biết rằng, bao nhiêu năm qua chùa Bồ Đề là nơi cưu mang, nuôi dưỡng rất nhiều đứa trẻ lang thang không nơi nương tựa. Nhìn nhận một cách công bằng, chùa Bồ Đề không phải là một tổ chức từ thiện, hay có trách nhiệm phải làm công việc này. Nhiều trang thông tin cho rằng, việc nuôi dưỡng những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề là nhếch nhác và đặt ra những nghi vẫn này nọ có phần hơi thái quá. Cho các em một nơi nương tựa, được ăn uống đều đặn hàng ngày, được chữa bệnh khi mắc bệnh là một sự cố gắng rất lớn đối với những người tu hành. Công lao và thiện tâm ấy rất cần xã hội ghi nhận.
Đúng sai thế nào, ai có tội, ai trong sạch thì các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong thời gian tới. Nhưng vì việc này mà để cho một ngôi chùa có bề dày lịch sử, thời gian dài phát tâm thiện nguyện bị ảnh hưởng là điều rất đáng tiếc. Chính vì vậy, trước khi đánh giá hay quy kết về ngôi chùa này mong xã hội hãy nhìn nhận một cách khách quan và công bằng.
Chùa Bồ Đề đang đi qua một mùa Lễ Vu Lan trầm lặng mà những tiếng xấu có lẽ cũng phải mất một thời gian dài mới gột bỏ được. Chúng tôi chỉ tin rằng, những người có tâm, những nhà sư chân chính hãy vẫn vững tin với việc thiện mà mình đang làm. Khi xã hội còn có những đứa trẻ bị bỏ rơi, còn có những người bố người mẹ vô trách nhiệm đang tâm vứt bỏ con mình thì những nơi như chùa Bồ Đề vẫn sẽ là chốn bình yên cần trân trọng.