Liên quan đến vụ xe Audi A8L do tài xế Tân điều khiển đi đón Hồ Ngọc Hà đã tông 11 người bị thương tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất tối 10/2, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi của người lái xe đã có dấu hiệu Vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Theo luật sư, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 202 Bộ luật hình sự, cần phải xác định cụ thể hành vi của người điều khiển phương tiện đã vi phạm qui định nào của Luật giao thông đường bộ.
Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này. Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác.
Chiếc Audi A8 bị hư hỏng nặng phần đầu. Giá thị trường khi dòng xe này ra mắt tại Việt Nam có giá từ 4,4 tỷ đến hơn 5 tỷ đồng tùy theo phiên bản
Hành vi đạp nhầm chân phanh ga thể hiện năng lực của người lái xe. Hành vi để xe ôtô tăng tốc đột ngột đâm vào người khác là vi phạm Điều 12 Luật Giao thông đường bộ và vi phạm các qui định tại Thông tư 13/2009/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải "Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ".
Luật sư Thơm nói, khi xảy ra tai nạn, thiệt hại xảy ra tại thời điểm đó là chưa có người bị chết và chỉ có 11 người bị thương. Để có thể khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra cần thiết phải giám định tỷ lệ thương tật của các nạn nhân và khi có kết quả từ cơ quan Giám định trong tố tụng hình sự thì mới có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng”, "gây hậu quả rất nghiêm trọng”, "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" có quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự.
Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại do có nạn nhân tử vong, cơ quan điều tra có cơ sở xác định hậu quả nghiêm trọng để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các qui định về điều khiển giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự.
Vị luật sư này cũng phân tích, căn cứ theo Điều 632 Bộ luật dân sự “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” có qui định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong vụ án này, theo luật sư, chủ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại, sau đó chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác. Nếu không khởi kiện thì hai bên tự thỏa thuận về số tiền chủ phương tiện đã bồi thường.
Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để bồi thường. Người lái xe thuê không có tài sản để đảm bảo việc bồi thường.