Chồng đánh vợ đến chảy máu đầu chỉ vì một tiếng thở dài

Vừa bê đĩa cá ra, bất ngờ chị lãnh nguyên một cú đánh trời giáng vào đầu từ anh. Rồi liên tục những ghế, cốc chén, sách vở ném tới tấp vào người chị...

Vừa bê đĩa cá ra, bất ngờ chị lãnh nguyên một cú đánh trời giáng vào đầu từ anh. Rồi liên tục những ghế, cốc chén, sách vở ném tới tấp vào người chị...

Đó là câu chuyện đau lòng của chị Nguyễn Thị M. (Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An). Đến giờ khi vết thương chưa lành, đầu chị vẫn nguyên vết sẹo rớm máu từ lần chồng đánh đập mới đây, chị vẫn chưa hết run sợ.

Chia sẻ những lời tâm sự về cuộc sống như địa ngục trần gian của mình, chị M. nghẹn ngào trong nước mắt.

Chị M. sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hoàn cảnh gia đình chị M. không mấy khá giả. Mặc dù cha chị từng là giáo viên trường cấp 1 ở địa phương, mẹ chị làm nông quanh năm tất bật với chuyện đồng ruộng và chăn nuôi nhưng người trong nhà hay đau ốm lại thêm nuôi 3 anh em chị ăn học nên gia đình thường rơi vào cảnh khốn khó.

Chị M. trước đây nổi tiếng là một cô gái xinh xắn, dễ thương, có nhiều chàng trai theo đuổi. Tuy nhiên, sau 2 năm không đỗ đại học, chị quyết định học trung cấp trong tỉnh. Từ đó, chị bắt đầu quen và đem lòng yêu một chàng trai cùng xã, cũng đang theo học trong thành phố.

Thời gian mới yêu nhau, anh rất tình cảm và tỏ ra quan tâm chị hết mức, thế nên dù sau này khi quyết định tiến tới hôn nhân, gia đình ngăn cản và có nhiều lời dị nghị từ hàng xóm lẫn bạn bè trong xã nhưng chị vẫn quyết đến với anh, chị M. chia sẻ.

Đám cưới của chị diễn ra vào một ngày mưa bão, mưa như trút nước, có lẽ vì thế mà cuộc đời chị sau này là những chuỗi ngày đầy nước mắt, chị M. ngậm ngùi nói.

Lúc mới cưới, chuyện mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn khó tránh, nhưng vì phận làm dâu, lại được cha mẹ giáo dục nghĩa lễ từ nhỏ nên chị luôn nín nhịn, bỏ ngoài tai những lời mạt sát vô cớ của mẹ chồng. Chồng chị mới đầu còn thương vợ, cố gắng bảo vệ che chở cho vợ nhưng từ khi sinh đứa con gái đầu lòng, rồi đứa con gái thứ hai ra đời, anh thay đổi tính nết.

Anh thường xuyên đi thâu đêm, có hôm đến 2, 3 giờ sáng mới về nhà. Chị mới đầu nhẹ nhàng khuyên nhủ chồng, nhưng anh không những không nghe vợ mà còn đánh chửi chị thậm tệ hơn. Nhiều lần, chị nhận những cái tát vô cớ, những cái bạt tai đau điếng chỉ vì chồng chị buồn bực chuyện bên ngoài.

Đỉnh điểm, chỉ vì một cái thở dài mà anh ra tay đánh đập chị không thương tiếc. Ghế,
cốc chén, sách vở con anh ném tới tấp vào người chị đến chảy máu đầu. Ảnh minh họa.

Có lần vì một chuyện cỏn con mà anh lấy dép đánh tới tấp vào mặt, vào đầu chị. Chị đau đớn, sáng đi làm mặt mày thâm tím. Chị em cùng cơ quan thấy vậy hỏi thăm thì chị giấu chuyện chỉ bảo bị ngã xe. Nhưng đứa con gái đầu của chị dù còn nhỏ, ngây thơ nhưng đã biết kể hết chuyện cho ông bà ngoại.

Sau mấy hôm bị chồng đánh, chị đưa đứa nhỏ về nhà mẹ đẻ chơi. Con bé ngây thơ kể hết đầu đuôi sự việc cho bà ngoại: “Tối hôm trước bố lấy dép đánh vào mặt mẹ đấy. Mẹ khóc nhiều lắm bà ạ.” Mẹ chị xót con đòi gặp ông bà thông gia để nói chuyện phải trái, nhưng chị đã can ngăn lại vì muốn giữ thể diện cho chồng và cũng mong cứu vớt cuộc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm. Cha chị sau khi biết chuyện vì suy nghĩ căng thẳng mà đổ bệnh. Rồi một đêm sau khi tỉnh dậy, cha chị nằm không cử động được, ông bị tai biến máu não và buộc phải về hưu sớm. Mọi gánh nặng gia đình chị lại đổ dồn lên mẹ chị. Chị càng thấy bản thân có lỗi khi chưa làm được gì cho cha mẹ, lấy chồng sinh con ông bà còn chu cấp nuôi cả mẹ lẫn con, vậy mà bây giờ lại khiến cha chị đổ bệnh nữa...

Chị lại cắn răng, nín nhịn và cố hết sức để làm hài lòng nhà chồng, bố mẹ chồng và người chồng gia trưởng, độc đoán và bạo lực của chị.

Tâm sự trong nhạt nhòa nước mắt, chị M. nói: “Công việc của mình cũng chưa ổn định. Đi làm áp lực công việc đủ thứ nhưng vẫn cố để kiếm tiền nuôi con. Mang tiếng là có chồng nhưng từ lúc cưới, mọi việc chăm con, đóng tiền học cho con, tiền ăn cho cả nhà đều một mình mình lo cả. Thế mà về nhà cũng không lúc nào yên vì hết mẹ chồng này nọ lại đến chồng suốt ngày tìm cớ gây sự rồi đánh đập”.

Đỉnh điểm là mới đây, khi đi làm về mệt, chị gái và em chồng chị dẫn các cháu về chơi. Chị đi làm xong tạt sang giúp nhà anh em trong họ đám giỗ về mệt mỏi chưa kịp nghỉ, thấy chị gái, em chồng và bố mẹ chồng dọn bữa cơm tối. Vừa thay quần áo ngồi xuống mâm, đồ ăn chỉ có mỗi rau và một đĩa cá kho từ hôm nào, chồng chị thấy thế bảo chị vào làm thêm món gì đó cho các con, các cháu ăn.

Chị ấm ức vì trước đó 1 tháng mới phẫu thuật xong, sức khỏe chưa khôi phục trở lại, giờ còn cố đi làm để lấy tiền nuôi con mà chồng chị chẳng được một câu hỏi thăm động viên đã vảo đi làm trong khi các chị, em chồng ở nhà đấy sao không làm đỡ chị, chị có đánh thượt thở dài một tiếng rồi vào bếp nấu.

Nhưng khi vừa bê đĩa thức ăn bước ra, bất ngờ chị lãnh nguyên một cú đánh trời giáng của chồng vào đầu. Rồi liên tiếp anh chửi mắng: “Đồ ngu như con chó...” và anh ném ghế, cốc chén, sách vở của con tới tấp vào người chị. Chị quá bất ngờ không hiểu chuyện gì xảy ra. Chẳng nhẽ vì một cái thở dài mà anh ra tay đánh chị đến mức này ư?

Chị vừa mệt vừa bức xúc nên cãi lại, mẹ chồng chị nghe thế liền vào hùa với con trai: “Làm vợ mà cãi lại chồng thì bị đánh là đúng”. Thấy bà nói thế, con gái đầu của chị liền bênh mẹ: “Bố hư mới đánh mẹ. Bà nói thế là sai rồi”. Con bé thứ hai của chị thấy mẹ khóc, đầu chảy máu liền chạy đến ôm chầm lấy mẹ hỏi: “Mẹ ơi, sao bố lại lấy cốc chén ném vào người mẹ?” Chị đau đớn, rơi nước mắt ôm chầm lấy các con nghẹn ngào nói: “Không phải đâu, bố đùa đấy, bố trêu mẹ đấy, không sao đâu con à”.

Quá bất lực khi cả nhà chồng đều quay mặt lại với mình, chị muốn ôm con đi nhưng chị biết đi đâu bây giờ khi về nhà mẹ đẻ thì bố chị đang bệnh nặng như vậy, chị về bố chị sẽ ra sao khi biết sự thật cuộc đời của con gái, còn mẹ chị nữa, bà đã vất vả lo lắng đủ thứ cho gia đình, giờ mẹ con chị về thì bà sống sao nỗi.

Và chị đưa con đi thì một mình chị không thể nuôi được cả hai đứa với đồng lương ba cọc ba đồng hiện tại. Chị chỉ ước, giá như có một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ thôi thì nhất định chị sẽ dẫn chúng đi để làm lại cuộc đời, để các con chị không phải thường xuyên chứng kiến cảnh bố đánh đập mẹ, không phải nghe những lời thô tục chửi mắng “mày ngu như..., ngu như... thì làm được gì” từ bà nội chúng, từ bố đẻ của chúng”.

Chị chỉ ước, giá như, giá như chị đừng quá nhẫn nhịn, đừng quá hy sinh cho người chồng tệ bạc kia và nghĩ đến tình thế hiện tại để giữ một khoản riêng cho mình thì đâu đến nỗi, chị phải bất lực như hiện tại.