Nhưng đứa con khỏe mạnh còn nhỏ dại đã vực dậy sức sống ở chị. Và xuân này, chị Uyên đã gặp được tình yêu của đời mình…
Chồng cặp bồ mang… HIV về “tặng” vợ
Đã có một thời, chị Nguyễn Thị Uyên (SN 1971, trú tại khu Xuân Áng - thị trấn An Lão – Hải Phòng) khốn khổ, tủi nhục với cái tên “Uyên si đa” mà những người hàng xóm dành cho chị. Chị Uyên từng muốn chết. Nhưng giờ, mọi chuyện đã khác, nụ cười đã nở trên gương mặt của người phụ nữ đầy đau khổ ấy.
Trong hình dung của nhiều người, mang bệnh thế kỷ ắt phải xanh xao, yếu ớt lắm, nhưng trái lại, người phụ nữ tuổi đã ngoài 40 ấy vẫn đẫy đà, tươi tắn lắm. Ở chị Uyên, 9 năm dòng căn bệnh quái ác hành hạ cơ thể vẫn chẳng thể làm phai nhạt nét xuân sắc của một thời con gái. Chị mở lòng chia sẻ về cuộc đời bằng một tâm thái nhẹ nhàng, cởi mở đến không ngờ.
Chị kể, vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuần nông, kinh tế gia đình rất khó khăn nên chị chỉ được học hết cấp II. Rồi chị Uyên xin đi làm công nhân giầy da. Năm 20 tuổi, chị Uyên quen và yêu một người đàn ông làm nghề lái xe. Đám cưới diễn ra trong sự chúc tụng ngập tràn hạnh phúc của hai họ, của bạn bè. Cô con gái đầu lòng của vợ chồng chị ra đời, chị thêm phần viên mãn với hạnh phúc giản dị của đời mình. Chồng của chị Uyên ngày ấy thường gắng “chạy” thêm những chuyến xe đường dài, mong vợ con được đầy đủ hơn. Nhưng rồi, bi kịch đã xảy ra cũng chính từ những chuyến đi biền biệt, “quên” ngày về của chồng chị.
Rồi chị kể về cái ngày định mệnh của đời mình. Khoảng tháng 9/2004, thấy có cơ hội đổi đời nếu đi xuất khẩu lao động nên chị Uyên mạnh dạn làm hồ sơ. Trong lần khám sức khoẻ tại bệnh viện Việt - Tiệp theo quy định trước khi đi xuất khẩu lao động, bác sĩ đưa cho chị tờ giấy xét nghiệm kết quả dương tính với HIV. Giật mình và sợ hãi, chị đã ngất đi.
Nhớ lại thời khắc ấy, chị Uyên cố kìm chế tiếng khóc chực bật ra. Chị bảo: “Tôi khóc tức tưởi từ bệnh viện và cầm tờ giấy trở về nhà. Từ trước đến nay, tôi một mực chung thủy với chồng, thử hỏi làm sao không sốc. Những ngày sau đó, tôi nằm bẹp trên giường không ăn uống gì. Tôi khuyên chồng đi làm xét nghiệm nhưng anh ấy nhất định không đi. Anh ấy còn nghi oan cho tôi không chung thuỷ nên nhiễm HIV. Bị chồng nghi ngờ, buồn chán mà không biết tâm sự cùng ai, nhiều lần tôi định dí tay vào ổ điện để kết liễu cái bi kịch của đời mình. Chết là hết, nhưng đứa con gái lúc đó còn nhỏ dại đã kéo tôi lại, bởi tôi nghĩ rằng mình thì con mình sẽ khổ…”.
Những ngày khủng khiếp ấy, vài người ruột thịt biết chuyện cũng đoán già đoán non rằng chị sẽ không sống nổi. Nhiều đêm thức trắng, khóc ròng khiến chị Uyên sút cân nhanh chóng. Từ một người khỏe mạnh, cao to, chỉ sau một thời gian ngắn, chị chỉ còn nặng 38 kg. Tinh thần suy sụp, chị Uyên chẳng còn đầu óc nào nghĩ đến chuyện làm ăn, buôn bán hay chăm lo những mối quan hệ họ hàng nội ngoại nữa.
Chị Uyên xin nghỉ việc ở công ty, sống khép kín, âm thầm chịu đựng, không dám chia sẻ cùng ai nỗi khổ tâm của mình. Điều duy nhất khiến chị có thêm nghị lực sống những ngày tháng ấy, đó là tờ kết quả xét nghiệm âm tính với HIV của cô con gái.
Chị Uyên chăm sóc một người đồng cảnh ngộ sắp lìa trần.
Khoảng tháng 6/2005, chồng chị Uyên mất. Sau đó, chuyện nhiễm HIV của vợ chồng chị Uyên bị vỡ lở, loan đi khắp nơi. Hễ ai nhìn thấy chị, họ nhìn chị một cách tò mò và xì xầm to nhỏ về câu chuyện gia đình chị. Họ thêu dệt đủ điều về nguyên nhân nhiễm bệnh. Cái tên “Uyên si đa” cũng từ đó mà gắn liền với chị.
Hồi ấy, cứ ra khỏi nhà là chị lấy khẩu trang che kín mặt. Rồi về nhà, chị sợ lây bệnh cho đứa con gái duy nhất của mình nên chị bắt con nằm riêng, quần áo giặt riêng, đồ dùng sinh hoạt cũng dùng riêng. Nhiều khi buồn đau, nhìn ngắm đứa con nhỏ vô tư ngủ, chị muốn thơm lên má con bé cũng chẳng dám. Chị Uyên sợ căn bệnh quái ác sẽ khiến cho điều tốt đẹp duy nhất trong cuộc đời chị tiêu tan.
Tình mẫu tử thiêng liêng vực chị dậy, buộc chị phải sống, không chỉ sống cho chị mà còn cho đứa con rứt ruột đẻ ra. Nhưng chị Uyên muốn sống đàng hoàng, tử tế cũng đâu phải dễ dàng. Từ ngày biết chị bị nhiễm HIV, hàng xóm láng giềng ít qua lại nhà chị, trẻ con cũng chẳng dám bén mảng đến gần. Cuộc sống bó hẹp, kinh tế khó khăn, chị vay vốn mở quầy bán quần áo để kiếm kế sinh nhai. Vốn bỏ ra lớn, quần áo nhiều mẫu mã nhưng chẳng ai dám mua hàng chỉ vì hai chữ “si đa”. Hàng hóa ế ẩm buộc chị phải thanh lý rồi quay sang bán giải khát và nước mía. Và rồi quán giải khát của chị chẳng tồn tại được bao lâu, cũng phải đóng cửa vì không có khách đến uống. Đồng vốn thâm hụt, chị chẳng biết làm gì để kiếm sống và nuôi con ăn học…
Điều cay đắng hơn cả, ngay sau khi chồng chết, chị Uyên phát hiện ra sự thật phũ phàng qua những người lái xe đồng nghiệp của chồng. Trong những tháng ngày chồng chị vẫn nói là đi chạy xe đường dài ấy, thực chất là anh đang sống như vợ chồng với một ả cave giải nghệ ở xã bên. Chồng chị Uyên mất được vài ngày thì ả cave đó cũng chết theo, với các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội hệt như thế. Dẫu người đã chết, cũng chẳng thể dằn vặt hay ghen tuông gì nhưng sự thật làm chị sống khổ hơn chết. Niềm tin trong chị tắt lịm, chị hoang mang, đau đớn đến tột cùng.
Nụ cười trong nước mắt
Trong lúc buồn chán, bế tắc nhất, bất ngờ chị Uyên được người chị họ giới thiệu sang sinh hoạt ở CLB “Tình biển” dành cho người có H của Hải Phòng. Như được tiếp thêm sức mạnh, chị Uyên dũng cảm công khai bệnh tình, mở lòng với mọi người xung quanh. Dần dà, người thân thương chị nhiều hơn, hàng xóm đã bớt đi cái nhìn kỳ thị.
“Giờ thì mọi người vào nhà em chơi không còn bị hàng xóm đánh đồng là cũng bị si đa nữa. Chứ trước đây, nhiều người hàng xóm vẫn cứ nghĩ rằng, đến nhà em, có mối quan hệ với em thì chắc chắn chỉ có người bị si đa như em…” – chị Uyên thoáng rùng mình khi nhớ lại những ngày bị mọi người xa lánh ấy.
Xuân này, chị Uyên đã tìm được tình yêu của đời mình.
Cuối năm 2005, được sự giúp đỡ của CLB “Tình biển”, chị Uyên đã thành lập CLB “Trường Sơn xanh”, với phương châm hoạt động của nhóm là tạo cầu nối và nơi sinh hoạt của những người có H. Lúc mới thành lập, nhóm chỉ có 4 người nhưng nay đã tăng lên hơn 80 người. Bằng tinh thần tự nguyện, hàng tháng vào tối ngày 15, ngôi nhà của chị Uyên lại nhộn nhịp tiếng nói cười, thành viên CLB lại sum họp tại căn nhà nhỏ của chị để sinh hoạt, giao lưu, học hỏi và chia sẻ.
Và rồi hạnh phúc đã mỉm cười với chị Uyên. Dẫu muộn màng và có thể thời gian để tận hưởng hạnh phúc chẳng được nhiều nhưng nhắc đến điều đó, chị Uyên thừa nhận, chị thực sự hồi sinh sau tất cả những bẽ bàng, đau đớn đã qua. Trong số những người đồng cảnh ngộ tìm đến CLB do chị phụ trách để chia sẻ, có một người đàn ông đặc biệt với chị. Anh tên Nguyễn Văn Quynh (39 tuổi, quê ở An Dương – Hải Phòng). Dù anh Quynh kém chị Uyên 2 tuổi, nhưng chị Uyên bảo, ở anh có sự bao dung, đồng cảm và chị thực sự cảm thấy được che chở, yêu thương.
Mới đây, anh đã đến sống cùng mẹ con chị dưới một mái nhà. Vì hoàn cảnh nên anh chị chưa thể có một lễ cưới đàng hoàng để được nhận lời chúc tụng của mọi người nhưng với họ, bấy nhiêu cũng đủ làm ấm lòng nhau. Anh Quynh cũng từng có gia đình, khi sinh con trai đầu lòng được được 2 tháng 27 ngày thì bé mất, với các triệu chứng của nhiễm trùng cơ hội do virus HIV. Nhận kết quả dương tính của con trai, anh Quynh và vợ cũng không tránh khỏi “án tử”. Hai vợ chồng anh Quynh bỏ nhau. Vợ anh Quynh bỏ về quê ngoại ở Bắc Ninh và tìm hạnh phúc mới. Anh Quynh sống với chị Uyên, hai con người bất hạnh nương tựa vào nhau, trân trọng từng phút giây sống để yêu thương, sẻ chia.
Chiều muộn, sau lời chào tạm biệt tôi, chị Uyên tất tả chuẩn bị cho bữa cơm tối để đợi anh Quynh và con gái trở về. Anh Quynh mới được nhận làm phụ xe công-ten-nơ nhờ sự giúp đỡ của những người đồng cảnh ngộ nên đi làm từ sáng. Chị Uyên bảo: “Hôm nay nhà em phải ăn cơm sớm hơn thường lệ để tối tranh thủ đi sắm ít vật dụng gia đình. Tết này phải tươm tất hơn, đàng hoàng hơn vì gia đình thêm người thêm của mà” – chị cười cười pha chút ngượng nghịu. Rời nhà chị Uyên khi khói cơm sôi ngào ngạt. Mùi hương của sự đầm ấm, sum họp ngập tràn trong căn nhà mà ở đó có những con người từng trải qua khoảng thời gian tột cùng đau khổ, bế tắc.