“Lý do tôi chọn du học từ trung học là vì muốn làm quen với phương pháp học trước khi vào ĐH. Đồng thời, du học sinh trung học có thể vào thẳng ĐH mà không cần học lớp dự bị như du học sinh sang Úc sau năm lớp 12”. Minh Trí, từng là du học sinh tại Úc và hiện làm việc cho Quỹ Đầu tư Paul Ramsay Group (Úc), cho biết như vậy về lý do du học từ bậc trung học của mình. Biết rằng lợi thế của việc du học bậc trung học là vậy nhưng nhiều phụ huynh, học sinh không khỏi băn khoăn, sợ rằng khả năng hòa nhập, tự lập của con em mình chưa đủ. Nên du học thời điểm nào? Nên du học bậc phổ thông, ĐH hay sau ĐH…? Câu trả lời lại nằm ở chính sự sẵn sàng của bản thân học sinh.
Chuẩn bị kỹ kiến thức
“Để du học có kết quả, bạn cần phải chuẩn bị một hành trang thật tốt về nền tảng kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm sống... Những yếu tố đó sẽ quyết định thời điểm để bạn có thể du học” - Tân Thanh, du học sinh tại ĐH Melbourne, cho biết.
Theo các du học sinh, kiến thức nền đóng vai trò quan trọng khi du học. Nếu bị hổng kiến thức, việc học tập sẽ rất vất vả. Bởi lẽ, du học là phải làm quen phương pháp học mới, nền văn hóa mới, hơn nữa lại học tập không phải bằng tiếng mẹ đẻ. Chưa kể, sinh viên phải tiếp cận khối kiến thức đồ sộ và mất nhiều thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu tài liệu…
Với việc chuẩn bị ngoại ngữ, đây là điều đương nhiên phải làm khi chọn con đường du học. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, Tân Thanh cho rằng học sinh cần trang bị tốt kỹ năng tiếng Anh giao tiếp để ra nước ngoài có thể hòa nhập nhanh, nhất là kết bạn với du học sinh quốc tế và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Học sinh Việt Nam hay quan trọng vấn đề điểm số. Nhiều bạn chỉ tập trung vào việc học mà quên trang bị kỹ năng giao tiếp. Có nhiều trường hợp đạt điểm tiếng Anh cao, viết bài luận và học rất giỏi nhưng khi giao tiếp với người lạ thì rất ngại ngùng. Điều đó làm hạn chế khả năng thành công khi du học cũng như lập nghiệp sau này.
Trang bị tốt kỹ năng thích nghi
Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức và ngoại ngữ, điều quan trọng nữa là chuẩn bị về kỹ năng sống - một yếu tố mà ít phụ huynh quan tâm khi quyết định cho con du học. Kinh nghiệm của nhiều du học sinh cho thấy đây là điều rất quan trọng trong việc thành công khi học ở xứ người.
Khi du học xa nhà, nhiều bạn sẽ hiểu một phần của cuộc sống mà mình sẽ gặp phải nơi xứ người. Trương Lê Hoàng, du học sinh tại ETS (Canada), tâm sự: “Trong suốt thời gian du học, nhiều lúc mình đã xuống tinh thần. Không ngờ tinh thần lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến mình như vậy. Có lẽ do quen với việc có gia đình bao bọc từ nhỏ nên mình khá sốc khi lần đầu tiên phải đối mặt và giải quyết mọi vấn đề”.
Bảo Loan, học thạc sĩ tại University of Massachusetts, Lowell - Mỹ, nhớ lại: “Thời gian đầu quả là rất khó khăn mà hầu như du học sinh nào cũng phải trải qua. Dù có tham dự ngày hội đón tân sinh viên và được các sinh viên cũ giúp đỡ, cung cấp một số thông tin cần thiết nhưng mình vẫn ngỡ ngàng và lạ lẫm”. Từ thức ăn, nơi ở đến việc học tập đều khác biệt so với những gì Loan từng trải qua. Nhiều lúc ngồi trước đề tài được giao, Loan không biết bắt đầu từ đâu nhưng cuối cùng, cô đã vượt qua được bằng chính ý chí của bản thân.
Du học là bắt đầu cuộc sống không có người thân bên cạnh để giúp đỡ. Thời gian đầu sẽ không có hoặc ít bạn bè… Do đó, học sinh cần chuẩn bị tốt tinh thần cho một cuộc sống tự lập, tự chăm sóc bản thân, dễ thích nghi với cuộc sống mới, con người mới, thức ăn mới... Nếu làm được những điều như vậy, học sinh đã sẵn sàng cho việc du học.