Chọn ngành học nên bắt đầu từ đâu?

Nhiều chương trình tư vấn được thiết lập đã hỗ trợ không ít cho phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, chọn ngành hay chọn  nghề, xác định vào thời điểm nào...vẫn là những vấn đề mà HS chưa trả lời được.

Tự nhận diện mình là ai, thích gì và nghề nghiệp nào là phù hợp với bản thân

Để có thể tự nhân diện về mình, có thể tự trả lời các câu hỏi theo các bước sau:

Nhận dạng về sở thích hay sự quan tâm của HS

Hãy quan tâm đến những việc đang diễn ra xung quanh, xem báo đài để bắt đầu bằng việc tự trả lời câu hỏi về những công việc mình yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp nào có thể làm hoặc thậm chí những ngành học nào mình ưa thích và điều quan trọng là bạn phải biết vì sao mình thích. 

Có thể đọc kỹ về nghề nghiệp nào đó nhiều lần và nếu cảm thấy thật khó hiểu, bạn nên tìm hiểu nghề khác.

Nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của bản thân

Mỗi cá nhân đều có thể thành công nếu được làm đúng môi trường phù hợp với tính cách và giá trị của mình. Để nhận dạng nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của bản thân, hãy tự trả lời các câu hỏi: Mình khá nhất ở mặt nào; Mình thích hoặc bạn thành công nhất ở những hoạt động nào hoặc thế mạnh của mình là gì?

Như vậy, giai đoạn này, cần xác định được nghề nào là HS yêu thích, trong đó nghề nào là phù hợp với HS.

Có thể học ở đâu theo nghề nghiệp phù hợp nhất với mình?

Để làm được nghề yêu thích, phù hợp với mình, bước tiếp theo phải tìm xem những ngành học nào  tương ứng với nghề HS yêu thích. Đây là giai đoạn rất quan trọng, bởi đây là quá trình tự tìm hiểu của học sinh nhằm thu thập thông tin về các trường ĐH, CĐ, TCCN, CĐN, TCN và thiết lập mục tiêu cá nhân.

Nếu tìm hiểu kỹ, nhiều thông tin sẽ giúp H Scó cơ sở để xác định chính xác hơn đâu chính là sở thích hay sự quan tâm thật sự của mình. Để thực hiện việc này, có thể tham khảo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, danh mục giáo dục đào tạo cấp IV - trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

Giai đoạn này, HS sẽ ghi lại những ngành nào, trường nào, mức điểm chuẩn… tương ứng với các nghề mà mình đã xác định được ở phần 1.

Sức học của HS như thế nào?

Đây là bước mà nhiều học sinh thường “nhắm mắt” bỏ qua, hoặc “đại khái” để tự hài lòng hoặc hy vọng vào sự may mắn. Nhưng, thực tế tuyển sinh “3 chung” đã chứng minh có sự phân luồng về chọn ngành, chọn trường theo sức học của từng học sinh.  Vì vậy, cần phải biết tự lượng sức mới có hy vọng thực hiện được ước mơ về nghề nghiệp.

Để theo dõi và cải thiện học lực, học sinh làm theo mẫu, lưu giữ, đối chiếu với từng học kỳ. Việc xác định sớm và thường xuyên năng lực học tập sẽ giúp học sinh có thể tự điều chỉnh việc học nhằm đạt được mơ ước của mình. 

Nếu sức học quá chênh lệch với ước mơ, nên học ở một trường khác để có nghề nghiệp mà mình yêu thích, và đủ sức vào theo các tiêu chí tuyển sinh của trường đó.

Lập sổ tay hướng nghiệp

Lập sổ tay hướng nghiệp chính là quá trình tự hướng nghiệp bản thân, kiểm soát, điều chỉnh hành vi để đạt mục tiêu cao nhất. 

Như vậy, chọn lối đi sau khi tốt nghiệp THPT là cả một quá trình, nên bắt đầu sớm, ngay từ học kỳ đầu tiên của lớp 10, được tiến hành theo từng học kỳ và bắt đầu bằng những mơ ước của mình về nghề nghiệp đến thực tế của bản thân. 

Trong quá trình này, học sinh có thể tự cải thiện những yếu điểm của mình, quan trọng là học lực và sức khỏe để có thể thực hiện được ước mơ của mình.