Yêu cầu trên được đưa ra đúng vào thời điểm dịch vụ này cũng bị cấm hoạt động trong phạm vi thủ đô Ấn Độ và ở Tây Ban Nha.
Trong một thông báo, Cục Giao thông vận tải đường bộ Thái Lan cho biết các tài xế phục vụ khách thông qua Uber phần lớn không được đăng ký và không được bảo hiểm để lái xe thương mại. Thêm vào đó, hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng của Uber cũng bị xem là không phù hợp với các quy định hiện hành tại Thái Lan.
Phát biểu với báo giới sau một cuộc họp với các hãng Uber, GrabTaxi và EasyTaxi để bàn về việc quản lý các dịch vụ taxi qua mạng Internet, Cục trưởng Cục Giao thông vận tải đường bộ Thái Lan Thiraphong Rodprasert tuyên bố Uber "phải ngừng hoạt động ngay lập tức” do vi phạm pháp luật.
Theo ông Thiraphong Rodprasert, tại Thái Lan, Uber đóng vai trò trung gian giữa các chủ xe tư nhân và hành khách cũng như có một cơ cấu cước phí riêng. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống vẫn sử dụng đồng hồ đo để tính cước.
Theo quan chức trên, những tài xế dùng xe riêng vào mục đích thương mại có thể bị phạt 2.000 baht (hơn 60 USD). Tuy nhiên, hiện giới chức nước này vẫn đang tiếp tục thảo luận với các chuyên gia pháp lý để vận dụng các mức phạt cao hơn nhằm mang tăng tính răn đe.
Ra đời từ năm 2009, Uber là dịch vụ cho thuê xe và đi chung xe qua ứng dụng trên điện thoại di động, cho phép người sử dụng đi nhờ xe của một người hoàn toàn xa lạ với mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với đi taxi truyền thống.
Với hệ thống định vị toàn cầu (GPS), ứng dụng Uber sẽ kết nối trực tiếp những người có nhu cầu đi nhờ và những lái xe ở vị trí gần nhất. Uber sẽ được nhận một khoản chi phí cung cấp dịch vụ cho mỗi cuốc xe.
Tuy nhiên, từ khi ra đời, ứng dụng này đã vấp phải sự phản đối của các tài xế taxi trên khắp thế giới, đặc biệt tại châu Âu, do cho rằng loại hình phi truyền thống này gây ảnh hưởng tới lượng khách hàng của họ. Nhiều hãng taxi ở châu Âu đã tổ chức biểu tình trên đường phố nhằm phản đối hoạt động của Uber