Chính phủ đồng ý chủ trương áp trần giá sữa

Chính phủ đã đồng ý chủ trương áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Tài chính đề xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, liên ngành Tài chính- Công thương kiểm tra 5 công ty sữa chiếm 90% thị phần sữa cho trẻ dưới 6 tuổi gồm: Công ty cổ phần sữa VN (Vinamilk), Công ty trách hiệm hữu hạn dinh dưỡng 3 A, Cty TNHH Nestle VN, và Công ty TNHH FrieslandCampina VN, Công ty Mead Johnson VN, trong đó 3/5 công ty nhập khẩu sữa thành phần phân phối, 2 cty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa. Cả 5 công ty đều có hình thức bán hàng chủ yếu là mua đứt bán đoạn qua hệ thống phân phối khách hàng.

Về việc chấp hành pháp luật về giá, theo quy định việc tăng giá bán phải kê khai giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, từ cuối năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, có 3 công ty kê khai giá và tăng giá gồm: Mead Johnson Việt Nam (tăng 16/24 sản phẩm từ 12/12/2013), Công ty Vinamilk (tăng 27/32 sản phẩm từ 10/2/2014, và tăng 5/32 sản phẩm từ 1/4/2013 với mức tăng 7-14%), Nestle Việt Nam (tăng 11/24 sản phẩm từ 1/2/2014 với mức tăng từ 5-9%). Có 2 công ty kê khai tăng giá nhưng đến 14/4 chưa tăng là Công ty TNHH 3A và Công ty FrieslandCampina Việt Nam.

Kết quả thanh tra cho thấy việc kê khai giá của Công ty Nestle Việt Nam có sai phạm. Ngày 10/1 công ty kê khai giá 12 sản phẩm và tăng giá 11 sản phẩm từ 1/12. Cục Quản lý giá có công văn yêu cầu giải trình kê khai giá, nhưng công ty vẫn thực hiện tăng giá bán. Số tiền chênh lệch giá bán tăng 11 sản phẩm này từ 1/2/2014 đến 31/3/2014 là hơn 5,229 tỷ đồng.

Về chi phí sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, có một số vi phạm. Về sai phạm liên quan đến hành chính, Bộ Tài chính sẽ xử phạt hành chính. Đối với chi phí bất hợp lý, hợp lệ như chi phí quảng cáo quá lớn, Bộ sẽ tính toán để thu thuế lợi tức. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua thanh tra cho thấy các công ty tăng giá quá cao. Đặc biệt qua thanh tra thấy lợi nhuận của các công ty này lên tới từ 23- 36% trong năm 2013

Căn cứ vào pháp luật hiện hành và qua tìm hiểu kinh nghiệm các nước như là Mỹ, EU, Thái Lan, đặc biệt là Malaysia (quy định với 14 mặt hàng cơ bản trong đó có sữa muốn tăng giá phải được sự đồng ý của Bộ Thương mại) và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Tài chính đề nghị khống chế giá trần đối với mặt hàng sữa.

Theo rà soát của Bộ Tài chính, với các quy định pháp luật, việc ban hành giá trần cho mặt hàng sữa là không vi phạm quy định pháp luật, kể cả các quy tắc WTO.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh việc Bộ Tài chính và các cơ quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đã kiểm tra 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa. 

Ông Nhân cũng đồng tình với kiến nghị áp giá trần của Bộ Tài chính bởi đây là giải pháp đúng quy định pháp luật, hài hòa lợi ích và nhân văn. 

“Tôi nói nhân văn bởi nếu khống chế giá tối đa thì sản phẩm của FrieslandCampina sẽ giảm 74.000 đồng/hộp sữa 1,5 kg; sản phẩm của Nestle loại 900 gam sẽ giảm 51.000 đồng/hộp; sữa Abbott sẽ giảm 59.000 đồng/hộp 900 gam. Cả nước hiện nay có 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, liên quan 10 triệu hộ gia đình nếu làm được điều này sẽ đỡ vất vả cho người dân rất nhiều”, ông Nhân cho biết. 

Về yếu tố hài hòa, ông Nhân dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, có doanh nghiệp lợi nhuận trước thuế trên doanh thu từ 23- 36% là rất cao. Bởi thông thường lợi nhuận trên vốn riêng chỉ từ 10- 15%, còn lợi nhuận trên doanh thu chỉ trung bình 3- 5%, nhưng các doanh nghiệp sữa đã có lợi nhuận trên doanh thu tới 36% là vô cùng cao. Do vậy, buộc doanh nghiệp điều chỉnh thì vẫn hài hòa lợi ích các bên. Đại diện UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM tại phiên họp đều thống nhất cao phương án quản lý giá sữa mà Bộ Tài chính đưa ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh kết quả thanh tra và kiến nghị áp giá trần của Bộ Tài chính nhưng cho rằng nếu Bộ Tài chính thông qua cơ quan thuế phát hiện việc này sớm hơn thì tốt. Do vậy, Bộ Tài chính phải rút kinh nghiệm trong quản lý, kịp thời phát hiện sớm hơn nữa. Nếu quản lý sớm thì cả chục triệu gia đình, nhất là các hộ nghèo được hưởng. 

“Doanh nghiệp lời to như thế do vậy phải điều chỉnh hài hòa như các nước đã làm để doanh nghiệp lời cũng vừa phải thôi”, Thủ tướng nói.