Chiến sĩ duy nhất sống sót trong vụ rơi máy bay MI 171 tại Hoà Lạc (Kỳ 1)

Với thương tích do rơi máy bay MI 171 tại Hoà Lạc, thì sự sống của Thượng uý Đinh Văn Dương rất mong manh và điều khiến thượng uý sống sót lại là món quà từ gia đình ...

Sức sống thần kỳ

Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba, cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ gần nhau là cười…”, tiếng hát trong trẻo của cô bé Đinh Thị Hải Yến (4 tuổi, con gái Thượng uý Đinh Văn Dương) cùng lời nhắn: “Chúc ba mau khoẻ mạnh” vang lên từ căn phòng nhỏ của Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc Gia, nơi chiến sỹ này đang điều trị.

Hôm nay, căn phòng ấy thay vì quy định nghiêm ngặt cho bệnh nhân tĩnh dưỡng và điều trị, những người có mặt có cảm giác như đang đứng trước một sân khấu đặc biệt dành cho cha và con anh. Mùi hăng hắc của thuốc sắt trùng và kháng sinh liều cao dường như đã tan biến trong căn phòng ăm ắp tình yêu, niềm hạnh phúc của một gia đình nhỏ có bố mẹ và người thân.

Lúc này chiến sỹ Đinh Văn Dương vẫn nằm bất động trên giường bệnh, chân tay teo đi vì chuỗi ngày nằm liệt giường điều trị nhưng bờ môi anh đã có thể hấp háy theo lời con, đôi mắt sáng lên niềm vui và những dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi vì cảm động.

Chứng kiến cảnh đó, những người thân và cả đội ngũ y, bác sỹ cũng không kìm được lòng. Cậu con trai tròn 4 tháng của chiến sỹ Dương chào đời chỉ vài ngày sau khi anh gặp nạn. Hôm nay cháu bé được mẹ bế ẵm lại gần để hôn lên khuôn mặt người cha, khuôn mặt còn chi chít những vết sẹo chưa lành da. Một món quà không hề nhỏ chào mừng ngày anh Dương chính thức hồi tỉnh, món quà đầy ý nghĩa, tiếp thêm nội lực và niềm tin yêu vào cuộc sống để anh tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.

Để có được phút giây gia đình đoàn tụ ngọt ngào này, anh Dương đã trải qua hơn 100 ngày hôn mê, “chiến đấu” giành lại sự sống tưởng chừng đã có lúc mong manh như sợi tóc.

Bác sĩ Lê Quang Thảo, người trực tiếp điều trị cho chiến sĩ Đinh Văn Dương còn nhớ, hôm 7/7/2014, bệnh viện nhận được tin báo có máy bay rơi, những người gặp nạn đang được xe cấp cứu đưa đến. Các bác sĩ giỏi nhất của Viện Bỏng quốc gia cũng như các chuyên gia đầu ngành về bỏng nhanh chóng có mặt để sẵn sàng triển khai công tác khám bệnh cứu người. Các thầy thuốc của Khoa Cấp cứu hôm ấy đã có một đêm không ngủ. Anh Dương bị nổ văng mắc vào ngọn cây, nhập viện trong tình trạng bỏng hô hấp kết hợp đa chấn thương, độ bỏng sâu gần 60%, được nhận định nhẹ nhất trong số 5 chiến sĩ được cấp cứu tai nạn. Để cứu các anh, các bác sĩ đầu ngành của 7 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã đến phối hợp cùng các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia, túc trực điều trị suốt 2 tháng rưỡi.

Khi nhập viện, anh Dương ở trạng thái hôn mê sâu, tình trạng nguy kịch kéo dài. 2 ngày đầu tiên, dù các bác sĩ điều trị theo đúng phác đồ nhưng huyết áp anh Dương vẫn tụt, tim ngừng đập 2 lần. Trong thời kỳ anh bị nhiễm khuẩn nặng, các bác sĩ phải tháo khớp gối và 10 đầu ngón tay hoại tử của anh. Nhờ có sự chăm sóc y tế tốt nhất cùng sự tận tâm của đội ngũ y bác sỹ, đã có những lúc anh Dương có tín hiệu phục hồi tốt. Vậy nhưng bước sang ngày thứ 77 của đợt điều trị, anh vẫn lâm nguy khi đột nhiên suy 5 tạng, nôn ra nhiều máu, tiên lượng tử vong cao.

Hiện trường vụ máy bay MI 171 rơi

Một cuộc hội chấn của đội ngũ chuyên gia đầu ngành diễn ra ngay sau đó. Trong bối cảnh các đồng đội của anh Dương đã lần lượt ra đi sau ít ngày điều trị thì anh chính là hi vọng cuối cùng. Và việc anh còn đấu tranh với tử thần được tới thời khắc này cũng đã là một chuyện không tưởng nên các y bác sĩ càng quyết tâm phải cứu cho được bệnh nhân này. Các bác sĩ tiếp tục cho anh dùng thuốc trợ tim, vận mạch, duy trì huyết áp, lọc máu liên tục kết hợp với các loại khoáng sinh tốt nhất. Khoảng 15 ngày sau, các cơ quan của anh Dương bắt đầu hồi phục thần kỳ nhưng anh vẫn phải dùng máy thở cùng thuốc an thần…

Sau 105 ngày nằm trong phòng cấp cứu, đến ngày 31/10/2014, anh Dương được rút ống thở và tỉnh lại. Anh hồi phục trí nhớ nhanh chóng, tâm lý không hoảng loạn khiến các bác sĩ rất bất ngờ. Anh nhớ tất cả ký ức về thời khắc máy bay rơi và khóc mỗi lần nhớ lại. Anh còn nhớ cả số điện thoại của vợ và đọc cho các bác sĩ. Các bác sĩ cũng tiến hành kết hợp điều trị tâm lý, để người nhà, đồng đội vào thăm, động viên hàng ngày để anh không suy sụp bởi những thương tật nặng mà vụ tai nạn để lại.

Hơn cả một món quà

Bác sĩ Lê Quang Thảo cho biết, anh Dương là người có nội lực mạnh mẽ hiếm gặp, sức sống bền bỉ phi thường vì đối với những trường hợp bỏng nặng, hôn mê sau như anh, tỷ lệ tử vong là cao đến 100%. Anh Dương có chu kỳ điều trị, phục hồi phức tạp theo hình sin, đặc biệt thời điểm anh đột nhiêm suy 5 tạng, nôn ra cả máu tưởng rằng đã “ra đi”. Thời gian điều trị kéo dài khiến bác sĩ Thảo gắn mình với anh Dương như “con mọn”. Thậm chí, đã không ít lần bác sỹ Thảo còn gọi nhầm tên đồng nghiệp thành tên anh Dương.

Lần đó, không phải ca trực của mình nhưng nghe đồng nghiệp nhắn tin bảo đến nhìn mặt anh Dương lần cuối, bác sĩ Thảo có cảm giác tê tái, không giấu được nỗi buồn bất lực. Chứng kiến cảnh những đồng đội của anh Dương lần lượt ra đi, nay anh là tia hy vọng cuối cùng đang lụi tắt, bác sĩ Thảo càng thấy hụt hẫng…

Tiên lượng rất xấu, nhưng điều thần kỳ đã xảy ra vào tuần tiếp theo, anh Dương hồi phục ngoài sức tưởng tượng. Tới thời điểm này, khi anh Dương phục hồi hoàn toàn thì bác sĩ Thảo chỉ có thể dùng hai từ kỳ diệu mới có thể diễ tả hết cảm xúc của mình!

Vì vậy, giây phút rút ống thở, anh Dương tỉnh táo gọi tên vợ, rồi hai người họ oà khóc với nhau, bác sĩ Thảo cũng khó kìm được giọt nước mắt của mình. Sự tiến triển càng rõ rệt hơn khi anh Dương bắt đầu tập ăn, uống trở lại. Một sáng vào thăm, hỏi anh Dương đã ăn gì chưa? Anh tếu táo đáp lại: “Hôm nay em ăn nhiều lắm! Hai quả trứng vịt lộn và quả cam”. Nghe bệnh nhân nói vậy, bác sỹ Thảo chỉ biết cười theo: “Ăn nhiều thế, để phần tôi với..”. Tinh thần lạc quan chính là một “vũ khí” quan trọng tiếp thêm sức cho anh Dương trong hành trình chiến đấu chống lại tử thần.

Có thể nói sự phục hồi của anh Dương là trường hợp hiếm gặp trong lịch sử y học ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời cũng là món quà ý nghĩa nhất dành cho sự tận tâm, tận lòng của đội ngũ y bác sỹ đã dốc hết sức cứu chữa cho anh trong bao ngày tháng qua. Hiện tại các cơ quan khác trong cơ thể anh Dương đang dần hồi phục tích cực, da đã che phủ một phần cơ thể. Anh Dương đã được chuyển sang giai đoạn điều trị tích cực tăng cường vận động cơ.

(Còn nữa)