Chiến hạm Gepard-3.9 Việt Nam có thể trang bị tên lửa mới

Hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mới của Hải quân Việt Nam có thể được trang bị đạn tên lửa phòng không mới Sona-M.

Hệ thống pháo/tên lửa phòng không tầm gần (CIWS) Palma trên 2 tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9 mới của Hải quân Việt Nam có thể được trang bị loại đạn tên lửa Sonar-M mới nhất.

Hãng tin ARMS-TASS dẫn lời ông Alexander Denisov, Giám đốc điều hành công ty Vysokotochnye Kompleksy cho biết, đến cuối năm 2016, đầu năm 2017, Quân đội Nga sẽ bắt đầu đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Pantsir-SM, với các tính năng tác chiến vượt trội so với hệ thống Pantsir-S1 hiện tại.

Theo ông Denisov, hệ thống Pantsir-SM sẽ nhận được loại đạn tên lửa tốc độ cao mới, mà gần đây đã được thử nghiệm ở trường bắn Ashuluk. Đây sẽ là loại tên lửa được sử dụng hiệu quả hơn nhờ được hỗ trợ bởi một radar và tram phát hiện mục tiêu mới, có các đặc điểm vợt qua các hệ thống hiện có.


Cận cảnh hệ thống Palma trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của HQVN khi chưa lắp đạn tên lửa Sona-R.

Bên cạnh đó, ông Denisov cũng tiết lộ rằng, Nga cũng đang thử nghiệm loại đạn tên lửa phòng không mới nhất Sona-R, trang bị trên các hệ thống pháo/tên lửa phòng không tầm gần (CIWS) Palma, mà dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm vào mùa thu này.

"Tên lửa Sona-M đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, theo kế hoạch của chúng tôi, các bài kiểm tra sẽ được hoàn thành trong khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay", ông Denisov nói.

Tuy nhiên, vị Giám đốc của Vysokotochnye Kompleksy từ chối tiết lộ chi tiết về đặc điểm kỹ chiến thuật của tên lửa Sona-M mới, chỉ biết rằng đây là một biến thể hiện đại hóa sâu của đạn tên lửa Sona-R mà hiện đang được trang bị trên các hệ thống phòng không Palma mà Hải quân Nga và Hải quân Việt Nam trang bị.

Đạn tên lửa phòng không tầm gần Sona-R được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 10km và độ cao 5km. Đây là loại tên lửa cao tốc, có khả năng đạt tốc độ lên tới 900 m/giây.

Ông Denisov cho biết, với những cải tiến trên hệ thống pháo/tên lửa phòng không Palma, Vysokotochnye Kompleksy hy vọng sẽ nhận được yêu cầu cung cấp từ Hải quân Nga.

"Hải quân chúng tôi đang chú trọng tới phiên bản của hệ thống Pantsir, nhưng tôi nghĩ rằng, trong tương lai Palma sẽ đáp ứng được yêu cầu của họ trên một số đặc điểm riêng biệt", ông Denisov nói.

Ngoài ra, hệ thống Palma cũng đã được trang bị trên 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Theo kế hoạch, ở 2 tàu Gepard 3.9 mới của Việt Nam cũng sẽ nhận được thêm 2 hệ thống như vậy.

Chính vì vậy, hệ thống Palma dễ dàng cải thiện được sức mạnh nếu như được trang bị loại đạn tên lửa mới Sona-M, sau khi được thử nghiệm thành công.

Hệ thống pháo/tên lửa phòng không tầm gần Palma được trang  bị 2 pháo 6 nòng 30mm và 8 tên lửa phòng không Sona-R, có thể đánh chặn mục tiêu tên lửa trên không ở khoảng cách tới 10km, độ cao 5km (đối với đạn tên lửa) và 4km khi sử dụng pháo.