Cháy rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine lo lắng

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Arsen Avakov, lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã được điều động sau khi xảy cháy rừng ở gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

“Tình hình cháy rừng ở gần nhà máy điện Chernobyl đang trở nên xấu đi”, ông Avakov đã viết trên trang Facebook cá nhân của mình. “Ngọn lửa đang lan dần đến khu vực nhà máy cũ. Gió mạnh đã khiến đám cháy có thể chỉ còn cách lò phản ứng 20 km. Hiện đang có khoảng 400 hecta rừng nằm trong khu vực nguy hiểm”.


Khu vực nhà máy Chernobyl giờ đây bị bỏ hoang vì chất phóng xạ.

Cảnh sát và Vệ binh Quốc gia Ukraine hiện đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Thủ tướng Ukraine đã đích thân đến khu vực bị ảnh hưởng nhằm giám sát công tác cứu hỏa. Ông nói rằng tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát và “đây là vụ cháy lớn nhất kể từ năm 1992”.

Bộ Tình trạng Khẩn cấp Ukraine cho biết, 182 người và 34 xe đã được cử để dập tắt đám cháy. Trực thăng và phi cơ chữa cháy cũng đã được điều động tới khu vực này.

Theo người đứng đầu của cơ quan giám sát Khu vực Cách ly Chernobyl, ông Vasily Zolotoverkh, mức độ phóng xạ trong khu vực vẫn đang ở mức bình thường. “Khu vực hỏa hoạn không bị nhiễm phóng xạ”, ông Zolotoverkh khẳng định. Ông cho biết ngọn lửa bắt đầu bùng lên vào buổi trưa, khi các đơn vị cứu hỏa đã dập tắt một ngọn lửa khác vào đêm ngày hôm trước. Nguyên nhân của vụ cháy có thể là bởi tàn thuốc chưa tắt hẳn của một ai đó.

Ông Zolotoverkh trước đó đã nói rằng vụ cháy rừng này không phải là mối nguy hại đối với Lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl cũ.

Chernobyl và khu vực lân cận đã bị bỏ hoang và cách ly hoàn toàn sau thảm họa diễn ra vào tháng 4/1986, khi một vụ nổ lớn đã giải phóng một lượng lớn chất phóng xạ vào trong không khí. Mức độ phóng xạ đo được tại nhiều nơi ở châu Âu đã tăng lên sau sự kiện này.

Chernobyl là thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại về thương vong cũng như chi phí tái thiết. Lò phản ứng số 4, nơi vụ nổ xảy ra, nay đã được xây kín lại bằng các bức tường bê tông để ngăn ngừa rò rỉ phóng xạ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.