Nhưng có những thứ một khi đã thành tro tàn thì chỉ còn dùng được vào đúng một việc là lưu lại nỗi hổ thẹn. Lương tâm, trách nhiệm đạo đức của mỗi con người trước nỗi an nguy của cộng đồng chính là thứ như vậy.
Cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, một cái tin còn thua xa mức độ chú ý của dư luận trong những phút đầu tiên, so với chuyện mua bánh trung thu phải xếp hàng. Có vẻ như vẫn là lý do vô cảm, bị nhiễu loạn cảm xúc, hay đơn giản chỉ là chuyện đó vẫn thường xảy ra? Khi những con số thiệt hại được nêu lên, khi những cảnh khóc ngất của đồng bào hiện trên màn hình, tầm mức tang thương của nó mới được định vị. Bấy giờ mới là đau xót, tức giận và kinh hãi.
Mô tả này không hề định bôi nhọ ai, bởi vì nếu thế thì không ai đủ sức. Nó chỉ nhằm tới một hiện thực là, chuyện cháy chợ, cháy khu dân cư, cháy nhà hàng, cháy xe, cháy rừng…những đại thảm hoạ cho cộng đồng, từ lâu lại thành chuyện thường ngày. Lý do là nó không hề hiếm gặp. Vừa mới cháy Khu công nghiệp Puen, vừa mới cháy kinh hoàng ở xưởng xốp Bắc Ninh, vừa mới cháy cây xăng phố Trần Hưng Đạo, vừa mới cháy khu nhà gỗ phố Hồng Hà, vừa mới cháy nhà hàng M.P, nhà hàng C.Q, vừa mới cháy khu vui chơi giải trí Mỹ Đình, vừa mới cháy hàng loạt khu dân cư…tất cả đều vừa mới đây, với thiệt hại cũng không hề nhỏ tí nào.
Có vẻ như chuyện cháy cứ phải xảy ra, như là định mệnh vậy. Không thấy ai bị quy trách nhiệm cụ thể. Rất ít, nếu không muốn nói là chưa thấy phiên toà nào (trong vài năm gần đây) xử những người phải chịu trách nhiệm liên quan đến cháy. Còn lý do của mỗi vụ cháy, chả cần phải chờ kết luận, bởi trước sau đều chỉ là do bất cẩn, do thiếu ý thức…Nếu ai đó muốn quan tâm sâu hơn rằng, tại sao một đám cháy lại không được cảnh báo sớm, khi xảy ra cháy sao không được hệ thống chữa cháy tự động loại trừ nhanh chóng, thì cũng đã có sẵn câu trả lời không bao giờ sợ sai: Do hệ thống vòi nước để lâu “không dùng” (ý là không cháy thường xuyên) nên bị tắc, bị hết nước... Thế còn lực lượng chữa cháy đã làm gì? Cũng luôn có câu trả lời đảm bảo chất lượng ở mức an toàn: Họ đã làm hết khả năng nhưng vì quy mô vụ cháy quá lớn so với năng lực chữa cháy, do vị trí nơi xảy ra cháy bị cản trở, đường tiếp cận đám cháy quá nhỏ, không gần nguồn nước, thậm chí đã có lần lỗi là do người dân…hiếu kỳ gây tắc đường xe cứu hoả, gây vướng chân vướng tay lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp!
Đã đủ thoả mãn người hỏi chưa? Nếu chưa đủ thì cũng vẫn còn nhiều câu trả lời dự trữ, ví dụ như xe cứu hoả “mình đỏ như lửa/ bụng chứa nước đầy/đang chạy như bay…” thì chết máy! Chả ai bắt lỗi được chiếc xe chết máy! Tóm lại, trăm phần trăm vụ cháy gây thiệt hại là do…không may! Không may tức là do số trời rồi! Mà phải cái đoạn số xấu thì giáng mà chịu chứ kêu ai được bây giờ.
Với cái tâm lý thờ ơ, lạnh nhạt của xã hội như vậy đối với các vụ cháy, thì Trung tâm thương mại Hải Dương còn lâu mới là vụ cháy lớn cuối cùng. Lý do của nó đương nhiên vẫn cứ phải giống hệt hàng trăm vụ cháy trước: Do bất cẩn. Vì có muốn tìm ra lý do khác cũng khó. Tất nhiên hệ thống báo cháy và vòi phun nước tự động hỏng từ lâu rồi, có thể hỏng ngay khi Trung tâm được nghiệm thu và ai cũng ngầm biết như vậy. Chuyện quá bình thường! Đến hiện đại như chợ Đồng Xuân những thứ đó cũng còn tịt ngòi nữa là cái Trung tâm thương mại tỉnh lẻ? Chỉ “rủi” cho những người muốn đổ lỗi tại trời, (hay tại quỷ sứ) là lần này “không may” vị trí cháy lại nằm ở một nơi vô cùng quang đãng, ba mặt đều có đường cho ô tô tải vào tận nơi. Nghĩa là rất nhiều hướng tiếp cận thuận lợi.
Trong khi đó bên cạnh, đằng trước đằng sau đều có sẵn hồ nước. Tức là hết bài bao biện. Nhưng nói thẳng ra thế dễ bị quy cho tội vu vạ, thiếu khách quan. Đến đoạn này chúng ta nên nghe trực tiếp từ các nhân chứng (dẫn từ bản tin của báo Dân Trí điện tử ngày 17/9): “Đám cháy phát lửa tại gian hàng bán vải phía đông của trung tâm, lập tức những công nhân quét rác cùng người dân đã hô hoán và gọi PCCC, cảnh sát 113. Nhưng mãi đến hơn 3h đội cứu cháy Hải Dương mới đến. Lúc tôi có mặt quầy hàng đồ điện của tôi vẫn chưa cháy. Phòng Cảnh sát PCCC cách trung tâm thương mại có 1km nhưng phải hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới là sao? Các vị ấy không mở cửa, không phá kính để cho nước tiếp cận đám cháy mà chỉ đứng ngoài bê cái vòi nước bé tý phun vào kính một cách tắc trách. Tôi đau lòng quá, thiếu nước quỳ xuống van lạy: Các cháu ơi, các cháu cứu dân với. Đập kính, phá cửa để dân cùng tham gia cứu cháy. Hãy gọi các tỉnh bạn đi, gọi thêm xe, thêm nước đi, làm thế chỉ có tác dụng rửa kính thôi. Đáp lại lời tôi là câu nói đến lạnh lòng: “Bọn tôi chỉ thừa lệnh, chúng tôi không biết”.Đây là lời của một nhân chứng khác (cũng dẫn từ nguồn trên): “Lực lượng bảo vệ ăn lương của tiểu thương ở đâu khi có cháy? Khi chúng tôi có mặt thì 4 bề trung tâm vẫn đóng im ỉm, tất cả các van nước tại đó đều không được mở. Đã thế khi cảnh sát PCCC điều hai cái xe chạy è è đến, một cái hết nước, một cái chết máy. Nếu cơ quan chức năng sống có trách nhiệm hơn thì bà con tiểu thương sẽ không đến mức khánh kiệt thế này”.
Hơn 2 tiếng là quãng thời gian dài bao nhiêu với một vụ hoả hoạn? Không thể nào ước lượng được với loại công việc tính từng giây. Chỉ biết rằng, với khoảng thời gian đó, với thái độ của những người chữa cháy như chúng ta vừa nghe kể và với rất nhiều hàng hoá, vật liệu có khả năng cháy khủng khiếp như vải, cao su, giấy, chiếu, gỗ, đồ nhựa… thì Trung tâm thương mại Hải Dương đã đủ để báo tử chính thức sau thời gian đó, cần gì phải đợi những 11 tiếng đồng hồ sau là thời điểm ngọn lửa tạm thời được khống chế.
Mà sao cả một tỉnh to lớn, vào loại giầu có như Hải Dương, mà lại chỉ có…2 cái xe cứu hoả? Đúng là có muốn nhắm mắt bịt tai cũng khó.
Dân gian có câu: “Cháy nhà, ra mặt chuột”, là dựa vào một thực tế để ám chỉ một vấn đề liên quan đến con người. Thực tế đó là khi cháy nhà, lũ chuột, dù chui rúc ở đâu cũng không còn cách nào khác là phải chạy ra để thoát thân, vì thế mà lộ mặt. Nhưng tôi đảm bảo, với sự khôn ngoan, thận trọng và đa nghi như lũ chuột hiện nay, chúng chẳng dại gì mà chọn những nơi như Trung tâm thương mại Hải Dương-một nơi quá nguy hiểm- để làm nơi trú ẩn qua đêm. Bởi vì chúng biết, nếu chẳng may xảy ra hoả hoạn thì chúng sẽ bị nướng chín ngay lập tức. Chúng biết rõ hơn bất cứ con người nào tại đó là chẳng có bất cứ vòi nước chữa cháy tự động nào được mở, hoặc có mở thì cũng chẳng có giọt nước nào vì chúng “chết” từ đời tám hoánh rồi; chẳng có lối nào thoát thân vì chúng được tận dụng tối đa để cho thuê chứa hàng thủ lợi từ lâu rồi…
Với bà con tiểu thương thì họ còn mải kiếm tiền, mải đối phó với đủ loại móc túi, mải lo hoàn vốn để bù cả số tiền bị ăn chặn, bỏ ra bôi trơn, mua sự yên thân của đám cai chợ nên đừng mong họ để tâm đến cháy nổ. Còn với lực lượng có trách nhiệm phòng chữa cháy thì họ chỉ diễn là chính, diễn cho vui và cho thiên hạ biết là họ không hề ngồi rồi (chả lẽ tiêu tiền dân lại không diễn ầm ĩ cho có vẻ như thật), thời gian còn lại thì họ còn mải trà lá, bài bạc, lo tìm cách tư túi cùng đủ thứ việc linh tinh khác, trừ duy nhất việc chữa cháy. Bằng chứng là chiếc xe cứu hoả không thể phun nước từ đời nào nhưng họ có biết đâu. Bọn chuột biết rõ thực tế đó. Vì vậy, đừng hy vọng thấy mặt chúng khi Trung tâm bị cháy.
Nhưng cứ kiểu quy trách nhiệm hoà cả làng như một thông lệ chỉ thấy ở Việt Nam sau mỗi vụ cháy, cũng đừng ai hy vọng tìm thấy mặt…con gì! Những cái mặt người đau buồn như chết nửa cuộc đời thì chỉ thời gian ngắn sau là khá nhiều số đó sẽ lẫn vào đám cùng khổ nhếch nhác, nhan nhản nơi bến xe, bãi rác, chả cần phải tìm cũng thấy. Còn những cái mặt đáng bị nhận diện thì lại đụng phải chuyện “tế nhị”. Những cái mặt khác nữa thì nhà cháy hay cháy bất cứ cái gì! cũng chả làm mất một sợi lông của họ, việc gì phải thò mặt ra cho thiên hạ thấy. Thôi, đừng có mất công vô ích ám ảnh trước một câu tục ngữ đã hết thời. Thay vì tìm thấy gì khi cháy nhà, cháy khu công nghiệp, cháy Trung tâm thương mại (ngoài tro tàn)…, hãy chuẩn bị tinh thần để đón thông tin về vụ cháy khác.