Dẫn đầu là Công ty đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 gom 4 dự án tại Gò Vấp, Bình Chánh và Tân Phú xin chuyển thành nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Tổng số căn hộ doanh nghiệp này xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đến 2.782 căn. Trong đó có một dự án gần 1.000 căn từng được UBND TP HCM cho phép chuyển công năng từ căn hộ sang bệnh viện nhưng bất thành. Nay chủ đầu tư này tiếp tục xoay sở sang nhà ở xã hội.
Nhập cuộc cùng 584, Công ty cổ phần Việt Liên Á xin điều chỉnh hơn 2.000 căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội. Dự án này chỉ mới đền bù được gần 81.000 m2, chiếm 41,55% diện tích được giao.
Trong khi đó, Công ty sản xuất thương mại Lan Phương cũng tính chuyện gắn mác nhà ở xã hội cho 1.092 căn hộ (Thủ Đức) phục vụ tái định cư. Doanh nghiệp này còn xin chủ trương bán 125 căn hộ thuộc khu trung tâm thương mại thành nhà ở xã hội.
Thậm chí các ông lớn chuyên xây căn hộ giá rẻ cũng tỏ ra "mặn mà" không kém. Cụ thể, Công ty tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân dành 100% diện tích đất dự án khu chung cư CC1 - Khu 2 tại Bình Chánh đầu tư xây nhà ở xã hội. Một tên tuổi quen thuộc của thị trường căn hộ nhỏ giá mềm là Lê Thành cũng lập kế hoạch xây dựng gần 950 căn hộ thuộc dự án khu dân cư cùng tên vào phân khúc nhà ở xã hội.
Được xem là nhân tố bất ngờ, dự án từng được định vị là căn hộ cao cấp như Khu thương mại dân cư Hưng Điền (quận 8) cũng được chủ đầu tư xin "hóa kiếp" 1.060 căn hộ thành nhà ở xã hội. Dự án này đã đền bù gần 83.000 m2, chiếm 99% diện tích toàn khu đất.
Ngày 26/3, UBND TP HCM đã giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thành phố kết hợp với các chương trình phát triển nhà ở đang được triển khai trên địa bàn đến năm 2015. Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sẽ triển khai thí điểm việc chuyển đổi công năng từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội tại một số dự án sau khi kế hoạch này được duyệt.
Theo đó, thành phố sẽ không sử dụng ngân sách mua lại dự án nhà thương mại để làm nhà ở xã hội mà nhà đầu tư sẽ trực tiếp ký hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua với khách hàng. Những người này phải thuộc đối tượng được Hội đồng cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cấp thành phố hoặc cấp quận-huyện xét duyệt theo quy định.
Trong báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP HCM trình UBND thành phố, đến tháng 3/2013, Sài Gòn có 12 dự án nhà ở các loại đã đăng ký xin chủ trương chuyển sang nhà ở xã hội với tổng cộng hơn 9.646 căn.
Nguyên nhân các nhà phát triển bất động sản nhảy vào cuộc đua này chủ yếu là nhằm hưởng chính sách lãi suất ưu đãi, giảm thuế giá trị gia tăng cho người mua nhà theo Nghị quyết 02.
Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực nhận xét, không phải vô cớ mà các doanh nghiệp đổ xô nhảy vào thị phần nhà ở xã hội. Hiện nay mọi phân khúc của thị trường địa ốc đều khó khăn. Nhiều chủ đầu tư đã tính đến nước cờ phục vụ số đông người dân (không có nhiều tiền) mua nhà giá rẻ kèm theo chính sách hỗ trợ để xả hàng tồn kho. Điều này khá trùng khớp với tinh thần của Nghị quyết 02.
Chủ trương giải cứu bất động sản được nêu rõ trong Nghị quyết 02 của Chính phủ là yêu cầu các ngân hàng phải dành một lượng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay đầu tư, kinh doanh và thuê mua nhà. Trong đó, nhà ở xã hội gần như là đối tượng chính được ưu ái nhất.
Tuy nhiên, ông Đực e ngại rằng gói ưu đãi này có thể biến thành ngược đãi nếu như doanh nghiệp đổ xô xây nhà ở xã hội trong khi thị trường chưa có cơ chế thông thoáng về đầu ra của sản phẩm. "Bên bán và bên mua nhà diện này chịu rất nhiều điều kiện ràng buộc: lợi nhuận thấp, người mua thuộc diện xét duyệt, nếu đã sở hữu nhà ở xã hội không được phép bán ra thị trường trong thời hạn nhất định...", ông Đực khuyến cáo.
Chuyên gia này đề xuất, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội theo phương thức thương mại và bán tự do cho mọi người bằng cách mở chính sách thông thoáng và điều kiện ưu đãi. "Sự cạnh tranh này sẽ mang lại cho người tiêu dùng nhiều cơ hội mua nhà giá thấp ", ông Đực kiến nghị.