Cha tìm thấy con sau 3 năm bị bắt cóc nhờ cộng đồng mạng

Người cha kiên trì tìm kiếm con trai mất tích suốt 3 năm. Thời điểm tuyệt vọng nhất, ông cũng không từ bỏ.

Người cha kiên trì tìm kiếm con trai mất tích suốt 3 năm. Thời điểm tuyệt vọng nhất, ông cũng không từ bỏ. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, hai bố con cuối cùng đã đoàn tụ.

­­­

Cộng đồng mạng vừa chia sẻ lại câu chuyện anh Peng Gaofeng ở Trung Quốc đã tìm thấy con trai sau 3 năm bị bắt cóc. Giữa năm 2015, cũng nhờ thông tin trên mạng, một gia đình ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc đã tìm được con gái 5 tháng tuổi sau hai giờ kể từ khi cô bé bị bắt cóc.

Bố con đoàn tụ nhờ mạng xã hội

Năm 2008, cậu bé Wenle, 3 tuổi, ở Thâm Quyến mất tích. Trong 3 năm tiếp theo, bố em, Peng Gaofeng, đã đi khắp Trung Quốc để tìm kiếm con trai. Anh bắt đầu hành trình trong nỗi lo lắng, sợ hãi và trải qua quãng thời gian dài đằng đẵng ấy trong tuyệt vọng.

Sau đó, ông tìm đến sức mạnh của Internet. Peng viết blog và liên tục đăng ảnh con trên Weibo , mạng xã hội phổ biến nhất ở nước này.

Nhà báo Deng Fei của Phoenix Weekly, với trang cá nhân có hơn 100.000 người theo dõi, đã hỗ trợ người cha rất nhiều trong nỗ lực tìm kiếm con.

Peng Gaofengtìm được con trai sau 3 năm tìm kiếm. Ảnh: AFP/ Getty Images

“Vào các ngày lễ, tôi thường xuyên đăng ảnh cậu bé vì những ngày này, người dùng mạng thường về quê nghỉ lễ. Tôi tin rằng, bọn bắt cóc đã bán Wenle cho một gia đình ở nông thôn”, ông Deng nói.

Nhà báo luôn tin tưởng cha con họ sẽ gặp lại, một phần vì người cha ấy, dù tuyệt vọng, vẫn chưa ngày nào dừng hành trình tìm con; một phần vì khuôn mặt cậu bé mất tích khá đặc biệt với hàm răng hơi nhọn và đôi lông mày cách xa nhau hơn bình thường. Ông cho rằng, chỉ cần từng nhìn thấy cậu, người ta sẽ có ấn tượng sâu sắc.

Mãi 3 năm sau, ngay khi kỳ nghỉ Tết âm lịch bắt đầu, một người dùng mạng mới nhận ra Wenle ở Pizhou, thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Giang Tô. Người này lập tức liên lạc với Peng Gaofeng.

Trong quá trình tìm con, Peng thường xuyên nhận thông tin sai. Anh thậm chí từng trả 30.000 nhân dân tệ (khoảng 103 triệu đồng) để mua tự do cho hai em bé, một nam và một nữ, rồi báo lại với cảnh sát.

Lần này, khi nhìn thấy ảnh cậu bé, anh tin chắc đó là con trai mình nhưng vẫn sợ bản thân sẽ phải nếm mùi thất vọng thêm lần nữa.

“Tôi sợ lắm. Sẽ ra sao nếu đây vẫn không phải con tôi?”, người cha mất con nói trong chương trình được phát trực tiếp trên Weibo của Deng.

Ngày8/2/2011, hai người sốt ruột ngồi chờ ngoài đồn cảnh sát. Cả người Peng run rẩy. Khi xe cảnh sát đến, một cậu bé bước xuống với vẻ bối rối. Peng bật khóc.

Đứa bé nói với cảnh sát: “Người đang khóc kia là bố cháu đấy”.

Phải mất một lúc anh mới đè nén được cảm xúc dâng trào, cố gắng gọi điện báo tin cho vợ: “Anh nhìn thấy rồi, đúng là con chúng ta”.

Sau này, Peng kể lại giây phút đầu tiên được ôm con trai trong vòng tay mình một lần nữa với thính giả Đài truyền thanh quốc gia NPR : “Tôi không biết nói gì nữa mà chỉ biết ôm lấy con trong nước mắt. Ba năm đè nén nỗi đau đớn và áp lực bỗng chốc như bùng nổ. Tôi không nói nên lời, chỉ biết ôm lấy đứa con đã xa cách 3 năm”.

Một cái tên và gia đình khác

Hai ngày sau khi cha con tái hợp, cậu bé 6 tuổi vui vẻ ngồi xem TV tại khách sạn, trong khi ông bố luống cuống lo lắng cho con.

Tuy nhiên, Wenle rõ ràng đã phải tự điều chỉnh bản thân, tập quen với cái tên vốn có của mình. Trong nhiều năm qua, cậu được gọi là Han Longfei. Cậu bé sống cùng gia đình kẻ đã bắt cóc mình. Ông ta đối xử với cậu như con ruột. Khi người này qua đời vì ung thư, Wenle vẫn sống với vợ ông.

Peng cho biết, anh không khởi kiện gia đình họ.

“Tôi rất hạnh phúc khi đoàn tụ với con trai và để những chuyện còn lại cho cảnh sát lo liệu. Tôi không kiện họ”, anh nói.

Trong 3 năm, Wenle được đối xử tử tế, học hành đàng hoàng. Ngoài ra, người phụ nữ kia cũng đang phải nuôi trẻ nhỏ và người già. Không những thế, cậu bé hy vọng bố ruột cho phép cậu giữ liên lạc với gia đình họ.

“Nếu con trai tôi không thể quên gia đình đó, chúng tôi cũng sẽ không quên họ. Tôi có thể cho phép mẹ nuôi của Wenle đến thăm bé. Trong 3 năm chung sống, giữa hai người chắc chắn có tình cảm như những người thân”, anh chia sẻ.

Peng không hề nghi ngờ về lý do anh tìm thấy con. Anh khẳng định, sức mạnh của Internet đóng vai trò quan trọng, nếu không có nó, hai bố con có thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau.

Cậu chuyện kỳ diệu của bố con Peng Gaofeng cho thấy sức mạng của mạng xã hội. Tại Trung Quốc, giáo sư kiêm nhà hoạt động xã hội Yu Jianrong đã lập tài khoản microblog hướng đến mục tiêu giải cứu những đứa trẻ ăn xin lang thang.

Chương trình nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ cư dân mạng. Chỉ sau 7 ngày, người dùng mạng trên khắp nước này đã gửi 415 bức ảnh trẻ ăn xin đường phố đến tài khoản. 6 em đã được trẻ về gia đình.

Tuy nhiên, một số người lo ngại hành động này có thể khiến chủ thuê phẫn nộ, ảnh hưởng an toàn của các em.

Tháng 6/2015, cộng đồng mạng Trung Quốc một lần nữa chứng minh sức mạnh phi thường khi hỗ trợ một gia đình ở Trường Sa, Hồ Nam, tìm lại con gái 5 tháng tuổi sau hai giờ kể từ khi cô bé bị người lạ mặt bắt cóc.

Ngày 14/6/2015, một giáo viên họ Zhou cùng mẹ dẫn con gái Meng Meng đến khu mua sắm Wanda chơi. Khoảng 5h30, một phụ nữ tiếp cận, khen cô bé dễ thương và muốn bế bé một lúc. Người bà nghĩ cô ta quen Zhou nên trao Meng Meng cho cô ta. Lợi dụng đám đông, cô ta ôm bé gái bỏ trốn.

Camera giám sát cho thấy người kia rời khỏi tòa nhà, bước lên một chiếc xe hơi.

Sau khi nhận được thông tin, cảnh sát nhanh chóng đến nơi mà người phụ nữ kia xuất hiện lần cuối cùng trên video giám sát đường phố, nhưng không phát hiện đối tượng.

Vụ việc lập tức lan truyền trên mạng xã hội. Hai giờ sau, cảnh sát nhận cuộc gọi từ một phụ nữ nói đã nhìn thấy bé gái bị bắt cóc xuất hiện cùng hàng xóm mắc bệnh tâm thần.

Cuối cùng, bé trở về an toàn với gia đình.