Chị Lệ (Quận 9, TP HCM) là một người phụ nữ đảm và giỏi giang. Bằng chứng là từ khi về làm dâu đến nay, kinh tế gia đình đều do một tay chị cáng đáng.
Anh Sơn - chồng chị cũng chẳng phải vô công rỗi nghề. Nhưng lương của anh chỉ đủ cho anh ăn sáng và uống ly café mỗi ngày. Còn lại đưa vợ cũng chẳng được mấy đồng. Bố mẹ anh lại đều không có thu nhập gì.
Ngày chị mới về làm dâu, nhà anh là một căn nhà nhỏ cấp 4 đơn sơ, diện tích rộng 50m2. Nhà 4 người mà đi ra đi vào nhiều khi còn cảm thấy chật chội. Chị nghỉ việc làm công ăn lương, vay vốn đầu tư kinh doanh.
Đầu tắt mặt tối, chị chẳng có thời gian mà ngẩng mặt lên. Những bữa cơm không kịp ăn, những tối nửa đêm mới được đi ngủ là thường xuyên với chị. Chị chỉ biết, nếu chị không cố gắng thì cái nhà này sẽ đi về đâu, bởi cả gia đình đều trông vào chị.
Nhiều lúc nhìn những người đàn ông trụ cột gia đình, chị cũng tủi thân khi nghĩ đến chồng mình. Nhưng chị lại tự AQ rằng, anh Sơn không cờ bạc, gái gú, không cục cằn vũ phu, nhậu nhẹt thì thi thoảng. Như vậy còn hơn nhiều người...
Sau gần 10 năm cố gắng phấn đấu, gia tài của chị là có 2 con (một trai một gái) đều ngoan ngoãn. Và nhờ sự chăm chỉ, tính toán làm ăn của chị, mảnh đất 50m2 ban đầu giờ đã được cơi nới và mở rộng ra thêm thành gần 200m2 (do nhà bên cạnh vừa hay có ý định bán nhà, thế là chị mua luôn).
Không những thế, căn nhà cấp 4 lụp sụp ngày trước giờ đã biến thành căn nhà 3 tầng khang trang. Đồ nội thất trong nhà không phải xa hoa nhưng cũng đầy đủ không thiếu thứ gì.
Nhưng… ở đời giá như không có chữ “nhưng” ấy thì tốt biết bao. Chính mắt chị đã đọc được những tin nhắn tình tứ của chồng với một cô em mới vào công ty. Và đến khi chính miệng anh thừa nhận đã phản bội vợ thì chị như chết đứng.
Anh hứa chấm dứt, chị cố nuốt nước mắt tha thứ cho anh, vì con cái, vì gia đình. Nhưng anh không làm được như lời anh hứa. Cô em kia trẻ trung phơi phới, ngọt ngào tâng bốc và nịnh nọt anh lên trời khiến anh không tài nào dứt ra để về với vợ già xấu hơn, giỏi giang hơn, lại suốt ngày chỉ biết đến làm ăn kiếm tiền.
Nhiều lúc nhìn những người đàn ông trụ cột gia đình, chị cũng tủi thân khi nghĩ đến chồng mình. (Ảnh minh họa).
Chị hoàn toàn hết hy vọng ở chồng, đề nghị ly hôn. Anh Sơn đồng ý luôn chẳng suy nghĩ. Bố mẹ anh ngày thường quý chị là thế, giờ con trai ông bà dở chứng thì cũng chẳng bao giờ đặt con dâu lên trên máu mủ ruột thịt của mình được: “Cô đi thì đi, cái nhà này đứng tên tôi, đừng hòng chia chác gì. Còn mấy cửa hàng, hai vợ chồng cô đều đứng tên nên cô muốn giữ thì đưa cho thằng Sơn nửa giá trị, không thì thanh lí đi rồi chia đôi tiền!”.
Chị nghe bố mẹ chồng nói vậy mà sây sẩm mặt mày. Trước đây có bao giờ chị nghĩ đến vấn đề này. Chị cứ nai lưng ra làm kiếm tiền. Tài sản đứng tên ai đối với chị thì cũng đều là người nhà cả, đi đâu mà thiệt. Còn gì cay đắng hơn khi chị bước chân ra đi mà phần lớn nhà cửa, tài sản do mồ hôi công sức chị làm ra lại để lại cho người khác hưởng.
Nhà anh Lưu (Thanh Xuân, Hà Nội) có 2 anh em trai nên lúc anh lấy chị Hạnh thì anh chị thuê nhà ra ở riêng. Một phần vì nhà bố mẹ anh Lưu hơi chật chội, một phần vì anh chị muốn có không gian riêng, lại gần chỗ làm hơn. Nhưng thực ra lí do tế nhị khác là ông bà hợp với cậu hai hơn cậu cả.
Vài năm sau, anh chị đã tích góp được một khoản để dành mua nhà. Lúc này, anh chị cũng có một cô công chúa xinh xắn, thông minh. Chị Hạnh đang cảm thấy rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại thì bố mẹ chồng chị kêu anh chị trở về ở chung với ông bà với lời lẽ đầy sức thuyết phục: “Các con về đây ở, mang cháu về bố mẹ trông cho. Nhà này cũng cũ rồi, các con về thì xây mới lên mà ở, cả nhà cả đất sau này là của các con hết! Em trai con cũng không được phần nào đâu, các con yên tâm!”.
Chị Hạnh thực sự không muốn về ở chung với ông bà chút nào. Chị ngại những va chạm mẹ chồng - nàng dâu khi sống chung, lại rạn nứt tình cảm gia đình. Thêm nữa là mảnh đất ấy vẫn mang tên bố mẹ chồng chị, vui vẻ thì không sao, nhỡ ông bà đổi ý lại cho phắt cậu em trai thì có phải anh chị hết vốn liếng, bao giờ mới mua được nhà cho riêng mình.
Thật lòng, chị cũng chẳng mong được miếng đất ấy, bởi cái gì tự tay mình làm ra cũng hạnh phúc hơn. Chị cũng có lo lắng về việc sau này, khi em trai anh có gia đình, ở cùng lâu dài sẽ rất phức tạp. Chị nói với chồng, đề nghị được đứng tên sổ đỏ thì anh trợn mắt quát chị: “Đối với bố mẹ mà em cũng tính toán thế à?”.
Chị Hạnh thấy chồng nói thế thì cũng hơi áy náy vì thấy bản thân đã nghĩ nhiều quá. Và để giữ hòa khí gia đình nên cuối cùng anh chị đồng ý với lời đề nghị của bố mẹ chồng.
Ngoài số tiền anh chị dành dụm được thì còn phải đi vay mượn thêm rất nhiều vì ông bà muốn xây 4 tầng cho to rộng, rồi sắm nội thất đắt tiền cho sang. Chị Hạnh cứ phải đem cái suy nghĩ: “Rồi cũng là vợ chồng mình hưởng chứ ai?” ra để tự an ủi mình trước số nợ ngày càng to.
Nhưng đúng là sự đời nhiều khi không được như mong muốn. Chị Hạnh không biết ông bà có tính toán gì trong việc đề nghị anh chị về ở cùng hay không. Nhưng từ khi ở chung, ông bà luôn tìm cách để “gây hấn” với chị. Lời hứa trông bé giúp cũng theo gió bay đi tự lúc nào.
Hơi một chút không hài lòng là mẹ chồng chỉ thẳng mặt con dâu chửi: “Không chịu được thì cuốn xéo ra ngoài mà ở! Cái nhà này đứng tên tôi, đừng hy vọng mà động chạm vào”.
Ở chung có quá nhiều mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Nhiều sự việc cũng vô lí và quá đáng đến mức anh Lưu muốn bênh bố mẹ cũng không được. Mâu thuẫn vì thế cứ tích tụ dần và ngày càng lớn.
Để tránh phải trở mặt với chính bố mẹ mình, chỉ chưa đầy 1 năm sau khi chính thức sống chung, anh chị lại phải tay trắng khăn gói ra thuê nhà ở. Không những thế còn đeo trên lưng khoản nợ không nhỏ. Vẫn biết, thôi thì xây nhà cho bố mẹ, em trai ở chứ ai đâu, nhưng sao chị vẫn thấy cay đắng quá...
Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Yêu và Sống và Kết nối. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư: banbientap@xahoi.com.vn.