Ba mất sớm, để lại mẹ nuôi 8 đứa con thơ, chúng tôi vẫn được đến trường học, cho dẫu cuộc sống có phần thiếu hụt, không bằng bạn bè trang lứa.
Tôi là đứa viết chữ đẹp nhất lớp, thường được điểm 8 nên cô hay cho cả lớp xem bài tập viết của tôi. Đúng như tên, cô Hiền dịu dàng, khuôn mặt buồn nhưng đầy vẻ ấm áp. Ngày xưa, đi học viết bài bằng ngòi bút lá tre chấm mực tím. Cô nói với cả lớp viết như vậy chữ mới đẹp, không cứng như viết bút bi, ngón tay cầm bút của tôi luôn tím thẫm màu mực. Có một lần, cô hỏi tôi:
- Đức! Sao tay em lúc nào cũng dính mực vậy? Em không rửa tay à?
Tôi chỉ biết lí nhí trong miệng. Không phải tôi lười rửa tay nhưng vì cây bút của tôi đã nứt ngay chỗ cắm ngòi bút nên mực lúc nào cũng rỉ ra, văng cả xuống áo. Tôi chữa vết nứt bằng cách lấy sợi thun buộc lại. Mẹ tôi lúc đó nghèo lắm, tôi được đi học là sướng lắm rồi.
Cô nhẹ nhàng cầm cây bút mực của tôi lên xem, nhìn vào cọng thun buộc chặt cũng biến thành màu tím. Hôm sau, cô mua cho tôi một cây bút mới. Mắt tôi sáng lên, lòng thầm cảm ơn cô. Ngòi bút lá tre sáng ngời, cắm vào cán bút màu xanh mới đẹp làm sao! Biết nhà tôi nghèo, cô hay cho tôi tập mới, khi thì cây viết, hộp màu... Cô còn giúp đỡ mẹ tôi. Tôi nhớ hoài khi mẹ sửa nhà dột nát, cô đã nhờ người mua giúp cho mẹ vật liệu với giá “hữu nghị”. Tôi kính trọng cô, không biết diễn tả lời nào cho vừa.
Có những lúc tôi thấy cô ngưng giảng bài, rồi khúc khắc ho. Một chiều cuối thu, tôi được tin cô mất vì bệnh lao phổi sau một thời gian điều trị. Tôi bàng hoàng, thẫn thờ. Mưa rơi, giăng xám đầy trời như khóc thương ai. Tôi còn quá nhỏ không thể hiểu được thế nào là mất mát, chia ly. Cô mất khi còn trẻ.
Buổi sáng mùa thu ấy, tôi theo mẹ tiễn cô về nơi an nghỉ. Mưa giăng đầy, rớt cả vào mặt tôi nhòe dòng nước mắt. Thấy mọi người ai cũng khóc, tôi khóc theo, không biết rằng mình đã mất cô mãi mãi.
Bốn mươi năm trôi qua. Cây bút lá tre ngày xưa không còn. Hoài niệm về cô, tôi cất chặt trong tim. Kính gửi cô một cành hoa trắng.