“Cậu Thủy” và cuộc khai quật ly kỳ ở Bình Phước

Đầu năm 2013, tại tỉnh Bình Phước, “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”) cùng lực lượng chức năng tổ chức khai quật mộ liệt sĩ.

“Nhập vong, hốt cốt”

Theo tài liệu của phóng viên, khoảng 12h ngày 28/1/2013, đoàn cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) đi cùng “cậu Thủy” đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước đến thắp hương và thực hiện công việc được gọi là áp vong để xác định vị trí có hài cốt.

Sau 20 phút có một người đàn ông trên 60 tuổi (được cho là thân nhân tìm liệt sĩ đi cùng đoàn) “được” nhập vong của liệt sĩ nói sẽ dẫn đoàn đi đến khu vực có mộ liệt sĩ. Sau đó người đàn ông cùng “cậu Thủy” dẫn đoàn đến lô cao su thuộc ấp Xa Cam 1, phường Hưng Chiến thì bảo đây là khu vực có chôn liệt sĩ. Kế đến “cậu Thủy” làm thủ tục cúng bái và cho biết công việc tạm dừng chờ hôm sau sẽ xác định cụ thể vị trí có chôn hài cốt liệt sĩ.

Từ 9h ngày 29/1, “cậu Thủy” cùng đoàn NHCSXHVN đến khu vực nói trên tổ chức cúng bái và “cậu Thủy” phát cho mỗi người đi cùng (kể cả thân nhân liệt sĩ) cầm 1 nén nhang, sau đó phán đi trong vòng bán kính khoảng 70km trở lại, vong của liệt sĩ sẽ nhập vào để chỉ cụ thể 3 vị trí có chôn hài cốt. Đến ngày 30/1, đã có 15 bộ hài cốt “cậu Thủy” cho là hài cốt liệt sĩ được quy tập.

Những nghi vấn

Quá trình giám sát cuộc khai quật, lực lượng Đội K72 thuộc Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước thấy nhiều nghi vấn do việc làm của “cậu Thủy” cùng NHCSXHVN “có vấn đề”.

Theo đó, ở ba vị trí có hài cốt nằm dạng hình tam giác nhưng lại không ảnh hưởng đến công trình công cộng và cao su. Cụ thể vị trí thứ nhất và thứ ba nằm giữa khoảng cách cây cao su đã chết, vị trí thứ hai nằm gần cột mốc báo đường ống nước và cách quốc lộ 13 khoảng 50m.

Xương do “cậu Thủy” khai quật được cho là hài cốt dỏm.

Về vị trí nằm của các bình tông ở cả ba vị trí đều được đặt ngang, cùng chiều, trong 2 hố chôn tập thể (vị trí 1 có 7 hài cốt, vị trí 2 có 6 hài cốt - theo “cậu Thủy”) nhưng diện tích khai quật lấy được hài cốt thì rất nhỏ (chỉ từ 1m x 1,5m)  không phù hợp với thực tế chôn cất mộ tập thể. Hố chôn nhiều người theo “cậu Thủy” nằm chồng lên nhau nhưng vị trí được cho là xương sọ lại nằm trên cùng một mặt phẳng.

Theo thân nhân gia đình các liệt sĩ, năm sinh của các liệt sĩ khác nhau nhưng lại chôn cùng một khu vực (theo “cậu Thủy” số liệt sĩ này hy sinh trong cùng một trận càn). Bên cạnh đó những di vật như dép cao su còn mới tinh, dưới đế chưa mòn và là loại dép đúc không phải là dép lốp như thời trước; những huy hiệu ngôi sao vẫn còn màu sơn đỏ; biđông nước khắc cùng một kiểu có nét giống nhau, có dấu hiệu bị đốt, đầu đạn không phải là đầu đạn bắn ra từ nòng súng, lõi chì còn mới…

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Mãng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước đặt vấn đề nghi ngờ: “Làm gì chiếc dép chôn từ năm 1972 mà còn nguyên vẹn, mới tinh, dưới đế chưa mòn và là loại dép đúc không phải là dép lốp như thời trước. Hoặc như những huy hiệu ngôi sao vẫn còn màu sơn đỏ; bi đông nước khắc một kiểu có nét giống nhau và có dấu hiệu bị đốt; đầu đạn không phải là loại đầu đạn bắn ra từ nòng súng, lõi chì vẫn còn mới và hàng loạt mờ ám khác nữa…”.

Từ những nghi vấn, Đội K72 thuộc Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đã cùng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước, Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh khai quật lại hết số hài cốt liệt sĩ.

Nhiều hiện vật được cho không phải là của các liệt sĩ do “cậu Thủy” khai quật.

Qua đó, cơ quan chức tỉnh Bình Phước phát hiện số hài cốt được an táng trong quách có một số điểm khác thường: về trọng lượng xương nặng hơn xương của liệt sĩ mà Đội K72 đã từng cất bốc; trong lõi xương có cát và bột xi măng (vị trí cất bốc hài cốt nằm trong khu vực đất đỏ bazan), chiều dầy của xương dầy hơn xương người chết bình thường và có một số xi măng trộn cát đông cục không phải là xương người. Ngoài ra hình dáng và cấu tạo của xương không giống với xương người chết bình thường…

Từ những khúc mắc nên Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh hỗ trợ lập thủ tục gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định các di vật đã được khai quật như: đầu đạn, dép cao su, bình tông để xác định các di vật của liệt sĩ đã được chôn dưới lòng đất từ năm 1946 hay không.

Phản ứng gay gắt

Ông Võ Văn Mãng cho biết, ngay từ khi chưa khai quật, nhiều cựu chiến binh tại thị xã Bình Long đã có phản ứng gay gắt nhưng ý kiến của họ đều bị bỏ ngoài tai. Mặt khác trong quá trình khai quật có rất nhiều di vật không thể tin được.

Ngân hàng CSXHVN dựng rạp cùng “cậu Thủy” tìm hài cốt liệt sĩ dỏm.

“Vì được cấp trên giao phó nên Sở có nhiệm vụ theo dõi, ghi chép, ghi lại hình ảnh quá trình khai quật. Trong thực hiện nhiệm vụ chúng tôi thấy rất nhiều nghi ngờ nhưng do ý chí của phía NHCSXHVN quyết tâm làm nên không dám phản ứng mà nhẫn nại quan sát. Đội K72 - một đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm nên khi thấy nghi vấn đã đề nghị ngay và phát hiện sai trái. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên cũng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”, ông Mãng cho biết.

Đại tá Nguyễn Văn Bình, đội trưởng Đội K72 cho biết: “Trải qua hơn 11 năm phụ trách công tác tìm kiếm, cất bốc và qui tập hài cốt các liệt sĩ về lòng đất mẹ nên tôi đã có nhiều kinh nghiệm, từng trải trong công việc. Do đó với trách nhiệm và lương tâm của mình, ngay khi thấy các cán bộ NHCSXHVN cùng “cậu Thủy” làm công việc cực kỳ quan trọng nhưng đầy mờ ám, tôi làm báo cáo ngay đề nghị cấp trên và các cơ quan chức năng cho tiến hành khai quật lại toàn bộ số hài cốt vừa an táng gửi đi giám định AND để đi đến kết luận cuối cùng một cách khoa học và chính xác. Và kết quả cho thấy là sai sự thật”.