Câu chuyện tình cổ tích của thầy giáo viết chữ bằng mồm

Hôm đón dâu, chú rể tật nguyền được người thân bế vào nhà gái để xin dâu. Dọc đường đi, anh chẳng dám nhìn ai vì thương cô dâu.

16h chiều, căn nhà nhỏ của anh Phùng Văn Trường (35 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đầy ắp những thanh âm hạnh phúc của trẻ nhỏ và người lớn. Người chồng ngồi xe lăn cưng nựng cậu con trai 4 tháng tuổi đang toe toét cười trên tay mẹ. Đỡ đứa con từ tay vợ, anh khó khăn ôm con vào lòng và giữ thật chặt trong vòng tay bị khoèo của mình. Trong lúc hai bố con chơi cùng nhau, chị vợ tên Hường tranh thủ đi tách ngô cho gà. Trời lạnh nhưng hai vợ chồng chỉ khoác tạm lên người bộ quần áo có những miếng vá to bản.

Tấm ảnh cưới được người bạn phóng to và tặng lại cho vợ chồng anh Trường. Trông chú rể phúc hậu được người thân bế vào nhà gái làm lễ, người làng ai cũng cảm động và chúc phúc cho vợ chồng anh.

Cách đây 4 năm, giấc mơ có một người vợ, một đứa con trai và một công việc là quá xa vời với anh Trường. Giờ thì trong căn nhà cấp 4, người đàn ông bị liệt tay chân, phải ngồi xe lăn ấy hạnh phúc khi cuối cùng “ông trời cũng không lấy đi mọi thứ”. Nhắc đến anh Trường, người dân thôn Nhân Lý không chỉ mừng cho mái ấm của anh mà còn nể phục vì nghị lực luyện viết chữ bằng mồm và lớp học đặc biệt của người đàn ông này.

Sinh ra khỏe mạnh nhưng đến năm hai tuổi, tay chân anh Trường bắt đầu bị teo và liệt dần. Học đến lớp 8, anh nghỉ ở nhà vì gia đình khó khăn, trường lại cách nhà hơn 10 km. Thấy bạn bè đi học, anh cũng thầm ước giá tay chân khỏe, mình sẽ học hết cấp 3. Ham học, anh tự luyện viết chữ bằng mồm vì lúc này tay đã yếu, không cầm nắm được gì. Khó quá, nhiều lần anh phải bỏ cuộc. Ở nhà chỉ quanh quẩn bên xe lăn, cảm thấy bí bách và vô dụng, nhiều lúc anh muốn chết quách đi cho xong.

Gia đình mở cửa hàng nhỏ, anh ra bán giúp nhưng không viết được mỗi khi có ai đó nợ tiền. Thấy các cháu con em gái ruột học kém và chữ xấu, muốn bảo chúng học nhưng bản thân anh còn không cầm được bút. Thấy bực bội vì “học được mấy năm cũng biết tí chữ mà không viết được”, anh quyết tâm rèn viết bằng mồm.

Lúc đầu tập khó khăn vì bút chì chọc vào mồm khiến anh khó chịu, chảy nước miếng và nôn ọe. Cổ anh hay bị đau nhức do phải điều khiển mẩu bút chì ngậm trong miệng đưa lên đưa xuống theo nét chữ. Chưa làm chủ được bút, chữ anh nghuệch ngoạc, không thể đọc được. Những ngày đầu thấy anh ngậm bút cắm cúi tập viết, hàng xóm ai trông thấy cũng không cầm được nước mắt.

Suốt một tháng trời luyện tập, chữ của anh dần gọn gàng và đều đẹp. Mới đầu là các cháu trong nhà, sau đó trẻ con hàng xóm cũng kéo nhau đến nhà anh Trường học. Ở đây chúng được dạy viết, làm toán và tập đọc miễn phí. Không ít cháu được cô giáo khen tiến bộ, chữ viết đẹp sau một thời gian đến học với anh Trường.

Lớp học của anh có học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Vừa viết mẫu cho nhóm lớp 1, anh lại quay sang hướng dẫn nhóm lớp 3 viết chính tả, lớp 4 làm toán. Sau giờ tan học ở trường, chúng có thể đến bất kỳ lúc nào và học bao lâu ở nhà anh tùy thích. Anh giúp các cháu biết chữ không lấy tiền nhưng phụ huynh học sinh vẫn muốn hỗ trợ thầy giáo nghèo có tiền đỡ đần gia đình. Hàng tháng, mỗi cháu đến học chỉ phải đóng khoảng 100.000 đồng.


Tấm ảnh cưới được người bạn phóng to và tặng lại cho vợ chồng anh Trường. 

Hiện tại, công việc dạy học ở nhà chiếm hết phần lớn thời gian của anh. Ngoài tiền dạy học hơn 1 triệu đồng/tháng, khoản trợ cấp khoảng 700.000 đồng/tháng cũng tạm đủ để vợ chồng anh nuôi con nhỏ. Nhắc tới người vợ hơn mình 5 tuổi, anh Trường thầm biết ơn vì chị đã vượt qua sự ngăn cản của gia đình, định kiến của xã hội để đến với anh, cho anh một mái ấm.

Thầy giáo tật nguyền tâm sự, trước đây mỗi lần ngồi ở cửa, thấy bạn học cũ ngang qua anh lại chạnh lòng. Họ đều có vợ con và công việc ổn định, còn anh chỉ dám nghĩ tới điều đó trong giấc mơ. Cũng muốn lấy vợ để bố mẹ có cháu đỡ tủi thân nhưng phần vì mặc cảm, phần lại tự ái nên anh không dám.

Thương anh, em gái giới thiệu người phụ nữ lỡ thì ở xã bên và thay anh lên nhà chị để “tán tỉnh”. Nhiều lần được nghe kể, chị Hường rất khâm phục nghị lực của người đàn ông này. Lúc gặp mặt, chị tự nguyện về làm vợ vì nghĩ thương anh. Theo anh Trường, trước khi đến với nhau, anh “xác định tư tưởng” với chị ba điều bởi không muốn bị thương hại.

“Tôi không có quyền chọn lựa nhưng khi đã thương tôi thì phải trọng tôi. Đừng thấy tôi tật nguyền mà hắt hủi, đối xử thiếu nghĩa tình. Tôi hỏi cô ấy nếu lấy chẳng may không có con và tôi chết trước thì có chấp nhận không. Vợ tôi đồng ý dù gia đình bên ấy nhất định phản đối”, anh Trường kể.

Ngày đón dâu, chú rể được người thân bế từ xe hoa vào nhà gái làm lễ. Dọc đường đi, anh không dám nhìn mọi người đang đứng hai bên đường quan sát vì sợ họ chê cười. Thỉnh thoảng, anh liếc nhìn và lắng nghe họ bàn tán. Thấy mọi người xúc động, sẻ chia và chúc phúc cho mình, anh mới tạm yên tâm.

Không lâu sau ngày cưới, vợ chồng anh đón tin vui đứa con đầu lòng. Lúc còn một mình, nhiều khi anh muốn chết nhưng có con rồi, anh lại khao khát sống để thấy bé khôn lớn từng ngày. Sợ không thể sống đến ngày con trưởng thành, hàng ngày anh viết nhật ký dặn dò con thay bố chăm sóc mẹ và biết giúp đỡ những người kém may mắn.

“Tôi đặt tên cháu là Phùng Thiên Trường Quảng như một lời cảm ơn ông trời. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên tôi mong con cứng cáp, sớm tự lập”, anh Trường nói.

Dạo gần đây, sức khỏe bắt đầu yếu dần nhưng anh không dám đi khám vì lo nếu phát hiện ra nhiều bệnh lại không có tiền chữa. Ôm đứa con kháu khỉnh, người đàn ông ấy nghẹn ngào mong gặp được một bác sĩ có tâm thăm khám để có thể sống lâu hơn với con. Nhìn chồng trìu mến, người vợ ngồi bên cạnh thoáng nhớ đến gạo cho bữa tối nay đã hết nhưng rồi lại nở nụ cười hạnh phúc quay sang đùa vui cùng chồng con.


Lớp học đặc biệt của thầy giáo ngồi xe lăn, viết chữ bằng mồm. Mỗi lần thầy ngậm bút viết chữ đẹp, đám học sinh lại nhìn thầy với ánh mắt thán phục.

Anh Nguyễn Văn Huynh, trưởng thôn Nhân Lý và là bạn học thủa nhỏ với anh Trường, cho biết, người dân ở thôn ai cũng yêu mến và cảm phục tấm gương của anh Trường. Trong ký ức của mình, anh Huynh nhớ như in thời còn đi học cùng người bạn tật nguyền. Chân tay yếu nên anh Trường hay được các bạn tới chở đi học. Tự ti nên anh Trường hiếm khi ra khỏi nhà hay giao lưu với ai. Anh Huynh cho hay, nhiều lần bạn bè phải kéo anh Trường ra khỏi nhà để bạo dạn hơn.

“Biết tin Trường lấy vợ, bạn bè ai cũng mừng cho cậu ấy. Bố vợ khó tính muốn Trường đến tận nhà để xem mặt và hỏi rõ ý định lấy con gái ông thế nào. Cậu ấy mãi mới dám lên và bảo mình không có quyền chọn lựa, cô ấy thương là niềm hạnh phúc lớn”, anh Huynh kể.

Kể từ khi ra cửa hàng ngoài mặt đường sống và lấy vợ, anh Trường không còn khép mình mà cởi mở hơn với mọi người. Theo anh Huynh, người thầy đặc biệt ấy nhiệt tình và tốt bụng. Thấy Trường viết chữ đẹp bằng mồm, phụ huynh trong thôn đưa con tới nhờ anh giúp. Nhiều cháu trở nên tiến bộ sau một thời gian học ở đây.