Câu chuyện 'ma ám' người gần nghĩa trang

Mọi việc sẽ không có gì nếu như không có một ngày chị Lan nằm ngủ trưa và mơ thấy một người phụ nữ tóc dài đứng ở đầu giường nhìn chằm chằm vào mình.

Người phụ nữ bảo: 'Nhà của tôi, ai cho chị đến đây ở?'. Chị giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm gối. Thời buổi tấc đất, tấc vàng, những nơi được gọi là vùng sâu, vùng xa của thành phố giờ đã được lên quận. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay giờ nhường chỗ cho các chung cư cao tầng. Diện tích đất ở ngày càng bị thu hẹp, người sống chen chân cùng người chết...

Đồn thổi ở những ngôi nhà bị ma ám

Ngõ 392 phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội trước kia có tên gọi là ngõ Thuận Thành. Theo lời các cụ già trong ngõ thì đoạn cuối ngõ xưa kia là nghĩa địa của người Hoa. Sau ngày hòa bình lập lại, nhiều người từ các tỉnh thành như Hà Tây, Nam Định đổ về mua ruộng, san nền xây nhà ở.

Nhiều người lúc đó nghĩ đơn giản chỉ cần có tấc đất dựng nhà là tốt rồi, không quan tâm đến chuyện xưa kia nơi đây là khu nghĩa địa. Câu chuyện về dải đất có ngôi nhà ma được dân trong ngõ truyền tai nhau từ rất lâu rồi. Chỉ đến khi ông Huy - giáo viên về hưu về mua nhà trong ngõ thì câu chuyện mới thật sự trở thành đề tài nóng.

Bản thân ông Huy khi đến tìm hiểu mua nhà cũng biết khu đất đó rất dữ, nhưng vốn là người không duy tâm nên ông vẫn mua với ý định chuyển về ở hẳn, nhường ngôi nhà cũ cho cậu con trai cả. Nhưng không biết vợ ông đi xem bói ở đâu thấy thầy phán, nếu hai vợ chồng ở đó sẽ có một người chết, do vậy gia đình ông lại bàn nhau cho thuê căn nhà.

Và điều kỳ lạ là tất cả những người đến thuê đều gặp phải những tai ương, nhẹ thì đêm không ngủ được, nặng thì gia tài khánh kiệt, vỡ nợ mà bỏ đi. Vợ chồng chị Lan là trường hợp điển hình, chưa ở được 1 tháng thì dân trong ngõ thấy chị hớt hải dọn đồ đi nơi khác. Hôm dọn nhà đi, chị mới kể thật câu chuyện của mình cho mọi người nghe. Hai vợ chồng chị lấy nhau được 6 năm mà mãi không có con. Chạy chữa mãi mới có bầu, đúng lúc chị có bầu thì nhà chồng khởi công xây nhà, vậy nên anh chị phải tìm nhà thuê để chờ ngày sinh nở.

Đọc báo thấy có nhà trong ngõ cho thuê vừa yên tĩnh, rộng rãi, giá cả lại vừa túi tiền, chị vội tìm đến xem xét và ký hợp đồng thuê. Nhưng không hiểu sao từ khi chuyển về đây, chị Lan luôn có cảm giác như có ai đó đang nhìn mình từ mọi hướng trong nhà. Lúc đầu chị còn nói với chồng nhưng anh chồng gạt đi, bảo chị giỏi tưởng tượng. Mọi việc sẽ không có gì nếu như không có một ngày chị nằm ngủ trưa và mơ thấy một người phụ nữ tóc dài đứng ở đầu giường nhìn chằm chằm vào mình và bảo: “Nhà của tôi, ai cho chị đến đây ở?”. Chị giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm gối.

Giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại như vậy gần 1 tuần, chị đâm ra hoang mang, không biết phải làm gì, cuối cùng quyết định sang hàng xóm dò la về gốc gác ngôi nhà. Thấy chị hỏi, lúc đầu nhiều người chỉ cười tránh né, không nói, nhưng thấy cảnh một cô gái trẻ bụng bầu mặt mày hốc hác, hớt hải, mọi người thương tình mới nói thật.

Nghe xong câu chuyện, chị mới tá hỏa tam tinh khi biết rằng, ngôi nhà chị thuê đã qua 3, 4 đời chủ mua nhà, còn khách đến thuê thì nhiều không kể hết. Kể từ ngày người chủ đầu tiên chuyển đi thì không có một ai có thể ở đó được lâu.

Trước chị từng có 4 cậu sinh viên trường Đại học Bách Khoa đến thuê, nhưng chưa ở được 1 tuần thì nửa đêm các cậu vội vàng khăn gói bê hết đồ ra ngõ, gọi bạn đến chở đi. Khi mọi người hỏi vì sao lại chuyển đi như thế thì các cậu lè lưỡi, lắc đầu, nói nhà này có ma, đêm không cho ai ngủ, cứ dựng giường bắt dậy.

Có cậu đi ngủ ở nhà bạn không sao, cứ về nhà thuê là lại nằm mơ có người đánh vào bụng. Sáng nào dậy, cậu cũng kêu đau bụng, đi khám thì không tìm ra nguyên nhân. Lúc đầu các bạn nghĩ cậu dọa thế cho vui, nhưng đến khi 3 người còn lại đều bị ma trêu thì các cậu mới thật sự tin… Nghe xong những chuyện kỳ quái về ngôi nhà, chị Lan sợ hãi, gọi chồng về chuyển nhà đi.

Ngay cả dân trong ngõ cũng không ai dám bén mảng tới căn nhà. Bản thân vợ chồng ông Huy chủ nhà đi xem bói cũng biết nhà có ma nên đã mời thầy về cúng yểm bùa nhưng vẫn không được. Dù nhà cửa ở trên phố không lấy gì làm rộng rãi lắm nhưng ông cũng không dám dọn về đây ở. Theo những người già trong ngõ thì khu đất này trước kia là nghĩa trang của người Hoa; sau năm 1979, họ rời Hà Nội và không thể bốc mộ người thân theo được.

Lâu ngày, những ngôi mộ bị bỏ hoang. Khi thành phố phát triển, những ngôi mộ vô chủ đó được quy tập về một nơi khác, phần xương cốt dù đã được chuyển đi nhưng linh hồn họ vẫn quẩn quanh đất cũ. Không chỉ nhà của ông Huy mà còn rất nhiều ngôi nhà khác nằm trên dải đất nghĩa trang xưa đều được cho là đất dữ.

Con ngõ 52 đường Lê Quang Đạo, nằm cạnh làng cổ Phú Đô vốn trước kia là nghĩa trang của làng cũng lưu truyền rất nhiều câu chuyện kỳ dị. Khi thành phố phát triển về hướng Tây, hầu hết ruộng nơi đây đều trở thành đất dự án, những khu chung cư cao cấp mọc lên như nấm. Một số hộ dân tận dụng phần đất thừa không nằm trong dự án để xây nhà trọ.

Anh Tuấn, 32 tuổi, lái xe taxi của hãng Thanh Nga, thuê nhà trong ngõ cho biết: “Nhà tôi ở cuối dãy, ngay trái nhà là hai ngôi mộ. Hồi mới ở cũng ghê ghê, nhưng sau thì quen dần. Chuyện đêm nằm mơ thấy ma là chuyện thường. Có hôm tôi còn mơ thấy các cụ ngồi chơi tổ tôm, nghe rõ cả tiếng trống hội. Hôm sau mới nghe mọi người bảo làng đang mở hội. Có lần thằng cu lớn nhà tôi mới lên 4, chiều đi học mẫu giáo về ra đầu hè đi 'tè' luôn lên mộ.

Tối đến, cả nhà đang ăn cơm, nó cứ ôm bụng khóc, kêu đau; xoa dầu, đánh cảm mãi không đỡ, đưa cháu đi khám, đến bệnh viện thì lại nói cười bình thường. Về nhà lại ôm bụng kêu đau, mãi tới khuya mẹ đẻ tôi mới giật mình hỏi cháu xem chiều có ra mộ nghịch không. Cháu bảo không, mãi mới tra ra chuyện ban chiều, mẹ tôi phải làm đĩa gạo, muối rồi ra thắp hương, cháu mới đỡ và ngủ được. Hôm sau nhà tôi làm mâm cơm ra tạ tội”.

Chuyện nhà chị Lan buôn đồng nát bên cạnh cũng khiến người nghe không khỏi sởn da gà. Nhà chị Lan cách nhà anh Tuấn ba nhà. Ngôi nhà chị ở là của bà bác ruột cho ở nhờ.

Chị kể: “Bác tôi thấy hai vợ chồng đi làm cả tháng chỉ đủ tiền thuê nhà với hai bữa cơm nên gọi đến cho mượn nhà. Tôi về bàn với chồng đón con lên rồi xin đi học tư cho vợ chồng con cái gần nhau. Cháu lên buổi sáng thì đến tối, lúc đi ngủ cứ khóc ngằn ngặt. Ban đầu tôi nghĩ cháu lạ nhà nên mới thế, nhưng càng về khuya lại càng khóc thét lên như có người trêu.

Hồi mới lên nghe đã mọi người đồn về chuyện ma, tôi đâm nghi, liền đặt cháu xuống đất, hai vợ chồng hè nhau chuyển hướng giường mà cháu vẫn khóc, sau tôi phải lấy củ tỏi với con dao để ở đầu giường thì cháu mới hết khóc. Trưa hôm sau, tôi vừa mới đặt lưng, chợp mắt chưa ngủ sâu thì mơ thấy có ba mẹ con bế nhau chìa tay về phía tôi tỏ ý muốn xin điều gì. Tôi giật mình tỉnh dậy thì cũng là lúc con bé con khóc thét lên. Tôi bế cháu ra đầu ngõ tìm đến nhà bác tôi, cụ bảo đất đó là nghĩa trang, mấy mẹ con về làm lễ tạ đất xem thế nào.

Tôi về làm lễ theo lời dặn, tối hôm đó tôi lại nằm mơ ba mẹ con nhà chị kia, nhưng lần này họ không giơ tay xin nữa mà vẫy tay cười, con gái tôi cũng hết khóc đêm. 'Ở đâu phải âu đấy' thôi, nhà tôi cảnh nghèo, tiền đâu mà mua đất xây nhà, bà bác cho ở nhờ là tốt lắm rồi. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành; ngày rằm, mùng một, bận mấy thì bận, tôi cũng cố mua ít hoa quả, đĩa xôi, khoanh giò để thắp hương”.

Với bà Hòa ở chùa Láng thì câu chuyện 25 năm về trước vẫn còn ám ảnh bà đến tận hôm nay. Ngày đó khu chùa Láng chủ yếu là đất ruộng, dân cư thưa thớt, dù đã có trường Đại học Ngoại thương nhưng sinh viên chủ yếu sống ở trong ký túc xá chứ ít ra  ngoài. Nhà bà mới ở quê lên mua lại căn nhà cấp 4 của người em họ.

“Nhà chỉ có ba mẹ con, chồng thì đi công tác suốt, xung quanh dân ở thưa thớt, cứ 7, 8 giờ tối là các nhà đã đóng cửa. Tivi cũng hiếm nhà có nên mấy mẹ con thường đọc truyện cho nhau nghe rồi đi ngủ sớm. Hai đứa trẻ thì không sao nhưng tôi thì mười tối như một, đều nằm mơ thấy có một đoàn xe đám ma loại xe đẩy ngày xưa lúc thì rất đông người đưa, lúc chỉ có mỗi chiếc áo quan và cái xe tự đi.

Tỉnh dậy, tôi cũng lo lắm, hồi đó không biết, chỉ ôm con cho đỡ sợ. Mất một tháng liền tôi đều mơ như vậy, cho đến hôm tôi cho bọn trẻ về quê thăm bà nội thì gặp ông chú họ của chồng làm nghề thầy cúng. Vừa nhìn thấy tôi, ông ấy đã hỏi thăm về chuyện nhà cửa. Đến khi ông ấy hỏi đêm có nằm mơ gì không, tôi mới chột dạ hỏi lại thì ông ấy cho biết mặt tôi toàn thấy khí âm, chứng tỏ ngôi nhà nặng âm khí, dưới nền nhà chắc phải có điều gì đó rồi cho tôi lá bùa dặn phải để dưới gối.

Về nhà tôi tìm hiểu, thì ra trước kia khu nhà tôi ở là con đường dẫn vào khu nghĩa địa của làng. Sau này không biết vì lý do gì, các cụ trong làng đi xem bói nên quyết định mở con đường khác.

Con đường cũ và đám ruộng phần trăm được lấp đi, bán cho dân tứ xứ đến ở. Tôi về nhà bàn với chồng bán ngôi nhà đi, nhưng cảnh nhà khó khăn, không đủ tiền mua chỗ khác. Ông chú tôi thấy vậy mới bày cách là làm cây hương ngoài trời, cứ ngày rằm, mùng một chịu khó lên đó thắp hương. Từ đó tôi không mơ thấy gì nữa. Giờ dân cư đông đúc, nhà dân ngay sát nghĩa địa, đứng đây cũng nhìn thấy. Không phải chỉ mình nhà tôi đâu, các nhà bên cạnh, nhất là những nhà gần nghĩa trang, nhà nào cũng phải mời thầy về cúng bái. Ở lâu thành quen chứ người yếu bóng vía thì bán nhà đi nơi khác lâu rồi…”, chị kể.

Nếu không tỉnh táo dễ sa vào mê tín dị đoan

Chào bà Hòa, tôi tiếp tục đi sâu vào trong ngõ, rẽ tay phải, bắt gặp con đường nhỏ dẫn vào khu nghĩa trang, tôi thấy khu nhà dân và nghĩa trang chỉ cách nhau bức tường rào. Dừng chân tại quán nước cô Liên, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện đã từng xảy ra quanh khu dân cư này. Theo lời cô Liên thì chính bản thân gia đình cô đã từng gặp chuyện may nhờ có người âm về báo mộng. Hơn 20 năm trước, khu đất cô ở vốn là ruộng lúa và nghĩa trang của làng.

Cô Liên cho biết: “Trước kia nghĩa trang không có tường bao như bây giờ, sau này ban quản lý nghĩa trang được thành lập, các hộ dân quyên góp tiền xây tường bao lại. Mùa hè, bọn trẻ con suốt ngày rủ nhau đi bắt ếch trong khu mả. Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 1 năm thì mẹ chồng tôi cho ra ở riêng, cất nhà ở trên khu ruộng màu của nhà ngay sát nghĩa trang.

Lúc đầu mới về, tôi cũng sợ lắm, nhiều đêm không dám ra ngoài đi vệ sinh. Hôm nào chồng đi vắng thì mẹ con cắp nhau về trong làng ngủ nhờ bà ngoại. Mẹ đẻ tôi thấy vậy cứ an ủi con là không phải sợ, mình không làm gì họ thì cứ bình thường mà sống. Rằm, mùng một hay lễ Tết vào thắp cho họ nén nhang. Nhiều mộ vì người thân ở xa, không thường xuyên được chăm sóc nên họ cũng tủi thân, trần sao âm vậy. Tôi nghe theo, về nhà làm như lời mẹ bảo thì cũng bớt sợ.

Năm ấy tôi mới sinh đứa con thứ hai, sắp đến ngày sinh thì chồng tôi lại phải đi xa. Tôi lại chủ quan nghĩ là còn 10 ngày nữa mới sinh nên cũng yên tâm để chồng đi. Chồng tôi vừa mới đi hai hôm thì đêm thứ hai, tôi đau bụng trở dạ đẻ. Ngày đó đâu có điện thoại di động như bây giờ. Tôi vơ vội ít đồ rồi dắt xe đạp tính đạp xe ra nhà mẹ đẻ để bà đưa lên viện.

Đi được một quãng thì tôi đau quá không chịu được, ngã lăn ra đường, đầu cộc vào khung xe ngất đi. Trong mơ, tôi nhìn thấy một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, tay xoa bụng bảo tôi bình tĩnh, không sao đâu, ối chưa vỡ, để cô ấy đi gọi mẹ tôi. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên xe cứu thương. Mẹ tôi cũng cùng ngồi trên xe.

Tôi về nhà được một tháng thì nghe mẹ tôi kể lại vào cái đêm tôi trở dạ, mẹ tôi đang ngủ thì nghe có tiếng người gọi bảo bà vào viện ngay, cái Liên nhà bà sắp đẻ rồi. Mẹ tôi giật mình tỉnh dậy, nhìn quanh không thấy ai nhưng lòng nóng như lửa đốt. Bà vội gọi em trai tôi chở vào viện, gần đến nơi thì gặp tôi đang nằm ngất giữa đường.

Mẹ tôi còn bảo người gọi bà trong mơ có hình dáng, áo quần y hệt người phụ nữ đỡ tôi ngã và bảo sẽ gọi mẹ cho tôi. Sau này, tôi tìm hiểu thì biết trong nghĩa trang làng có mộ của một cô y tá khoa Sản của Bệnh viện Bạch Mai, cô ấy mất hồi Mỹ ném bom khu Khâm Thiên trên đường đi trực về”.

Tôi đem những câu chuyện được nghe kể lại ở trên tìm đến nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải để nghe ông giải thích với tư cách một nhà nghiên cứu. Ông Hải cho biết: “Từ lâu, nhiều người vẫn có quan niệm về việc người chết họ không thể cảm nhận mọi thứ như người sống nhưng họ vẫn có cảm xúc. Chính vì vậy mới có suy nghĩ rằng có chuyện người âm giúp đỡ người dương và cũng có chuyện người âm hành người dương. Tất cả đều do nhận thức và cách ứng xử của chúng ta. Nếu không tỉnh táo phân tích rất dễ bị sa vào mê tín dị đoan”.