Câu chuyện cảm động trong vụ chặt xác phi tang trong bao tải

Sau vụ việc Đặng Văn Tuấn chặt xác người vợ của em phi tang, tôi đến thăm nhà nghi can để tìm hiểu thì thấy K (con trai của nghi can Tuấn) đang vội vã để đến chỗ làm.

Khuôn mặt em đong đầy nỗi buồn đau thăm thẳm quá lớn so với tuổi 13. Chị T (người hàng xóm ở cạnh nhà) đợi em đi rồi mới nói "nó sợ báo đăng hình, bị người ta dị nghị rồi chủ quán hủ tiếu không cho làm nữa, mất việc không có tiền nó lại khổ hơn".

Chị T mắt đỏ hoe kể: Tui cũng như nó không biết mặt mẹ nó là ai, chỉ biết lúc K mới được nửa tháng tuổi, ba nó đi cai nghiện, mẹ nó đem về bỏ cho bà nội rồi bỏ đi cho đến nay. “Bà nội nó bị tai biến ngồi xe lăn, không nuôi được, tui thấy tội nghiệp quá nên qua tắm rửa, đút sữa cho nó ăn”. Nói rồi chị lại sụt sùi nước mắt: “Tui có một đứa con trai chết vì tai nạn, còn một đứa con gái đã có chồng, mấy bà hàng xóm nói vợ chồng tui không có con nhỏ thì nuôi nó giùm đi, rồi hàng xóm xúm vào, ai có quần áo con nít trai gái gì cũng cho”.

Dù vợ chồng chị đã lớn tuổi, lại phải cưu mang đứa trẻ mới lọt lòng, nhưng chị vẫn vui khi nhắc lại quãng thời gian cơ cực: “Lúc mới nuôi thằng K, tui còn gánh bánh canh, hủ tiếu đi bán, lớp nuôi con, lớp nuôi nó. Lúc nó còn nhỏ xíu, sữa đậu nành, nước cơm, hay sữa gì nó cũng uống… miễn no được rồi. Rồi những lúc nó nóng sốt, tiêu chảy, sốt xuất huyết… vợ chồng tui lại liên tục ở bệnh viện để chăm sóc nó như đứa con mọn”.

Càng nuôi lại càng thương mến nó, tui cảm giác nó vô phần vô phước, người ta có cha có mẹ, ở tuổi này được ẵm bồng không cho ra gió ra mưa, mà nó vô phước nên mình càng thấy thương. Tui nuôi nó lớn lên, nhưng chờ từ năm này, qua năm nọ đến năm kia vẫn không thấy ba nó về. Rồi 7-8 năm đằng đẵng, ba nó cũng đi cai về và giành nó về nuôi. Tui biết tình cha con không thể chia rẽ, nên giao lại cho ba nó và thâm tâm tui nghĩ, thôi thương nhớ nó thì chạy qua thăm”. Lúc ba nó bị bắt trở lại vì tội mua bán ma túy, là lúc nó đã đến tuổi đi học, nhưng không có khai sinh, không có hộ khẩu. “Vợ chồng tui lại chạy lo khai sinh, hộ khẩu cho nó đi học mẫu giáo, rồi vào cấp một…”.

Chị T kể tiếp, cuối năm ngoái Tuấn đi tù về, chị lại đứt ruột trả K về cho ba nó, nhưng K không muốn về, sụt sùi khóc lóc. Chị chỉ biết dặn dò Tuấn phải tu tâm sửa tánh, nuôi K ăn học đàng hoàng. Vậy mà về bên đó, K bị ba đánh chửi suốt ngày… Chị xót xa, qua can thiệp thì Tuấn chửi cả chị, cấm con quan hệ với vợ chồng chị. Từ đó K không dám nhìn chị, chị cũng không dám nhìn sợ K về bị đòn."Tui phải làm ngơ vậy nhưng đau lòng lắm”.

Khi vụ án xảy ra, K bị cha đuổi ra khỏi nhà. Từ đó đến khi sự việc vỡ lở, vợ chồng chị T lại giang tay ra cưu mang cho K vào nhà ngủ, vì chị không đành cho nó ngủ ngoài đường sợ trúng gió, đụng xe. “Từ hôm qua giờ, nó buồn khóc nói con không ngờ ba con làm như vậy, bà con lối xóm ai cũng khuyên nhủ động viên nói đừng buồn nữa, là ba nó làm khổ nó, khuyên nó coi như mắc nợ một cái chỗ sinh ra”.

Theo chị T, từ sau khi đi tù về, ba K cho em nghỉ học luôn. Mới đây K kiếm được việc làm thêm cho một quán hủ tiếu, chủ thương em chịu khó thật thà nên vừa trả lương vừa bao cơm ăn hai bữa… Suốt buổi nói chuyện, tôi thấy chị luôn ánh lên ánh mắt tự hào “Hồi nào giờ nó sống lễ phép với lối xóm, vì tui dạy nó từ nhỏ đến lớn. Tui luôn kể cho nó nghe từ nhỏ con không có quần áo, con đau bệnh gì lối xóm cũng lo, cũng cưu mang”.

Tâm sự với chị T, tôi ra về mà lòng thấy nhẹ nhõm yên tâm vì thấy K, đứa trẻ tội nghiệp mới có 13 tuổi trải qua những sóng gió điệp trùng nhưng đầy nghị lực. Lời chị T còn văng vẳng bên tai “Vợ chồng tui lớn tuổi rồi, sức khỏe yếu không nuôi nổi nó nữa. Nhưng mai mốt nhà nó được công an giải tỏa niêm phong, tui và bà con ở đây sẽ xúm vào lau dọn, để nó về nhà ở với chú. Có gì tui sẽ nấu ăn, qua lại làm chỗ dựa tinh thần cho nó”.