Chiều ngày 23/9, thông tin của nhiều lái xe cho hay khu vực km83 đoạn từ Yên Bái về đã thấy một vết nứt khá lớn, dài khoảng hơn chục mét, xuống cấp nghiêm trọng, chạy dọc theo tuyến đường. Do nằm ở đoạn cua nên khá nhiều phương tiện đã chủ động né tránh.
Khi đi dọc tuyến này, phóng viên phát hiện thêm một số tả luy đã bị nứt lở. Điển hình như đoạn km 103, một ta luy sau cơn mưa đã sạt lở toàn bộ (ảnh), một vài điểm khác thì đang được nhà thầu múc, hót, sửa chữa.
Nhiều người dân sống ở đây cho biết không rõ đơn vị nào là nhà thầu chính bởi ở đây có rất nhiều nhà thầu phụ, nhận lại cho các nhà thầu của Hàn Quốc. Các kè này mới xây được một thời gian, không có ai xâm phạm, không có người đi, lối lại.
Hiện trường tả luy sạt lở ở km 103, đoạn từ Yên Bái đi Phú Thọ.
Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm (Hiệp hội Xây dựng Việt Nam) cho biết, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến đường mới, cho đến ngày thông xe mới cho các xe con, xe tải vào hoạt động. Các phương tiện xe khách cũng chưa lên tuyến đường này để khai thác. Vậy khó có thể nói là đường nứt, hỏng là do các phương tiện giao thông vận tải, xe quá tải, quá khổ gây nên.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Được đầu tư với tổng số vốn gần 1,5 tỷ USD, dài 245 km đi qua năm tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai.
Sáng 24/9, trao đổi với lãnh đạo 1 tờ báo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng hiện tượng này đã được Bộ cảnh báo từ trước: “Khi thông xe Nội Bài – Lào Cai, VEC có tổ chức họp báo, có nói rõ, một số vị trí chờ lún sẽ bị hư hỏng trong quá trình khai thác…"