Vợ chồng Nguyễn Thanh Cần đang ly thân nhưng vẫn ở cùng một nhà. Ngày nọ, Cần kêu vợ đưa tiền mổ mắt nhưng vợ chẳng đưa. Canh vợ lúc vắng nhà, Cần qua phòng vợ, cưa két sắt lấy tiền và vàng (tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng) đem đi chôn giấu.
Với hành vi trên, vừa qua, Cần đã bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt bảy năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Lén lút, đánh lạc hướng vợ con
Theo hồ sơ, sau khi về nhà, phát hiện cửa phòng bị cắt, két sắt bị phá, người vợ hỏi thì Cần một mực bảo chẳng biết. Hỏi mãi không xong, người vợ liền ra trình báo công an. Qua vài buổi làm việc với cán bộ điều tra, Cần đành phải cúi đầu thú nhận và dẫn vợ dẫn con ra sau vườn cao su đào lấy tài sản.
Nhận thấy hành vi trên đã cấu thành tội phạm nên sau đó, cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Tây Ninh khởi tố, truy tố Cần về tội trộm cắp tài sản.
Tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, Cần bảo: “Tui có lấy tiền làm của riêng đâu. Bị đau mắt, bác sĩ bảo phải đi TP.HCM mổ, tôi hỏi tiền vợ thì chẳng thấy nói năng gì, cứ im thin thít rồi bỏ đi. Tiền của trong nhà vợ giữ hết. Đang giận mà ngửa tay hỏi tiền hoài, tôi tức quá mở két sắt lấy hết rồi tiện thể giấu luôn cho bõ ghét”.
- Thế bị cáo cưa cửa sổ để làm gì? - tòa hỏi.
- Đã lừa thì phải làm cho bài bản, cưa để đánh lạc hướng vợ con rằng trộm vào lấy - Cần trả lời.
Phần mình, vợ Cần trình bày: Vợ chồng cãi nhau rồi ngũ riêng là chuyện như cơm bữa do chồng suốt ngày chơi bời, nhậu nhẹt. Chồng không chịu tính toán làm ăn gì nên tôi tức, đòi ngủ riêng.
Còn việc Cần lấy tiền vàng, người vợ bảo: Chắc ổng giận nên lấy trêu ngươi tôi mà thôi.
Sau khi xem xét, TAND tỉnh Tây Ninh cho rằng Cần lén lút lấy hơn 1 tỉ đồng mà vợ đang quản lý nên hành vi trên đã cấu thành tội trộm cắp... Cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, tòa quyết định tuyên phạt bị cáo bảy năm tù.
Không thể thoát tội
Trao đổi về vụ án, Ths Nguyễn Trương Tín (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) đều cho rằng Cần đã phạm tội trộm cắp tài sản như tòa phán quyết. Theo quy định, “người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng...” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu dựa vào câu chữ của điều luật, có thể suy luận người nào trộm cắp tài sản của mình thì không phạm tội. Tuy nhiên, không thể hiểu cứng nhắc, bó hẹp nội hàm cụm từ “trộm cắp tài sản của người khác” như vậy. Cần phải được hiểu rộng thêm là trộm tài sản đang nằm trong sự quản lý hợp pháp của người khác cũng sẽ cấu thành tội phạm.
Trở lại vụ án, khi vợ đi vắng, Cần đã phá cửa, phá két lén lút lấy tiền, vàng. Tuy tài sản mà Cần lấy là chung của vợ chồng nhưng nó đang do người vợ cất giữ, có nghĩa là khối tài sản này đang nằm trong sự quản lý trực tiếp và hợp pháp của người vợ. Do đó, như phân tích ở trên, việc truy tố, xét xử Cần về tội trộm cắp tài sản là chính xác.
Luật sư Hậu cho biết thêm, nếu hành xử phù hợp hơn thì Cần sẽ không phải vướng vào lao lý một cách đáng tiếc. Theo quy định, vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Nếu muốn lấy tiền để mổ mắt thì Cần có thể yêu cầu người vợ đưa tiền. Trường hợp người vợ không đồng ý thì Cần có thể yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân chứ không thể lén lút đục két sắt lấy tài sản khi vợ vắng nhà.
Linh hoạt xử lý với một nửa khối tài sản Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng là chia đôi, mỗi người sở hữu 50%. Do đó, trong tổng số tiền Cần đã lấy có 50% thuộc sở hữu của người vợ. Như vậy, tôi cho rằng chỉ nên buộc Cần chịu trách nhiệm 50% trong tổng số hơn 1 tỉ đồng đã lấy. Luật sư NGUYỄN VĂN TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM |